Cấy que tránh thai là phương pháp tránh thai hiện đại, cho hiệu quả ngừa thai cao. Tuy nhiên không phải phụ nữ nào cũng dùng được que cấy tránh thai, những trường hợp dưới đây được chống chỉ định với phương pháp ngừa thai này.
Cấy que tránh thai là gì?
Theo ThS.BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh - Trưởng khoa Khám Chuyên gia, Bệnh viện Phụ sản Hà Nội, que cấy tránh thai là que nhựa dẻo nhỏ có kích thước bằng que diêm nhỏ, mỏng, mềm mại, chứa hormone progestin được cấy vào dưới da cánh tay. Khi que tránh thai được cấy, hormone progestin sẽ đi vào cơ thể ức chế quá trình rụng trứng hàng tháng.
Hormone này cũng làm đặc dịch nhầy ở cổ tử cung, khiến tinh trùng khó di chuyển và xâm nhập vào bên trong để gặp trứng. Bên cạnh đó, progestin cũng làm mỏng lớp niêm mạc tử cung, trong trường hợp tinh trùng gặp trứng và thụ tinh, trứng đã thụ tinh sẽ khó bám vào tử cung để làm tổ.
Việc cấy que tránh thai rất đơn giản và nhanh chóng, thường diễn ra trong vòng vài phút nhưng có hiệu quả trong vài năm. Đầu tiên bác sĩ sẽ tiêm một lượng thuốc tê phía trong cánh tay, sau khi thuốc tê có tác dụng, bác sĩ sẽ cấy que tránh thai ở vùng dưới da cánh tay bằng dụng cụ hỗ trợ cấy vô trùng.
Que cấy tránh thai là phương pháp tránh thai hiện đại có hiệu quả cao và an toàn.
Phụ nữ đang cho con bú có sử dụng được que cấy tránh thai?
Theo một số nghiên cứu cho thấy, hiệu quả ngừa thai ở que cấy tránh thai là 82% phụ nữ tiếp tục sử dụng sau 1 năm cấy que. Đối với phụ nữ đang cho con bú: Etonogestrel qua sữa mẹ với lượng rất nhỏ không ảnh hưởng tiết sữa hoặc chất lượng sữa mẹ (protein, lactose hoặc chất béo) Nghiên cứu đã so sánh phụ nữ đang nuôi con nhỏ trong vòng 36 tháng đầu sử dùng dụng cụ tử cung (n=33) so với IMPLANON®(n=38) thì không biến đổi số lượng và chất lượng sữa, không khác biệt tăng trưởng và phát triển trẻ.
"Que cấy tránh thai sử dụng được khi cho con bú và có thể cấy sau sinh 6 tuần"- ThS.BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh cho biết thêm.
Tác dụng phụ của cấy que tránh thai
Tác dụng phụ thường gặp nhất của que tránh thai là gây ra một số xáo trộn nhẹ về chu kỳ kinh nguyệt như chu kỳ hành kinh thưa hơn và giảm dần lượng máu kinh. Một số trường hợp sau cấy que gặp hiện tượng vô kinh. Các hiện tượng như giảm ham muốn tình dục, tăng cân bất thường, đau đầu, căng tức ngực rất hiếm gặp.
Tuy nhiên, các triệu chứng khó chịu này sẽ biến mất sau vài tháng sau khi cơ thể đã nhận diện và tiếp nhận sự hiện diện của que cấy tránh thai.
Những trường hợp chống chỉ định với que cấy tránh thai
ThS.BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh cho biết, một số trường hợp chống chỉ định với que cấy tránh thai gồm:
- Có thai hoặc nghi ngờ có thai
- Huyết khối TM tiến triểnCó hoặc nghi ngờ bệnh ác tính, mẫn cảm steroid SD
- Có hoặc có tiền sử có u gan (lành tính hoặc ác tính)
- Có hoặc có tiền sử bệnh gan nặng & các thông số chức năng gan chưa về bình thường
- Xuất huyết âm đạo chưa rõ nguyên nhân
- Quá mẫn cảm với hoạt chất/bất kỳ tá dược nào của thuốc
Có thể có thai trở lại sau khi tháo que cấy tránh thai?
Que cấy tránh thai là một dụng cụ dễ dàng tháo lắp. Nếu có ý định có con, hãy đến gặp bác sĩ để được tháo que tránh thai bằng cách tiêm một mũi gây tê vào ngay bên dưới phần cuối của que cấy tránh thai, sau đó rạch một vết nhỏ trên da và phần cuối của que cấy sẽ được đẩy qua vết rạch nhỏ này. Cũng giống như khi cấy que tránh thai, thời gian tháo que cấy tránh thai chỉ mất vài phút.
"Sau khi tháo que cấy tránh thai ra, hầu hết người dùng đều có lại kinh nguyệt bình thường, quy trình rụng trứng sẽ diễn ra bình thường ngay sau đó và có khả năng mang thai trong vòng một tháng sau khi tháo que" - ThS.BSCKII Nguyễn Thị Minh Thanh cho biết thêm.