Phương pháp gây tê ngoài màng cứng cho chi phí không quá đắt nên ngày càng được nhiều chị em phụ nữ lựa chọn.
Có lẽ, chỉ những ai đã từng trải qua những lần sinh nở mới hiểu được cảm giác “đau đẻ” là như thế nào. Các nhà khoa học đã chứng minh cơn đau đẻ thậm chí vượt qua ngưỡng giới hạn đau đớn mà con người có thể chịu đựng và tương đương với việc gãy 25 chiếc xương sườn cùng lúc. Chính vì thế mà phương pháp “đẻ không đau” không chỉ là một tiến bộ của y học mà còn là giải pháp “cứu cánh” cho "một nửa thế giới" với rất nhiều ưu điểm của phương pháp gây tê ngoài màng cứng được đưa ra.
Tuy vậy, rất nhiều người vẫn đang băn khoăn có nên tiêm mũi "đẻ không đau" không? Và chính những sản phụ đã từng sử dụng phương pháp này cũng có những ý kiến trái chiều.
Các mẹ Việt nói gì về phương pháp "đẻ không đau"?
Ngày càng nhiều chị em quyết định tiêm "đẻ không đau"
Ngồi ôm đứa con mới sinh được 2 ngày, chị Lê Thị Ngọc Ánh (Hưng Yên) cho biết mình cảm thấy cực kỳ may mắn vì đã lựa chọn phương pháp "đẻ không đau". “Lúc mình vào phòng sinh thì có chị bên cạnh giới thiệu, chị ý sinh em bé thứ 3 rồi, chị bảo nên dùng phương pháp này nên mình đăng ký. Ban đầu vào phòng cơn đau đẻ rất đau và kéo dài lâu, sau khi tiêm thì các triệu trứng đau đẻ đỡ hơn rất nhiều. Khi sinh cũng đỡ mất sức hơn nên hồi phục nhanh. Nếu sinh em bé thứ 2 mình vẫn sẽ lựa chọn phương pháp này”.
Gây tê ngoài màng cứng là phương pháp giảm đau được nhiều mẹ lựa chọn.
Khi mang bầu bé thứ 2, chị Đỗ Thị Thúy Linh (Hà Nội) từng lo lắng "mất ăn mất ngủ", lo sợ đến ngày đi đẻ vì ám ảnh cơn đau ngày sinh bé đầu vẫn chưa nguôi ngoai. Sau đó, khi nhập viện chờ sinh, chị được một sản phụ cùng phòng "mách nước" cho chuyện tiêm mũi gây tê ngoài màng cứng nên thực hiện ngay. "Khi sử dụng thấy không đau mấy, bé thứ hai thấy giảm khoảng 30-40% so với bé đầu”, chị Linh cho biết.
Hầu hết các bà mẹ sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng đều cho rằng đây là phương pháp khá hiệu quả, giúp họ giảm những cơn đau đẻ thông thường, và giữ sức sau khi sinh. Có những người sinh con lần thứ 2, thứ 3 cũng đều lựa chọn phương pháp này.
Các mẹ bầu cũng "đua" nhau tìm hiểu
Chị Lê Thị Bích Hạnh (Hà Nội) đang mang thai hơn 35 tuần tuổi. Khi đi học lớp tiền sản chị được các bác sĩ khuyên nên sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng vì đây là phương pháp giảm đau hiệu quả, là tiến bộ y học dành cho phụ nữ mang thai mà chi phí lại vừa phải: “Bác sĩ cho biết sau khi tiêm sản phụ vẫn cảm nhận được cơn co bình thường, nhưng giảm các cơn đau và tránh mất sức cho người phụ nữa rất nhiều nên tôi có ý định sử dụng phương pháp này”.
Mang thai lần đầu nên chị Bùi Thúy Ninh (Hà Nội) không tránh khỏi cảm giác hoang mang, lo lắng khi nghĩ đến ngày đi sinh. Dù thai kỳ mới bước sang tháng thứ 7 nhưng chị đã bắt đầu tự tìm hiểu về phương pháp "đẻ không đau" qua sách báo.
“Em mang thai tháng thứ 7, khi đi khám thì bác sĩ chưa tư vấn, có thể là chưa đến thời kì tư vấn. Em được biết đây là phương pháp giúp mẹ sinh không đau đớn mà cũng không ảnh hưởng đến con, chi phí lại vừa phải nên em nghĩ em sẽ sử dụng”, chị Ninh cho biết.
Hầu hết các mẹ đều cho rằng mức chi phí cho mũi tiêm "đẻ không đau" là chấp nhận được.
Theo tìm hiểu, chi phí cho việc sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng ở các bệnh viện Việt Nam hiện nay khoảng 1.5 triệu đồng, đó là mức mà hầu hết các bà mẹ cho rằng có thể chấp nhận được để giúp họ đối mặt với ca vượt cạn dễ dàng hơn. Hơn nữa, nhiều ý kiến cho rằng việc tiêm thuốc để đẻ không đau là đang tôn trọng, bảo vệ sức khỏe cho phụ nữ. Đây cần được coi là nhu cầu cơ bản, cần thiết khi sinh nở.
Thực tế, có 2 cách giảm đau bằng thủ thuật gây tê ngoài màng cứng: gây tê ngoài màng cứng và gây tê ngoài màng cứng kết hợp với xương sống. Trong đó, gây tê ngoài màng cứng được thực hiện bằng cách gây tê cục bộ ở lưng, sau đó các bác sĩ sẽ chọc 1 ống nhựa nhỏ ngoài sống lưng, dừng lại cách màng cứng bọc tủy sống khoảng 15 mm, đồng thời bơm 1 lượng thuốc tê nhỏ nhất (chỉ đủ để phong bế cảm giác đau mà không gây ảnh hưởng đến bé và mẹ).
Thông thường, thủ thuật này được thực hiện trong vòng 10 phút và cần thêm 15 phút để thuốc tê có tác dụng. Mỗi liều thuốc tê có thể kéo dài đến 1 tiếng đồng hồ trước khi cần tiêm thêm liều kế tiếp, hoặc có thể truyền dung dịch thuốc gây tê liên tục và chậm.
Đau lưng - “tác dụng phụ” của phương pháp gây tê ngoài màng cứng?
Khi sinh con đầu lòng cách đây 7 tháng, chị Nguyễn Khánh Hà (Hà Nội) đã sử dụng phương pháp gây tê ngoài màng cứng. Chị cho biết lúc tiêm vào thì không cảm giác đau ở chỗ tiêm vì có thể lúc ấy cơn đau đẻ át đi.
“Trước khi tiêm rất đau, khi tiêm thì cơn đau đẻ giảm dần, 30 phút lại đau như cũ nên bác sĩ lại tiêm cho mình tiếp một mũi nữa thì sau 30 phút cơn đau đẻ giảm, sau đó mới đau tiếp. Cảm giác đau đẻ vẫn còn, nhưng nó giảm hơn rất nhiều”.
Trải qua lần sinh nở ấy đã gần 1 năm, chị Hà thỉnh thoảng vẫn thấy đau chỗ tiêm và đau lưng. Chị nghĩ đó có lẽ là tác dụng phụ khi chị lựa chọn phương pháp “đẻ không đau”.
Khi được hỏi: nếu sinh em bé tiếp có sử dụng phương pháp này hay không? Chị Đỗ Thị Thùy Linh (Hà Nội) cũng nói: “Nếu đẻ tiếp sẽ không sử dụng nữa vì đau lưng”.
Nhiều sản phụ đau lưng khi sử dụng phương pháp “đẻ không đau”.
Chuyện nên hay không nên tiêm "đẻ không đau" vẫn là vấn đề khiến nhiều chị em băn khoăn. Vậy phương pháp này có những ưu điểm và nhược điểm gì, có nên thực hiện hay không? Hãy cùng tham khảo ý kiến bác sĩ chuyên khoa II Nguyễn Hoàng Ngọc, Trưởng khoa Gây mê hồi sức, Bệnh viện Phụ sản TW trong bài viết được đăng tải vào lúc 13h00 ngày 12/1 trên chuyên mục Bà Bầu.