Ngoài chế độ dinh dưỡng thì quá trình phát triển của thai nhi là mối quan tâm chung của hầu hết các bà mẹ, nhất là những người mới “lên chức” lần đầu.
Khi mang thai, tâm lý chung của các mẹ bầu là muốn biết bé cưng hiện tại nhìn thế nào, bé đã phát triển đến đâu và có khỏe mạnh không. Dưới đây là chi tiết quá trình phát triển của thai nhi qua từng mốc quan trọng.
Thời điểm rụng trứng
Thời điểm lý tưởng nhất để thụ thai là 2-3 ngày trước khi rụng trứng. Tuy nhiên, thời điểm rụng trứng chính xác có thể khác nhau ở mỗi người, nhưng nhìn chung vào khoảng từ ngày thứ 11 đến ngày 21 của chu kỳ kinh nguyệt. Hơn nữa, ngày rụng trứng thường xảy ra trước kỳ kinh kế tiếp 14 ngày hoặc xung quanh ngày này.
Khi rụng trứng, cơ thể có một số thay đổi như âm đạo tiết ra nhiều chất nhờn hơn, một số người có cảm giác hơi đau vụng dưới. Bên cạnh đó, vài ngày sau khi rụng trứng, nhiệt độ cơ thể có thể tăng lên đôi chút, tuy nhiên sự chênh lệch này khá nhỏ và rất khó nhận biết.
Thụ thai như thế nào?
Thời điểm tinh trùng gặp trứng.
Quá trình thụ thai diễn ra khi tinh trùng thâm nhập vào trứng. Tại thời điểm này, bộ gen của bé đã hoàn chỉnh, bao gồm cả giới tính cũng được xác định luôn. Trong vòng 3 ngày sau khi thụ thai, trứng đã thụ tinh sẽ phân chia rất nhanh tạo thành bào thai. Bào thai đi qua ống dẫn trứng vào tử cung và bám lên thành tử cung để phát triển.
Phôi thai hình thành như thế nào?
Sau khi trứng bám vào tử cung, các tế bào bắt đầu phân chia và trở thành nhau thai trong khi một số khác tạo thành phôi thai. Phôi thai có tim và có nhịp đập đầu tiên ở tuần thứ 5. Não, tủy sống, tim và các cơ quan khác đang bắt đầu hình thành.
Quá trình phát triển của thai nhi 4 tuần tuổi
Trong tuần thứ 4, các tế bào bên trong phôi nang đang dần hình thành với 2 lớp riêng biệt, bao gồm: epiblast sẽ trở thành phôi và khoang ối, hypoblast sẽ trở thành túi noãn hoàng để nuôi dưỡng thai nhi. Tại thời điểm này, phôi thai sẽ có chiều dài vào khoảng 1 mm, kích thước chỉ bằng một hạt mầm nho nhỏ.
Thai nhi 4 tuần tuổi chỉ như một hạt mầm nho nhỏ.
Tại thời điểm này, phôi thai đang trong quá trình phát triển các cấu trúc cơ bản cho mặt, cổ. Tim và các mạch máu cũng đang dần phát triển, trong khi phổi, dạ dày và gan mới chỉ bước đầu hình thành.
Trong tuần này, bà bầu sẽ có các dấu hiệu của ốm nghén như buồn nôn, nôn khan, mệt mỏi, ngực căng tức, chậm kinh.
Quá trình phát triển của thai nhi 8 tuần tuổi
Tới tuần thứ 8, thai nhi đã lớn bằng một quả đậu thận (đậu tây), có chiều dài khoảng 1,6 cm, nặng 1g và thường xuyên di chuyển. Bên cạnh đó, bộ não vẫn là cơ quan có tốc độ phát triển nhanh nhất trong cơ thể, trung bình não bộ sẽ tăng khoảng 1/3 kích thước ban đầu trong khoảng từ 3-4 ngày.
Các bộ phận trên khuôn mặt tiếp tục dần được hình thành, trong đó nổi bật nhất chính là đôi mắt, môi trên và mũi, tiếp đó là phần bên ngoài của tai bé cũng như hàm dưới cũng bắt đầu quá trình hình thành.
Trong tuần này, mẹ bầu cần tiếp tục bổ sung các dưỡng chất cần thiết như axit folic, sắt…Ngoài ra, mẹ chỉ cần nạp 100 calo mỗi ngày mà thôi.
Quá trình phát triển của thai nhi 12 tuần tuổi
Bước vào mốc 12 tuần tuổi, bé có kích thước bằng một quả chanh, nặng 14g và dài khoảng 5,4cm. Hơn nữa, lúc này xương của bé cũng trở nên cứng cáp hơn, các tế bào thần kinh, khớp thần kinh phát triển nhanh chóng trong não thai nhi.
Thai nhi 12 tuần tuổi có kích thước bằng một quả chanh.
Ngoài ra, trong tuần thứ 12, nhịp tim thai đập nhanh, đạt khoảng 160 nhịp/phút. Các ngón tay, chân đã tách rời, vân tay cũng lờ mờ xuất hiện.
Làn da của bé lúc này còn khá mỏng nhưng ruột đã phát triển hoàn chỉnh và hút thức ăn thông qua dây rốn vào khoang ruột của bé. Thận cũng bắt đầu bài tiết nước tiểu.
Điểm đáng chú ý nhất trong quá trình phát triển của thai nhi 12 tuần tuổi là bé đã hình thành phản xạ. Các ngón tay có thể thoải mái co nắm, ngón chân cong. Mắt vẫn nhắm chặt nhưng miệng có phản xạ mút.
Khi mang thai tuần thứ 12, bà bầu chưa cần bổ sung quá nhiều chất dinh dưỡng. Tuy nhiên, trong thời điểm này, bà bầu nhất thiết phải bổ sung đầy đủ vitamin B6, axit folic, sắt và vitamin B12.
Quá trình phát triển của thai nhi 16 tuần tuổi
Vào thời điểm này, thai nhi đã to bằng một quả bơ và nặng khoảng 100g, dài khoảng 11,6cm. Thai nhi tuần 16 đặc biệt nhạy cảm với ánh sáng và bé bắt đầu biết nấc cụt. Đây là dấu hiệu cho thấy khả năng hít thở của bé đang phát triển để tiến tới hoàn thiện dần.
Mẹ có thể phát hiện cơn nấc cụt của thai nhi bằng cách để ý chuyển động trong bụng. Bé bị nấc cụt, các lần chuyển động sẽ đều như tiếng kim đồng hồ và kéo dài khoảng 1-2 phút.
Ngoài ra, thai nhi 16 tuần đã có thể chớp mắt và tim, các mạch máu đã hoàn toàn định hình. Các ngón tay và ngón chân của bé cũng có vân.
Để tốt cho quá trình phát triển của thai nhi, bà bầu cần cung cấp đủ 340 calo mỗi ngày, chế độ dinh dưỡng không thể thiếu protein, canxi, sắt và chất béo.
Quá trình phát triển của thai nhi 20 tuần tuổi
Tuần này em bé đã lớn bằng một quả chuối và nặng 300g, dài khoảng 25,6 cm (Từ tuần thứ 20 chiều dài của thai nhi được tính từ đầu đến gót chân).
Thai nhi 20 tuần tuổi lớn bằng một quả chuối.
Lúc này, thai nhi đã biết nuốt dịch ối và thận sản sinh ra nước tiểu. Cơ thể thai nhi bắt đầu sản xuất ra phân màu xanh hoặc màu đen. Các cơ quan trên cơ thể tiếp tục phát triển và hoàn thiện dần các chức năng của mình. Hơn nữa, thai nhi tuần thứ 20 đã biết đạp, những cú đạp mạnh và rõ ràng hơn nhiều so với giai đoạn trước khiến bụng bà bầu đôi khi bị đau và khó ngủ.
Khi mang thai tới tuần 20, bụng bầu lớn hơn dần, mẹ sẽ cảm thấy mệt mỏi và có thể bị đau lung, đau hông. Trong giai đoạn này, bà bầu cần tiếp tục bổ sung các chất dinh dưỡng như ở tuần thứ 16.
Quá trình phát triển của thai nhi 24 tuần tuổi
Bé đã lớn gần bằng một bắp ngô, nặng khoảng 600g và dài 30cm. Lúc này, bé có thể phản hồi với các thanh âm bằng cử động hoặc tăng nhịp tim. Cơ thể thai nhi phát triển đầy đủ các chức năng. Khuôn mặt gần giống với lúc chào đời với đầy đủ lông mi, lông mày, tóc.
Dinh dưỡng cho bà bầu trong tuần này cần bổ sung thêm sắt vì dễ phát sinh thiếu máu, tháng này, lượng máu và sắt cần cho thai nhi sẽ tăng gấp đôi. Các thực phẩm chứa nhiều sắt bao gồm các loại thịt đỏ, rau sẫm màu…nếu cần thiết, bà bầu có thể uống thêm viên sắt theo sự chỉ định của bác sĩ.
Quá trình phát triển của thai nhi 28 tuần tuổi
Em bé đã lớn gần bằng một quả cà tím lớn, nặng hơn 1kg và dài khoảng 37,6cm. Cơ thể bé đang dần được hoàn thiện. Cùng với sự phát triển của con yêu, cơ thể của mẹ bắt đầu trở nên “khổng lồ” nhanh chóng. Lúc này bạn đã tăng thêm khoảng 8-9 kg từ đầu thai kỳ.
Thai nhi 28 tuần tuổi to như một quả cà tím lớn.
Do ở tuần thứ 28, số lượng các mô não của bé tăng nhanh nên mẹ cần bổ sung nhiều thực phẩm tăng cường chất xám giúp bé yêu thông minh ngay từ trong bụng mẹ.
Quá trình phát triển của thai nhi 32 tuần tuổi
Em bé đang chiếm nhiều không gian hơn trong tử cung mẹ, nặng khoảng 1,7 kg và dài như một cây cải xoăn (dài khoảng 42,4cm). Thai nhi đang trở nên lớn hơn cùng với sự phát triển của lớp mỡ phủ khắp cơ thể tới các chi và đường kính của đầu bé sẽ vào khoảng 10cm. Từ thời điểm này cho đến khi sinh, thai nhi sẽ đạt thêm nửa trọng lượng tương tự lúc chào đời.
Trong tuần thứ 32, chế độ dinh dưỡng của bà bầu không thể thiếu các chất dinh dưỡng gồm chất đạm (protein), chất béo, chất xơ, các loại vitamin, khoáng chất.
Quá trình phát triển của thai nhi 36 tuần tuổi
Thai nhi 36 tuần tuổi đã nặng hơn 2,6kg, tiếp tục tăng khoảng 30g mỗi ngày, tương đương với kích cỡ của một cây rau diếp lớn và chiều dài toàn thân đạt 47,4cm. Não bé phát triển rất nhanh. Phổi phát triển gần như đầy đủ. Lúc này đầu của thai nhi thường nằm ở vị trí xương chậu.
Thời điểm này, bà bầu nhất thiết phải bổ sung đầy đủ lượng canxi cung cấp cho cơ thể. Ngoài ra, cần có chế độ ăn nhiều chất xơ, bổ sung nhiều thực phẩm giàu chất sắt để giảm thiểu các chứng bệnh tiểu đường thai kỳ, táo bón và thiếu máu.
Quá trình phát triển của thai nhi 40 tuần tuổi
Thai nhi 40 tuần tuổi to bằng một quả bí ngô.
Em bé đã có kích thước bằng một quả bí ngô, nặng 3,5 kg, dài 51,2cm và khoảng 15% cơ thể là chất béo. Để chuẩn bị cho lần sinh nở, em bé nên ở vị trí đầu hướng xuống dưới, chân và tay đặt sát trước người. Sọ của em bé hiện giờ đã đủ cứng cáp để chịu sự tác động bởi các lực xung quanh trong quá trình lâm bồn.
Để tốt cho quá trình phát triển của thai nhi cũng như chuẩn bị cho ngày vượt cạn, bà bầu cần có một cuộc hẹn khám tiền sản.