Tăng huyết áp khi mang thai 6 tháng có nguy hiểm không?
Hỏi:
Tôi mang thai lần đầu, đi khám thai thấy sức khỏe bình thường. Khi thai được 6 tháng khám lần hai, bác sĩ cho biết có biểu hiện tăng huyết áp.Vậy xin hỏi tăng huyết áp thai nghén được hiểu như thế nào? Biến chứng và cách đề phòng? Tôi xin cám ơn.
Nguyễn Thị Khanh (Sơn La)
Trả lời:
Đối với người phụ nữ mang thai được coi là tăng huyết áp thai nghén khi trị số huyết áp đo được ở mức 140/90mmHg trở lên hoặc huyết áp tâm thu tăng trên 30mmHg, huyết áp tâm trương tăng trên 15mmHg so với mức huyết áp đo được ở thời điểm trước khi mang thai.
Có khoảng 15% phụ nữ mang thai bị tăng huyết áp và là dấu hiệu của một thai kỳ nguy cơ cao cho mẹ và thai nhi. Tăng huyết áp thai nghén thường xuất hiện vào thời gian nửa sau thai kỳ và khỏi hoàn toàn khi hết thời kỳ hậu sản. Biến chứng nguy hiểm nhất của tăng huyết áp thai nghén là tiền sản giật và sản giật.
Tiền sản giật thường gặp ở những phụ nữ mang thai con so nhỏ tuổi hoặc con so lớn tuổi, xuất hiện từ tuần thứ 20 của thai kỳ. Tuy nhiên, cũng có thể xuất hiện sớm hơn, trong những trường hợp đa thai và thai trứng. Tăng huyết áp cùng với các yếu tố di truyền, dinh dưỡng kém hoặc béo phì, nghiện thuốc lá, bệnh tim mạch, bệnh thận hay bệnh đái tháo đường có thể góp phần trong sự xuất hiện của tiền sản giật.
Trước đây, người ta chẩn đoán tiền sản giật dựa vào 3 yếu tố: chứng tăng huyết áp, phù và protein niệu nhưng quan niệm hiện đại thì cho rằng, chỉ cần có tăng huyết áp thai nghén kèm protein niệu nhiều là đủ để chẩn đoán tiền sản giật. Tiền sản giật gây nguy cơ thai nhi chậm phát triển trong buồng tử cung, đẻ non và tổn thương nhiều cơ quan khác. Đặc biệt nghiêm trọng là để lại hậu quả lâu dài trên hệ tim mạch của trẻ. Những người bị tăng huyết áp ở lần mang thai đầu, có nguy cơ tăng huyết áp ở lần mang thai sau, nguy cơ cao mắc bệnh tăng huyết áp và đột quỵ sau này.
Tiền sản giật có thể dự phòng hoặc giảm bớt biến chứng nhờ theo dõi thai nghén tốt, chú ý các yếu tố thuận lợi đưa đến tiền sản giật qua bệnh sử gia đình, bệnh sử nội khoa và bệnh sử thai kỳ lần này. Cần tuân thủ việc điều trị đường nghiêm ngặt hoặc các bệnh nội khoa khác đang có sẵn.
Sản phụ có thể nghỉ ngơi tại nhà nếu bệnh nhẹ, tự đếm cử động thai, tự theo dõi phát hiện các dấu hiệu bất thường như phù tăng, lên cân nhanh, nhức đầu nặng, mắt nhìn mờ, đau vùng gan, buồn nôn, nôn nhiều. Cần nhập viện ngay khi có một trong các dấu hiệu trên bởi thực tế tiền sản giật biến thành sản giật rất khó đoán trước được. Nếu xảy ra sản giật, sản phụ có thể rơi vào hôn mê, phù não, xuất huyết não, phù phổi cấp, suy tim, bong nhau non gây tử vong cho mẹ và con.