Quá trình sinh con của chị Tố Nguyên giống như một cuộc chiến mà đôi lúc trong đó, gia đình chị bắt buộc chọn mẹ hoặc chọn con là người ở lại.
Xuất hiện trong chương trình "Chat với mẹ bỉm sữa" số mới nhất, câu chuyện của chị Tố Nguyên (38 tuổi) khiến người xem đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.
Kết hôn được 7 năm, đến nay, chị đã có 2 đứa con, một trai, một gái và gia đình hạnh phúc với người chồng toàn tâm toàn ý vì gia đình. Tuy nhiên, cứ mỗi lần nhắc lại chuyện sinh nở, chị Nguyên lại thêm một lần xúc động.
Mang thai đứa thứ nhất, chị Nguyên bắt đầu gặp khó khăn vì khi ấy đã ngoài 30 tuổi. Thai đến tuần thứ 9 thì chị gặp sự cố đập bụng vào thành bồn tắm dẫn đến nứt xương chậu của mẹ. Lúc đó, chị không được bó bột, đau đớn nằm một chỗ, suốt 5 tháng phải treo chân lên giữ thai. Mọi sinh hoạt đều ở trên giường.
"Tâm lý mình là hồi hộp đếm từng ngày từng giờ, vừa mong sinh bé để đỡ đau đớn cho mẹ nhưng vừa muốn giữ bé lại để đủ ngày đủ tháng, cho bé khỏe", người phụ nữ chia sẻ. Sau khi đi khám, gia đình chị Nguyên còn nhận tin dữ khi bác sĩ nói em bé yếu, gần như không thấy tim thai.
Chị Tố Nguyên trong chương trình "chat cùng mẹ bỉm sữa '.
Sự cố tiếp tục xảy đến khi chị đến ngày sinh nở. Y tá trực hôm đó nhầm ca mổ thận của một người đàn ông lớn tuổi với ca mổ lấy thai của chị. Bị đẩy vào phòng dành cho người mổ thận, may sao chị được ý tá hỏi xác nhận lần cuối và được đưa về đúng phòng mổ của bà bầu. Cuối cùng em bé cũng ra đời trong sự vui mừng của mẹ.
"Khi lấy bé ra, nghe tiếng con khóc, mình thấy thoải mái. Mình yên tâm và muốn nhìn mặt bé... (Nhưng) bé bị nhiễm trùng ối, vừa mổ ra đã phải đưa xuống phòng dưỡng nhi. Sau 5 ngày, mình được ra gặp con. Cảm giác sung sướng, mà vừa gặp đã thấy thương vì tay con bé xíu mà cái kim thì dài, ghim chặt vào tay. Chị nhớ là chị có khóc khi gặp nó".
Đến khi mang thai bé thứ hai, chị Nguyên vẫn còn tâm lý sợ hãi sau lần sinh đầu. Những đau đớn khi mang thai bé thứ nhất không thấm tháp gì so với hành trình mang bầu và sinh đứa thứ hai.
"Lúc sinh bé thứ hai còn ly kì hơn bé thứ nhất. Chị cái gì cũng khá ổn nhưng chuyện bầu bì, sanh nở thì là cái gì đó như chiến đấu. Bé thứ hai thì chị phải 'đổi mạng' với nó".
Sau khi sinh đứa đầu, cột sống chị Nguyên bị ảnh hưởng khá nhiều. Nhưng vì muốn con đầu có em nên bà mẹ quyết định hy sinh. Sau 5 năm chờ đợi, hai vợ chồng chị có tin vui. Tuy nhiên đó là tin vui... ngập tràn lo lắng. Bác sĩ cảnh báo việc mang thai tiếp có thể ảnh hưởng đến tính mạng của người mẹ.
Bà mẹ thừa nhận lần sinh thứ hai như hành trình "đổi mạng" với con.
"Do lúc đầu chị sinh mổ, vết mổ ở tử cung có vết sẹo, thai bám vào vết sẹo mổ chứ không bám vào tử cung nên xác xuất sảy thai cao. Chị hồi hộp, lo lắng theo từng ngày thai lớn", chị Nguyên nhớ lại.
Thai đến tuần 12, hai vợ chồng nhận tin xác suất con bị Down là 95%. Lúc đó, cả hai không tránh khỏi việc bị sốc. Hai vợ chồng chị bắt đầu suy nghĩ xem có nên giữ thai hay không. Bác sĩ có tư vấn chọc ối để kiểm tra nhưng vì sợ sảy thai, chị Nguyên đã không chọn cách đó.
Thai đến khoảng tuần 17, bác sĩ xét nghiệm, cho ra dự đoán rằng bé bị mù. "Bác sĩ khuyên mổ để lấy thai ra để giải thoát cho bé. Hai vợ chồng nói không, kiểu nào cũng giữ, nó như nào mình cũng nuôi. Không thể nào mình lựa chọn một đứa con xinh đẹp, khỏe khoắn mình mới giữ", chị Nguyên kể lại.
Đã có những lúc, chị Tố Nguyên phải đối mặt với tử thần vì quyết định sinh con.
Chưa dừng lại ở đó, khi thai lớn hơn, bác sĩ siêu âm 3D thấy bàn tay bé có 4 ngón. Liên tục những tin dữ làm đầu óc chị Nguyên bấn loạn. Chị cùng lúc phải đối mặt với những dự báo về dị tật của con vừa lo sợ cho tính mạng của bản thân. Thai càng lớn, tử cùng càng bị rạn và mẹ có thể chết bất cứ lúc nào. Bà mẹ tâm sự lúc đó tâm lý không ổn định.
Tới tháng thứ 6, bác sĩ yêu cầu mổ lấy thai để cứu mẹ nhưng gia đình chị vẫn chần chừ. Đến tuần thứ 35 thì không thể trì hoãn thêm nữa. Chồng chị buộc phải ký xác nhận cứu mẹ. Nhưng riêng chị Nguyên, khi bị đẩy vào phòng mổ vẫn cố gắng nói với bác sĩ hãy cứu con.
Ngày đứa bé chào đời cuối cùng cũng đến.
"Chị nhớ hoài khoảnh khắc lấy đứa bé ra. Chị rất vui, câu đầu tiên chị hỏi là: 'Bác ơi, bé có bị Down không?'", người mẹ xúc động. Sau khi hỏi và biết được con không bị mù, đầy đủ chân tay, chị Nguyên... chết lâm sàng trong 15 phút.
Giây phút chị Nguyên ôm đứa con thứ hai trước khi chết lâm sàng.
"Nhưng mà bác sĩ cứu lại được. Bác sĩ lúc đó nói em rất nghị lực, mặc dù lúc đó đường tim trụy bằng 0 nhưng bác cảm nhận còn sức sống đâu đây nên bác mới cứu được. Chị nghe lơ mơ bác sĩ nói không được ngủ, ngủ là đi luôn đó nên chị cũng cố gắng mình mở mắt", chị Nguyên nhớ lại giây phút suýt phải bỏ mạng.
Đến bác sĩ cũng phải thừa nhận người phụ nữ này có nghị lực đáng nể. "Bác nói em có nghị lực phi thường , bác mới thấy lần đầu tiên có một người như vậy", mẹ bỉm sữa tâm sự.
Mang thai, sinh con đã cực khổ nhưng hành trình chăm con với chị Nguyên cũng vất vả không kém. Thời điểm đó, ba mẹ đẻ ở nước ngoài, ba mẹ chồng rất bận, cộng thêm việc chồng phải đi làm khiến chị gần như phải chăm con một mình. 5 ngày sau khi sinh bé đầu tiên, chị ở nhà ôm con đến tận bây giờ (khoảng 7 năm).
Tuy vậy, chị vẫn điều hành công việc kinh doanh ở nhà chứ không chỉ đơn thuần là một bà mẹ bỉm sữa. Cũng vì thế mà chị Nguyên bị stress và trí nhớ giảm sút. Chị kể đã đi khám bác sĩ và được cho thuốc nhưng không nhớ... thuốc ở đâu và uống vào lúc nào.
Bao nhiêu khó khăn bủa vây người phụ nữ đã gần 40 tuổi. Chị cũng phải cân đối sao cho vừa ăn uống đủ chất cho con có sữa vừa phải cân nhắc dinh dưỡng phù hợp để giữ cơ thể đẹp. Tranh thủ sau khi con ngủ và công việc xong xuôi, chị Nguyên bắt đầu dưỡng da, dưỡng tóc, dành thời gian cho bản thân.