Có 2-3 lần đi nhậu với đối tác về đêm muộn, tôi yêu cầu vợ nấu cho chồng 1 bát miến gà nóng hổi mà cô ấy cũng thái độ.
Khi mới lấy nhau và vợ có bầu, vợ chồng tôi vẫn luôn hạnh phúc. Vợ khi ấy lúc nào cũng dịu dàng, ngoan hiền khiến tôi thương và yêu chiều em rất nhiều. Nhưng kể từ sau khi sinh con, tính cách của vợ thay đổi hoàn toàn.
Khi từ bệnh viện sản trở về nhà ở cữ, vợ lúc nào cũng stress, dễ nổi nóng với chồng. Ở cữ mà khi nào cô ấy cũng cằn nhằn đến ù tai. Sợ vợ vất vả, tôi nhờ bà nội bà ngoại đến chăm ở cữ thì cô ấy gạt đi:
“2 bà ở quê còn bận nhiều việc lắm, để các bà về làm, em tự chăm con được”.
Kể từ sau khi sinh con, tính cách của vợ thay đổi hoàn toàn. (Ảnh minh họa)
Như vậy mà nhiều khi cả ngày vợ lại chẳng nói chẳng rằng. Có lúc thì ôm mặt khóc rưng rức vì bảo chăm con vất vả quá. Thấy vợ thất thường, tính cách thay đổi như thời tiết nên tôi rất khó chịu.
Cá nhân tôi còn nghĩ bản thân mình đi làm ở bên ngoài áp lực như vậy mà về nhà còn phải đối mặt với người vợ sau sinh như thế quá là mệt mỏi. Hàng ngày vợ ở nhà chỉ việc chăm con và bản thân rồi nghỉ ngơi để mau hồi phục sức khỏe, chẳng phải lo nghĩ chuyện kiếm tiền hay áp lực công việc bên ngoài. Vậy mà cô ấy chẳng bao giờ hiểu, còn làm mặt lạnh với chồng.
Có 2-3 lần đi nhậu với đối tác về đêm muộn, tôi yêu cầu vợ nấu cho chồng 1 bát miến gà nóng hổi ăn. Dù gà đã có trong tủ lạnh, miến cũng có hết trong tủ bếp mà cô ấy nhất định không chịu vào bếp nấu.
Cô ấy bảo đang bận con nhỏ và buồn ngủ díu mắt, tôi tự nấu mà ăn. Vợ chồng cũng vì việc này mà cãi cọ nhau vài lần. Tôi nói vợ thay đổi còn vợ thì bảo tôi tệ bạc, hạch sách vợ đẻ. Nói chung vợ dễ nổi cáu và chẳng dành hết tình yêu thương cho chồng như trước. Sau vài lần như thế, cô ấy bế con sang phòng khác ngủ riêng.
Hơn tháng ở cữ thấy thái độ của vợ lạnh nhạt và thay đổi xoành xoạch, tôi quyết định lắp camera để theo dõi nhất cử nhất động của vợ. Vì tôi nghi ngờ, chắc phải có gì đó tác động nên cô ấy mới thay đổi chóng vánh như thế.
Mới đây tranh thủ lúc gần cuối chiều công việc đã vãn nên tôi ở công ty mở camera xem. 4h chiều mà hình như vợ vẫn chưa ăn trưa thì phải, mâm cơm cữ nấu xong cô ấy vẫn để trên bàn. Không hiểu sao con tôi hôm nay đi tiêm phòng về quấy khóc quá khiến cô ấy cứ phải bế ẵm suốt. Khi con ngủ được vợ lại tranh thủ làm hết việc nhà, cơm nước, giặt giũ.
Đáng sợ hơn là sau khi vợ tôi làm hết mọi việc, cô ấy quay lại phòng nghỉ ngơi. Nhưng cô ấy cứ nhìn con ngủ rồi tự ôm mặt khóc rưng rức.
Ban đầu tôi không thể hiểu nổi hành động quái gở này của em. Nhưng sau đó lên mạng tham khảo nhiều tài liệu, tôi thấy vợ có những dấu hiệu bị trầm cảm sau sinh. Đến lúc này tôi mới giật mình và run người vì ngẫm lại thấy mình đúng là gã chồng tệ bạc.
Mai tôi sẽ đưa vợ đi thăm khám bác sĩ và dành nhiều thời gian để chia sẻ, chuyện trò cùng vợ nhiều hơn cũng như xem có cách nào để phòng tránh trầm cảm sau sinh cho vợ không. (Ảnh minh họa)
Vợ chồng lấy nhau hơn 2 năm trời mà giờ tôi mới thấu hiểu được sau sinh vợ phải đối mặt với những khó khăn và cô đơn như thế nào. Mai tôi sẽ đưa vợ đi thăm khám bác sĩ và dành nhiều thời gian để chia sẻ, chuyện trò cùng vợ nhiều hơn cũng như xem có cách nào để phòng tránh trầm cảm sau sinh cho vợ không.
Làm thế nào để phòng tránh trầm cảm sau sinh?
Trầm cảm sau sinh là điều không ai mong muốn, nhưng đôi khi nó xuất hiện bất ngờ làm xáo trộn và gây khó khăn cho cuộc sống của người mẹ và gia đình. Trầm cảm sau sinh không chỉ gây ảnh hưởng đến người mẹ mà còn tác động tiêu cực đến sức khỏe và hạnh phúc của trẻ. Vì vậy, nếu bạn đang mang thai và sinh con thì nên duy trì một vài biện pháp dưới đây để có thể làm giảm nguy cơ bị trầm cảm sau sinh:
- Chế độ ăn uống: Bạn cần tuân theo một chế độ ăn uống lành mạnh và đầy đủ chất dinh dưỡng vì đây là giai đoạn đang cho con bú. Một chế độ ăn cân bằng sẽ giúp bạn hồi phục nhanh chóng và có một cơ thể khỏe mạnh. Một số loại thực phẩm giúp cải thiện tâm trạng tốt như: hạnh nhân, cá, quả bơ, chuối, táo, dừa, cải bó xôi, đậu nành, lúa mì, bánh mì, socola đen…
- Tập thể dục: Vận động có tác dụng rất tốt để nâng cao tinh thần và cải thiện cảm xúc. Bạn hãy dành thời gian mỗi ngày để đi bộ, tập yoga, thiền hoặc tập một vài bài tập phù hợp.
- Nghỉ ngơi đầy đủ: Suy nhược và ngủ không đủ giấc có thể khiến bạn bị căng thẳng và khó kiểm soát cảm xúc của mình. Vì vậy ngủ đủ giấc rất quan trọng để tâm trạng của bạn luôn tốt. Nhiều người mẹ thường tranh thủ lúc con ngủ để làm việc nhà hoặc hoàn thành công việc. Điều này không hề tốt vì bạn sẽ không thể ngủ được khi con bạn đang thức. Các bà mẹ được khuyên là hãy sinh hoạt theo giờ giấc của con mình. Hãy cố gắng ngủ khi con bạn đang ngủ.
- Thư giãn: Bạn hãy dành thời gian cho chính mình để làm những gì bạn yêu thích. Xua tan mọi suy nghĩ và thả lỏng cơ thể sẽ giúp bạn giảm căng thẳng và mệt mỏi. Bên cạnh đó, bạn nên chơi đùa với con để tăng sự gắn bó.
- Sự hỗ trợ từ người thân: Sự chăm sóc sức khỏe và hỗ trợ tinh thần từ gia đình là rất quan trọng để bạn không bị trầm cảm. Đặc biệt là sự động viên của người chồng quan trọng hơn cả để giúp người phụ nữ có cảm giác yên tâm và tự tin hơn trong vai trò mới của mình. Quan trọng là bạn hãy cố gắng cởi mở và trò chuyện nhiều hơn với chồng, gia đình hoặc ai đó biết lắng nghe về những cảm xúc mà mình đang có.
- Chăm sóc bản thân: Sau khi sinh con, có nhiều phụ nữ bỏ bê không chăm sóc vẻ ngoài của mình. Điều này qua thời gian có thể khiến họ cảm thấy chán nản. Vì vậy, ngoài việc chăm sóc sức khỏe thì việc làm đẹp cho bản thân cũng rất cần thiết để tăng sự tự tin và lạc quan.
- Suy nghĩ tích cực: Suy nghĩ tích cực là liều thuốc quan trọng cho những vấn đề mà bạn gặp phải. Có cái nhìn tích cực về bản thân, về cuộc sống tương lai, về vai trò làm mẹ và về đứa con của mình sẽ giúp bạn hạn chế nguy cơ trầm cảm sau sinh.
- Có sự chuẩn bị đầy đủ: Hãy trang bị cho mình những kiến thức cần thiết về mang thai và sinh con. Điều này sẽ giúp bạn bớt lo lắng, sợ hãi và có khả năng giải quyết một số vấn đề gặp phải trong quá trình mang thai và chăm sóc con. Ngoài ra, tham gia một vài khóa học cho phụ nữ mang thai hoặc khóa học chăm con cũng mang lại lợi ích cho bạn.
Nếu đã bị trầm cảm trước đó hoặc trầm cảm trong quá trình mang thai thì nên hỏi ý kiến của bác sĩ về việc phòng ngừa và sử dụng các biện pháp điều trị. Bác sĩ có thể sử dụng liệu pháp trò chuyện hoặc kê đơn thuốc phù hợp trong từng giai đoạn để chắc chắn sẽ không gặp biến chứng trầm cảm sau khi sinh con.