Khi thai kỳ đi được một nửa chặng đường cũng đồng nghĩa với vấn đề có thể mẹ sẽ bắt đầu bị rạn da.
9 tháng 10 ngày mang thai là hành trình tuyệt diệu nhất đối với mỗi người phụ nữ. Trong hành trình này, mẹ sẽ được trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, ban đầu là cảm giác hồi hộp chờ đợi que thử thai lên hai vạch, rồi cảm giác vỡ òa khi biết mình mang thai, lần đầu tiên cảm nhận được những chuyển động rất nhẹ của con cũng đủ làm mẹ xúc động đến nghẹn ngào... Tuy nhiên, bên cạnh niềm hạnh phúc đó, mẹ cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều mệt mỏi, đau đớn từ những cơn ốm nghén vật vã, đau lưng, đau hông... rồi cơn đau chuyển dạ vật vã trong nước mắt... Thành quả cuối hành trình là mẹ được ôm thiền thần bé bỏng trên tay, còn gì tuyệt vời hơn phải không bạn? Hãy cùng theo dõi hành trình lớn lên từng tuần của thai nhi trong bụng mẹ xem bé của bạn đã lớn từng nào, đã biết làm gì, cơ thể mẹ bầu thay đổi thế nào... trong sự kiện "Sự phát triển của thai nhi" các mẹ nhé! |
Thai nhi
Thai nhi ở tuần thứ 21 có chiều dài tử đỉnh đầu tới mông khoảng 18cm và cân nặng vẫn tăng lên đều đặn khoảng 360g.
Bắt đầu từ tuần này, xung quanh cơ thể bé sẽ được bao bọc bởi một chất dịch màu trắng, giúp bảo vệ da của bé trong môi trường nước ối. Chất này sẽ tồn tại cùng với bé cho đến lúc sinh ra.
Giai đoạn này, thai nhi cần nhiều chất sắt để tạo hồng cầu và các loại tế bào khác. Mí mắt của bé đã được hình thành, bạn hầu như có thể cảm nhận được rõ ràng mỗi cử động của em bé. Nếu thai nhi là bé gái thì lúc này âm đạo đã được hình thành và tiếp tục phát triển cho tới khi chào đời.
Bên cạnh hệ tiêu hóa tiếp tục được hoàn thiện, thai nhi phần lớn hấp thụ calo từ dịch ối. Phản xạ nuốt nước ối của em bé ngày càng nhiều hơn để hệ tiêu hóa được hoàn chỉnh. Không những thế, cơ thể thai nhi sẽ hấp thu lượng nước trong nước ối và chuyển vào ruột.
Thai nhi ở tuần 21 tuy không còn sinh trưởng với tốc độ chóng mặt như các giai đoạn trước nhưng vẫn đang trong ngưỡng phát triển nhanh.Việc hoàn thiện các cơ quan khác nhau trong cơ thể là nhiệm vụ quan trọng của bào thai ở giai đoạn này.
Điểm nổi bật nhất ở tuần này của thai nhi chính là khả năng nuốt. Bé có thể nuốt chất dinh dưỡng ngay từ khi còn ở trong bụng mẹ, bạn có thể quan sát kỹ hơn điều này qua các lần siêu âm.
Thai nhi 21 tuần tuổi
Cơ thể mẹ bầu
Một điều mẹ cần đặc biệt chú ý khi mang thai đến tuần thứ 21 là dấu hiệu rạn da. Từ tuần thai này, bạn đã đi được một nửa chặng đường thai kỳ và bụng bầu cũng đang tăng kích cỡ đáng kể. Nếu mẹ và chị gái bạn đã từng bị rạn da khi mang bầu thì rất có thể bạn cũng sẽ giống họ đấy. Việc bạn cần làm ngay lúc này là sử dụng những loại kem dưỡng da ngăn ngừa rạn da hoặc những mỹ phẩm từ thiên nhiên như dầu dừa, dầu oliu…
Một cách khác cũng giúp mẹ bầu ngăn ngừa nguy cơ rạn da hiệu quả là đừng để lên cân quá nhanh và quá nhiều trong thai kỳ. 9 tháng mang thai chỉ cần tăng từ 9-12kg là đủ.
Nếu mẹ nhận thấy da bụng bị ngứa ngáy thường xuyên thì đó có thể là dấu hiệu rạn da đấy. Khi đã bị rạn, sẽ rất khó để chữa lành cho đến khi mẹ sinh nở xong. Theo thống kê, có đến 70% phụ nữ mang thai bị rạn da, vì vậy nếu bạn cũng nằm trong số này thì đừng buồn nhé.
Từ tuần thai này, mẹ cũng có thể bắt đầu cảm thấy thở hổn hển khi đi lên cầu thang. Thở không ra hơi trong tình huống này là bình thường và tình hình sẽ ngày càng “tệ” hơn do tử cung ngày càng phát triển, “chèn ép” phổi.
Mẹo nhỏ cho mẹ
Để ngăn ngừa tình trạng rạn da, mẹ cũng cần đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống. Ăn nhiều bơ cũng là cách giúp da dẻ dễ đàn hồi và giảm nguy cơ rạn da.
Ngoài ra, mẹ bầu cũng cần đảm bảo bổ sung đủ chất sắt cho cơ thể vì bé lúc này rất cần chất sắt để tạo hồng cầu. Đừng bao giờ lo thừa sắt do ăn nhiều thực phẩm giàu chất sắt. Các thực phẩm giàu chất sắt gồm: thịt nạc đỏ, thịt lợn, cá, đậu lăng, rau chân vịt và ngũ cốc bổ sung sắt.
Triệu chứng mang thai tuần thứ 21
Những triệu chứng phổ biến mẹ dễ dàng nhận thấy khi mang thai 21 tuần là:
Thai nhi chuyển động
Thèm ăn
Đầy hơi
Giãn tĩnh mạch
Đau lưng
Chảy máu nướu rang
Da, tóc, móng thay đổi
Xem thêm: Thai nhi 22 tuần tuổi |