Theo bác sĩ Nguyễn Thị Song Hà, em bé bị sứt môi có thể được phẫu thuật để chỉnh sửa khiếm khuyết sau 12-18 tháng đầu sau sinh.
Một độc giả tâm sự: "Em mới đi khám thai định kỳ tuần 22 theo lịch của bác sĩ cuối tuần vừa rồi các chị ạ. Sau khi bác sĩ khám và kết luận con em bị sứt môi 2 bên và hở hàm ếch, thế giới trước mặt em dường như sụp đổ hoàn toàn. Em thực sự không thể tưởng tượng được tại sao con em lại bị như thế nữa, trong khi vợ chồng em đều khỏe mạnh, hai bên gia đình đều chẳng có tiền sử bệnh tật gì.
Mà từ ngày có thai, em đều chăm chỉ đi khám thai đều đặn theo lịch của bác sĩ. Khi thai được 12 tuần tuổi em có đi khám và được bác sĩ đo độ mờ da gáy, có vấn đề gì đâu cơ chứ. Em có nên bỏ con không các chị? Đã ai rơi vào trường hợp tương tự như em, đi siêu âm con bị dị tật mà đẻ ra con vẫn lành lặn không ạ? Em chỉ sợ để con lại, sau này nhỡ đâu con bị dị tật thì khổ cả đời con thôi. Mà bỏ con thì em không đành."
Trao đổi với chúng tôi, bác sĩ CK1 Nguyễn Thị Song Hà (Nguyên bác sĩ Bệnh viện Từ Dũ – Hiện làm việc tại phòng khám sản phụ khoa Song Hà), cho biết: “Môi được hình thành vào giữa tuần lễ thứ 4 và thứ 5 của thai kỳ. Hàm trên được hình thành vào giữa tuần thứ 7 và tuần thứ 8. Khe hở môi và khe hở hàm xảy ra ở thai nhi vào những thời điểm này, nghĩa là rất sớm trong quá trình phát triển của phôi thai. Sứt môi và hở hàm ếch xảy ra khi các mô của môi, vòm miệng của thai nhi không phát triển. Trẻ bị sứt môi và hở hàm ếch thường không có đủ mô ở miệng và mô này không kết hợp với nhau để hình thành vòm miệng tạo nên các khe hở”.
Theo bác sĩ Song Hà, sứt môi là dị hình bẩm sinh có một khe hở ở một bên hay cả hai bên đường giữa môi trên. Hở hàm ếch là khe hở giữa vòm miệng và khoang mũi.
Tuỳ từng trẻ mà có thể hở cả bộ phận trước và bộ phận phía sau của vòm miệng hay chỉ bị hở một phần.
Có 3 dạng khác nhau của sứt môi và hở hàm ếch:
- Sứt môi mà không bị hở hàm ếch
- Hở hàm ếch mà không sứt môi
- Sứt môi và hở hàm ếch.
Sứt môi và hở hàm ếch có thể xảy ra ở một bên hoặc cả hai bên miệng.
Sứt môi là dị hình bẩm sinh có một khe hở ở một bên hay cả hai bên đường giữa môi trên. (ảnh minh họa)
“Vấn đề mà độc giả hỏi cần tham khảo ý kiến bác sĩ. Vì sứt môi và hở hàm ếch đều có thể chữa được. Em bé bị bệnh này có thể được phẫu thuật để chỉnh sửa khiếm khuyết này sau 12 đến 18 tháng đầu sau khi sinh”, bác sĩ Song Hà cho hay.
Trong quá trình mang thai, bà mẹ cần có chế độ dinh dưỡng nghỉ ngơi hợp lý, tránh stress, tránh các yếu tố gây hại như tia X, hóa chất và việc sử dụng thuốc trong thai kỳ phải theo chỉ dẫn của bác sĩ. Cần đi khám thai định kỳ, nên giữ gìn sức khỏe đặc biệt trong 3 tháng đầu vì đây là giai đoạn thai nhi đang phát triển các cấu trúc vùng hàm mặt.
Về những nguy cơ sau khi sinh, bác sĩ Song Hà chỉ rõ, trẻ mắc bệnh sứt môi hay hở hàm ếch thường dễ mắc các bệnh khác như câm, điếc và khiếm khuyết khả năng nói như nói ngọng… Dị tật này còn gây biến dạng mặt, chủ yếu là môi, răng, mũi và ảnh hưởng đến chức năng phát âm, lời nói khiến trẻ gặp nhiều khó khăn trong sinh hoạt hằng ngày. Bệnh về răng như thiếu, thừa, hay răng mọc lộn xộn... cũng thường gặp.
Bác sĩ Song Hà khuyến cáo: “Nhiều trẻ bị sứt môi hay hở hàm ếch dễ bị nhiễm trùng tai, viêm đường hô hấp trên, viêm mũi họng, ho, sốt, sổ mũi, thiếu cân, suy dinh dưỡng… Trẻ bị sứt môi hay hở hàm ếch cũng gặp nhiều khó khăn khi ăn uống, bú. Có các bình sữa với núm vú đặc biệt có thể giúp trẻ bú dễ hơn. Trong một số trường hợp đặc biệt, trẻ mắc bệnh sứt môi hay hở hàm ếch có thể phải cần đến vòm miệng giả để giúp trẻ có thể ăn uống. Tình trạng này không ảnh hưởng đến sự phát triển thể chất cũng như trí não của trẻ nhưng khi lớn lên, trẻ có thể mặc cảm, thiếu tự tin vì nhận ra sự khiếm khuyết trên gương mặt của mình. Do vậy cha mẹ nên tiến hành phẫu thuật càng sớm càng tốt 12 đến 18 tháng đầu sau khi sinh để giúp các bé bớt mặc cảm cải thiện được khả năng ăn uống, khả năng nói và khuôn mặt…”.
Bác sĩ Song Hà lưu ý, với các bà mẹ phát hiện con mình bị sứt môi hở hàm ếch khi mang thai nên chuẩn bị thật tốt về tâm lý cũng như cần sự hỗ trợ rất lớn từ người thân vì ngoài sức ép về tâm lý các bà mẹ còn phải đối mặt với chăm sóc các bé bị bệnh này khó hơn những bé bình thường khác.
Nuôi con bằng sữa mẹ là cách nuôi dưỡng tốt nhất. Bạn nên cho bé ở tư thế ngồi hoặc hơi thẳng đứng, tư thế này sẽ giúp hạn chế sữa mẹ chảy vào trong mũi và làm trẻ bị sặc. Khi cho bú nên để vị trí đầu trẻ quay sang bên phải trong lần bú này và quay sang bên trái trong lần bú khác, để trẻ có thể sử dụng tất cả các cơ ở vùng miệng. Ngoài ra, khi cho bé bú cần chú ý, đưa vú vào thật sâu trong miệng trẻ ngậm hết quầng vú giúp sữa chảy vào phía sau lưỡi của trẻ.
Đôi khi do cấu tạo của từng khe hở nhiều ít khác nhau mà mẹ phải vắt sữa và cho trẻ uống sữa bằng muỗng. Để tránh sặc khi cho trẻ ăn bằng muỗng nên cho bé ở tư thế ngồi hoặc hơi thẳng đứng, tư thế này sẽ giúp hạn chế sữa chảy vào trong mũi và làm trẻ bị sặc.
Nếu cho trẻ bú bình, cũng cần giữ cho trẻ ở tư thế này, núm vú nên đặt vào phần miệng có mô lành. Khi vệ sinh cho trẻ, nên lau mặt và miệng cho trẻ bằng khăn vải mềm và ướt, dùng bông tẩm nước sạch để lau vùng khe hở môi cho trẻ.
Khe hở môi và khe hở hàm xảy ra do tác động của nhiều yếu tố tác động vào quá trình hình thành môi và hàm trên. Nguyên nhân này được cho là do sự phối hợp giữa yếu tố di truyền, yếu tố môi trường, nhiễm siêu vi hoặc uống thuốc trong quá trình mang thai đặc biệt là 3 tháng đầu ví dụ như thuốc chống động kinh, chống dị ứng, chống ung thư… Ngoài ra, chụp X-quang, chất phóng xạ, hút thuốc, uống rượu... đều gây bất lợi cho quá trình phát triển của thai nhi.
“Đây là căn bệnh gây ra các dấu hiệu đặc biệt có thể nhìn thấy được nên rất dễ chẩn đoán, có thể được phát hiện bằng siêu âm trước khi sinh. Nếu hở môi hay hàm ếch không được phát hiện trước khi trẻ được sinh ra thì sẽ nhận dạng ngay sau khi sinh.
Do vậy, bà bầu nên tránh những yếu tố gây bất lợi cho thai, đặc biệt giữ gìn cơ thể, tăng cường chế độ dinh dưỡng, cũng như thường xuyên tập thể dục, ăn nhiều rau xanh và trái cây có hàm lượng vitamin C cao, phòng tránh tốt cảm cúm. Khám thai thường xuyên và định kỳ theo đúng hẹn của bác sĩ và thông báo ngay cho bác sĩ nếu như bạn gặp phải những bệnh lý trong quá trình mang thai. Nên nhớ không tự tiện sử dụng bất kỳ loại thuốc nào, nếu chưa có sự hướng dẫn hay kê toa của bác sĩ chuyên khoa”, bác sĩ Hà khuyên.