Vào tuần thứ 8, não bộ vẫn là cơ quan phát triển nhanh nhất trong cơ thể, trung bình tăng 1/3 kích thước ban đầu sau khoảng 3 tới 4 ngày.
Dưới đây chính là những thay đổi cụ thể với cả thai nhi và cơ thể mẹ trong tuần này:
Sự phát triển của thai nhi
Tới tuần thứ 8 này, thai nhi đã có chiều dài vào khoảng 1.5 cm. Bộ não vẫn là cơ quan có tốc độ phát triển nhanh nhất trong cơ thể, trung bình não bộ sẽ tăng khoảng 1/3 kích thước ban đầu trong khoảng 3 tới 4 ngày.
Các bộ phận trên khuôn mặt tiếp tục dần được hình thành, trong đó nổi bật nhất chính là đôi mắt, môi trên và mũi, tiếp đó là phần bên ngoài của tai bé cũng như hàm dưới cũng bắt đầu quá trình hình thành.
Tới tuần thứ 8 này, thai nhi đã có chiều dài vào khoảng 1.5 cm. (Ảnh minh họa)
Cũng trong tuần này, phần thân của thai nhi bắt đầu thẳng hơn, thay vì ở dạng cong như 'chú nòng nọc' trong tuần trước. Hai cánh tay và chân cũng đã dài hơn và các ngón tay đã bắt đầu hình thành. Trong khi nếu dùng máy siêu âm, mẹ có thể khó mà nhận ra các bộ phận cụ thể của chân thì thực tế các sụn xương cũng đã bắt đầu hình thành. Bên cạnh đó, các dây thần kinh cũng bắt đầu phát triển ở chi dưới, và vào cuối tuần này sẽ hình thành thành các bộ phận riêng biệt như đùi, chân và bàn chân.
Các cơ quan nội tạng của bé đang tiếp tục phát triển, trong đó ruột đã được 'trang bị' thêm máu và dây thần kinh. Nhau thai cũng dần hoàn thiện đầy đủ các thành phần và chức năng.
Sự thay đổi trong cơ thể mẹ
Tuần thứ 8 cũng có nghĩa là mẹ đã không thấy kinh nguyệt xuất hiện tới tháng thứ 2. Do vậy, nếu mẹ nào có chu kỳ kinh nguyệt không đều và không mấy để tâm đến việc không thấy kinh nguyệt vào tháng trước thì bây giờ cũng đã có thể nghĩ tới khả năng mình có em bé rồi.
Do sự thay đổi hormone, mẹ có thể 'đột nhiên' nhận thấy mái tóc của mình trở nên dày hơn. Bên cạnh đó, mẹ cũng sẽ nhận ra núm vú trở nên sậm màu và hơi sưng lên do quá trình thay đổi để chuẩn bị cho việc cho con bú. Mẹ cũng đừng ngạc nhiên nếu mình 'ghé thăm toilet' thường xuyên hơn. Nguyên nhân là do tử cung hiện giờ đã tăng lên kích thước bằng hai lần kích thước trước đó, do đó gây áp lực lên bàng quang.
Do sự thay đổi hormone, mẹ có thể 'đột nhiên' nhận thấy mái tóc của mình trở nên dày hơn. (Ảnh minh họa)
Ngoại hình mẹ có thể chưa thay đổi nhưng bên trong cơ thể đã có những bước biến chuyển mạnh mẽ. Mẹ sẽ dễ dàng cảm nhận thấy mình mệt mỏi hơn, buồn nôn hơn, thèm ngủ hơn và tâm trạng cũng hay cáu gắt… Tất cả những triệu chứng này là hết sức bình thường và còn là biểu hiện của thai kỳ đang phát triển tốt. Vì vậy mẹ bầu đừng quá lo lắng nhé!
Những lưu ý cần thiết cho mẹ
Trong những tháng đầu mang thai, mẹ thường có cảm giác buồn nôn, ốm nghén vì vậy nên không muốn ăn uống bất cứ thứ gì. Tuy nhiên, việc nạp dinh dưỡng vào cơ thể là vô cùng cần thiết. Lúc này mẹ nên bổ sung nhiều hoa quả để vừa dễ ăn mà vẫn cung cấp được vitamin cần thiết. Ngoài ra, mẹ cũng cần chú ý loại bỏ những đồ uống yêu thích như đồ uống có ga, bia, rượu… vì chúng sẽ gây hại cho bé yêu. Thay vào đó mẹ có thể chuyển sang các loại nước uống khác bổ dưỡng như nước dừa, nước chanh. Để đảm bảo cơ thể không bị mất nước nhất là khi mẹ bị nghén nặng, hãy uống đủ 8 ly nước (khoảng 2 lít) mỗi ngày.
Ngoài ra, mẹ cũng nên đi khám bác sỹ vào khoảng tuần này để có thể nhận được lời khuyên và tư vấn về chế độ dinh dưỡng cũng như lưu ý khi mang thai. Cụ thể, nếu mẹ từng mang thai trước đó và có xảy ra một trong các biến chứng như nhiễm trùng, tiền sản giật, sinh non hoặc trầm cảm sau khi sinh thì mẹ nên trao đổi thẳng thắn với bác sỹ về vấn đề này. Thêm vào đó, mẹ cũng nên xin tư vấn của bác sỹ về các bệnh dễ mắc phải trong thai kỳ như bệnh tiểu đường, cao huyết áp, hay sức khỏe tinh thần. Đây cũng chính là thời điểm tốt nhất để mẹ thông báo với bác sỹ nếu trong gia đinh có bất cứ người thân nào mắc phải dị tật bẩm sinh như nứt đốt cột sống, hay tiền sử về bệnh di truyền như bệnh xơ nang, thiếu máu hay hồng cầu hình liềm. Mẹ sẽ nhận được tư vấn cũng như lời khuyên về cách chăm sóc cơ thể bầu hợp lý nhất trong những trường hợp này từ bác sỹ.