Hiên tượng đa ối hay thiểu ối đều vô cùng nguy hiểm với thai kỳ.
6 cách chống dị tật thai nhi mẹ cần biết
9 điều bất ngờ về thai nhi mà bác sĩ không nói với mẹ
Nước ối là một môi trường giàu chất dinh dưỡng, có khả năng tái tạo và trao đổi, nó giữ một vai trò quan trọng đối với sự sống và phát triển của thai nhi trong tử cung. Nước ối bảo vệ cho thai đỡ bị sang chấn, nhiễm trùng, giữ cho dây rốn khỏi bị khô. Trong chuyển dạ đẻ, nước ối giúp cho xóa mỡ cổ tử cung. Chính vì vậy trong thời gian mang thai, khi có bất cứ rắc rối gì liên quan đến nước ối đều vô cùng nguy hiểm.
Dưới đây là những rủi ro có thể xảy ra với nước ối, mẹ cần đặc biệt chú ý:
Đa ối
Thể tích nước ối đạt tối đa vào khoảng tuần 38 của thai kì (khoảng 1 lít), sau đó giảm dần đến khi sinh con. Nếu lượng nước ối đo được khi siêu âm lớn hơn 2 lít thì mẹ đã bị đa ối gây ra biến chứng khá nguy hiểm có thể gây nguy cơ cho thai nhi như thai bất thường, sa dây rốn khi vỡ ối hoặc lúc chuyển dạ gây tử vong thai nhi. Riêng với mẹ, đa ối khiến mẹ dễ sinh non, mẹ khó thở. Nếu đa ối mãn tính có thể gây băng huyết sau sinh, nhau bong non... Từ tuần thai thứ 30, mẹ cần phải được khám thai thường xuyên cách tuần để đo lượng ối, xem ngôi thai và các vấn đề khác. Nếu mẹ bị đa ối thì cần phải được theo dõi và điều trị kịp thời để tránh những biến chứng đáng tiếc.
Thiếu ối
Nếu lượng nước ối của mẹ dưới 600ml thì có thể bị đánh giá là thiếu ối. Thiếu ối là biến chứng nguy hiểm hơn đa ối, thường gặp ở những mẹ mắc các bệnh tiểu đường, cao huyết áp… trong quá trình mang thai. Vì bé được nuôi dưỡng trong bọc nước ối, nên nếu thiếu ối sẽ làm cho hoạt động của thai nhi trong màng ối bị hạn chế. Thai nhi bị suy dinh dưỡng, chậm phát triển, có nguy cơ khiếm khuyết sau khi chào đời như phổi, xương và các cơ quan khác của bé kém phát triển, nó cũng làm tăng nguy cơ tử vong của trẻ. Người mẹ thì có nguy cơ bị sinh non vì suy thai. Mẹ có thể làm giảm tình trạng thiếu ối bằng cách nghỉ ngơi hợp lý khi mang thai, uống đủ nước, khám thai đều đặn và tuân thủ theo lời khuyên của bác sĩ nếu phát hiện thấy bất thường.
Hiên tượng đa ối hay thiểu ối đều vô cùng nguy hiểm với thai kỳ. (ảnh minh họa)
Nhiễm trùng nước ối
Nếu mẹ bị viêm nhiễm đường sinh dục trước hoặc trong thời kỳ mang thai, không được điều trị dứt điểm đúng cách, vi khuẩn có thể xâm nhập, gây viêm màng ối, khiến màng ối có thể vỡ ra trong bất kỳ thời gian nào của thai kỳ. Nước ối bị nhiễm trùng có màu xanh đục như lẫn mủ, mùi hôi. Khi bị nhiễm trùng ối, bé có nguy cơ bị nhiễm trùng trong tử cung như viêm phổi, nhiễm trùng huyết và dẫn đến tử vong. Riêng mẹ bị nhiễm trùng ối có thể viêm tử cung, phải cắt tử cung hoặc tắc vòi trứng gây vô sinh về sau.
Rỉ ối kéo dài
Vùng kín thường xuyên ẩm ướt. Bạn cần đi khám để các bác sĩ tìm nguyên nhân và điều trị dứt điểm. Bởi vì đó có thể là biểu hiện của vấn đề rỉ ối. Rỉ ối có thể gặp ở bất kỳ thai phụ nào trong thai kỳ, nhưng riêng với các mẹ có ngôi thai bất thường, khung chậu hẹp, rau tiền đạo, đa thai, đa ối, hở eo cổ tử cung, viêm màng ối… thì càng phải chú ý nhiều hơn. Bởi vì nếu không chấm dứt tình trạng rỉ ối này sẽ dẫn tới cạn ối, ảnh hưởng đến hoạt động của thai nhi, suy thai hoặc có thể gây khiếm khuyết cho em bé. Đối với thai phụ, rỉ ối sẽ khiến vùng kín luôn ẩm ướt, tăng nguy cơ viêm niêm mạc tử cung, nhiễm khuẩn huyết và có thể sinh non.
Thuyên tắc ối (tắc mạch ối)
Đây là trường hợp cực kỳ nguy hiểm đối với cả thai nhi và sản phụ. Dù là bệnh hiếm gặp nhưng thuyên tắc ối gây ảnh hưởng nặng nề, hơn 50% trường hợp mắc biến chứng này sẽ tử vong. Thuyên tắc ối được giải thích rằng nước ối lan vào trong tuần hoàn của mẹ do có kẽ hở giữa lớp màng ối và màng đệm (xảy ra khi vỡ ối, chọc dò ối), làm cho sản phụ tắc mạch, suy tuần hoàn và hô hấp cấp tính. Vì thuyên tắc ối mà biết bao nhiêu bà mẹ đã ra đi tức tưởi và em bé cũng không được làm người.