Theo tiến sĩ Berg, tỷ lệ sảy cao hơn con số 15% rất nhiều, thậm chí người mẹ còn có thể không biết mình bị sảy thai.
Sảy thai xảy ra khá phổ biến, có thể chiếm tới 30%. (ảnh minh họa)
Những kiến thức hữu ích này sẽ giúp mẹ giảm nguy cơ sảy thai và có hiểu biết hơn về nguy cơ ai cũng sợ này.
#1. Sảy thai xảy ra phổ biến hơn bạn nghĩ
Những con số về tỷ lệ sảy thai thường được báo cáo là khoảng 15% tuy nhiên trên thực tế con số này cao hơn nhiều. Có rất nhiều ca sảy thai sớm mà chính người mẹ cũng không hề biết. Theo bác sĩ Teresa Berg – giám đốc Trung tâm Y khoa Đại học Y khoa Nebraska, Mỹ cho biết: “Tỷ lệ sảy thai có thể lên tới 30%. Vì sảy thai rất phổ biến nên bà mẹ cần có kiến thức về nguy cơ này bởi nó hoàn toàn có thể xảy ra với bạn.”
#2. Sảy thai thường xảy ra ở giai đoạn sớm của thai kỳ
Theo bác sĩ Berg, sảy thai được định nghĩa là xảy ra trước tuần thứ 20 của thai kỳ nhưng phổ biến hơn cả là trước tuần 12. Đây chính là lý do vì sao các bố mẹ thường chờ sau 3 tháng mới thông báo tin vui có bầu. Thai kỳ kết thúc sau 20 tuần và trước 37 tuần được gọi là sinh non hoặc thai chết lưu.
#3. Mẹ có thể không biết mình bị sảy thai
“Phụ nữ có thể bị sảy thai trong vòng 10 ngày đầu của thai kỳ và thậm chí bạn còn chưa nhận ra mình có bầu và sảy thai. Các bà mẹ thường nghĩ rằng đó là thời kỳ “đèn đỏ” của mình vì máu chảy ra khá nhiều nhưng đi kèm với đó là chứng đau bụng quặn thắt. Nếu bị chảy máu nặng, đau thắt và bạn biết rằng mình đã có thai thì cần đến bệnh viện ngay để phòng ngừa 2 nguy cơ xấu nhất có thể xảy ra là xuất huyết và nhiễm trùng.
#4. Sảy thai – không phải lỗi của mẹ bầu
Theo bác sĩ Berg, hầu hết các trường hợp sảy thai xảy ra là do bất thường di truyền trong phôi thai và điều đáng nói là không có cách nào để dự đoán trước hay ngăn ngừa nguy cơ này.
#5. Hút thuốc lá tăng nguy cơ sảy thai
Phụ nữ hút thuốc lá có nguy cơ sảy thai cao hơn những phụ nữ không sử dụng chúng. Ngoài ra, hút thuốc lá còn dễ khiến mẹ sinh con, sinh con dị tật.
Hút thuốc lá, uống rượu bia đều có thể làm tăng nguy cơ sảy thai. (ảnh minh họa)
#6. Điều trị vô sinh có thể làm tăng nguy cơ sảy thai
Theo các nghiên cứu, có một sự gia tăng nhẹ tỷ lệ sảy thai ở những bà mẹ đã điều trị hiếm muộn, vô sinh đặc biệt là những người lớn tuổi. Theo bác sĩ Berg, phụ nữ trên 40 tuổi nếu điều trị vô sinh thì nên sử dụng trứng hiến tặng sẽ giảm nguy cơ sảy thai hơn.
#7. Béo hay gầy đều có thể tăng nguy cơ sảy thai
Mẹ quá gầy hoặc quá béo đều có thể làm tăng nguy cơ sảy thai. Bệnh tiểu đường – một biến chứng của bệnh béo phì – cũng có thể gây sảy thai nên cần phải theo dõi sát sao.
#8. Phụ nữ lớn tuổi nhiều nguy cơ sảy thai hơn
Sảy thai xảy ra phổ biến hơn ở phụ nữ lớn tuổi. Nguyên nhân được cho là do tuổi của trứng và dễ làm tăng nguy cơ bất thường ở nhiễm sắc thể.
#9. Quan hệ tình dục không gây sảy thai
Theo tiến sĩ Berg, lầm tưởng của nhiều mẹ bầu là quan hệ tình dục, tập thể thao hay làm việc có thể làm tăng nguy cơ sảy thai nhưng thực tế điều này không có cơ sở khoa học. Vì vậy nếu mẹ có thai kỳ khỏe mạnh bình thường thì vẫn có thể làm đều đặn những việc kể trên. Ngoài ra, khi quan hệ tình dục, mẹ nên chọn tư thế thoải mái, dễ chịu, tránh những tư thế nguy hiểm có thể gây áp lực, ảnh hưởng xấu đến em bé.
=> ĐỪNG BỎ LỠ: Bức ảnh siêu âm bụng sau sảy thai khiến bà mẹ "sững người"
#10. Từng bị sảy thai không có nghĩa là bạn lại sảy thai tiếp
Rất nhiều phụ nữ đã từng bị sảy thai 1 lần nhưng những lần sau hoàn toàn bình thường. Các bác sĩ cũng thường sẽ chỉ tìm được lý do sau 2-3 lần sảy thai. Vì vậy nếu mẹ sảy thai 1 lần thì không nên quá lo lắng về những lần mang thai sau.