Thai nhi 23 tuần tuổi vẫn tiếp tục phát triển bình thường nhưng đối với mẹ sẽ thấy có sự khác biệt trên bụng bầu đó là sự xuất hiện của đường đen Nigra.
9 tháng 10 ngày mang thai là hành trình tuyệt diệu nhất đối với mỗi người phụ nữ. Trong hành trình này, mẹ sẽ được trải qua rất nhiều cung bậc cảm xúc, ban đầu là cảm giác hồi hộp chờ đợi que thử thai lên hai vạch, rồi cảm giác vỡ òa khi biết mình mang thai, lần đầu tiên cảm nhận được những chuyển động rất nhẹ của con cũng đủ làm mẹ xúc động đến nghẹn ngào... Tuy nhiên, bên cạnh niềm hạnh phúc đó, mẹ cũng sẽ phải đối mặt với rất nhiều mệt mỏi, đau đớn từ những cơn ốm nghén vật vã, đau lưng, đau hông... rồi cơn đau chuyển dạ vật vã trong nước mắt... Thành quả cuối hành trình là mẹ được ôm thiền thần bé bỏng trên tay, còn gì tuyệt vời hơn phải không bạn? Hãy cùng theo dõi hành trình lớn lên từng tuần của thai nhi trong bụng mẹ xem bé của bạn đã lớn từng nào, đã biết làm gì, cơ thể mẹ bầu thay đổi thế nào... trong sự kiện "Sự phát triển của thai nhi" các mẹ nhé! |
Thai nhi
Thai nhi 23 tuần có kích thước gần bằng quả bưởi với chiều dài khoảng từ 26,6-30cm và nặng từ 360-500g.
Vào tuần thai này, tuyến tụy của bé đang hoàn thiện dần dần và những chiếc răng sữa đã xuất hiện ở phía dưới lợi của thai nhi. Lúc này, cân nặng sẽ tăng lên mạnh mẽ và sẽ dần dần tập trung để phát triển về cân nặng. Phần lông tớ sẽ dần bao phủ khắp cơ thể, có tác dụng bảo vệ làn da mỏng manh của bé yêu. Lớp lông tơ này có thể được nhìn rõ khi bạn đi siêu âm trong tuần này.
Từ tuần thứ 22 đến tuần thứ 23, đây là mốc quan trọng thứ hai trong quá trình mang thai, bà bầu nên đi khám thai kỹ càng để phát hiện sớm dị tật ở thai nhi từ tuần này. Có nhiều phương pháp phát hiện dị tật, nhưng thông thường, việc siêu âm sẽ cho kết quả chính xác và giúp bà mẹ có định hướng tốt hơn, biết chính xác tình hình sức khỏe của thai nhi.
Tuy đã tăng cân khá nhiều nhưng thai nhi 23 tuần tuổi có làn da còn nhăn nheo, chưa căng tròn như lúc sinh ra, nguyên nhân là do bé tăng cân chưa đủ và cần phải tiếp tục tăng cân cho đến khi chào đời.
Các bộ phận khác trên khuôn mặt đã phát triển và hình thành rõ nét, như mắt, môi, lông mày, lông mi… tuy nhiên, mắt vẫn chưa hoàn chỉnh, lòng đen vẫn chưa xuất hiện trên mắt thai nhi 23 tuần tuổi.
Tụy của bào thai có vai trò quan trọng trong quá trình sản xuất hormone, đặc biệt là insulin. Insulin là chất giúp cơ thể thai nhi phân giải và hấp thụ đường, nó xuất hiện từ tuần thứ 9 của thai kỳ và có mặt trong máu của thai nhi từ tuần thứ 12. Nếu người mẹ mang thai bị bệnh tiểu đường thì Insulin trong máu thai nhi thường rất cao, đó là nguyên nhân các bà bầu phải giữ gìn chế độ ăn uống, không để bệnh tiểu đường ảnh hưởng tới thai nhi.
Thai nhi 23 tuần tuổi.
Cơ thể mẹ bầu
Mẹ sẽ dễ dàng nhận ra sự khác biệt trên bụng mình những tuần này là một đường đen hay còn được gọi là đường Nigra sẽ rõ dần. Đường đen này thường sẽ kéo dài từ rốn đến vùng kín. Dần dần đường chỉ ngày càng đậm lên tùy theo thời gian và cơ địa. Có người chỉ có đường chỉ đen ngắn và mờ, có mẹ lại bị rất đậm, to và bổ dọc toàn bộ vùng bụng. Đa số mẹ bầu đều không hiểu lý do vì sao đường chỉ đen này lại xuất hiện.
Trên thực tế, ngay cả khi người mẹ không mang thai, đường chỉ dọc bụng này vẫn tồn tại, ở cả nam và nữ. Nó có màu rất nhạt, màu da và hầu như không thấy gì. Dưới góc độ y học, đường Nigra chỉ do các sợi cơ bụng tụ thành, ngoài ra không có chức năng gì đặc biệt.
Khi có bầu, estrogen và androgen trở nên mất cân bằng. Đây là nguyên nhân cơ bản khiến những sắc tố da bị thay đổi khiến đường Nigra trở nên sẫm hơn.
Tuy đường đen xuất hiện trên bụng không được thẩm mỹ cho lắm nhưng mẹ đừng cố tìm cách xóa nó đi bởi rất khó đấy và có thể ảnh hưởng đến em bé nếu mẹ sử dụng các loại mỹ phẩm có hại nữa. Cách duy nhất là hãy coi nó là vấn đề rất bình thường khi bạn mang thai và sau sinh, đường chỉ đen này cũng mất dần.
Một vấn đề nữa mẹ cũng có thể đối mặt trong thời gian mang thai 23 tuần đó là xuất hiện cơn gò tử cung giả, thường được gọi là cơn gò Braxton Hicks. Lúc này, bạn hãy uống nhiều nước và đứng lên vận động nhẹ nhàng, thường xuyên nếu công việc của bạn phải ngồi nhiều.
Tình trạng đau lưng, đau hông cũng đi liền với thai kỳ khi bụng bầu lớn dần.
Mẹo nhỏ cho mẹ
Để giảm triệu chứng đau lưng, đau hông… chị em cần cố gắng vận động nhẹ nhàng thường xuyên và uống nhiều nước.
Bụng bầu lớn dần cũng đồng nghĩa với vấn đề mẹ bầu sẽ dễ bị táo bón, để ngăn ngừa tình trạng này, chị em cần chú ý ăn nhiều rau xanh, bổ sung chất xơ và uống nhiều nước.
Triệu chứng mang thai 23 tuần
Những triệu chứng phổ biến khi mang thai tuần thứ 23 là:
- Nhận thấy những chuyển động của con yêu
- Thèm ăn
- Đầy hơi
- Hay quên
- Ngáy ngủ
- Ngứa tay
- Chảy máu nướu răng
Xem thêm: Thai nhi 24 tuần tuổi |