Việc em bé trong bụng mẹ có thể nghe, hiểu và phản hồi với bên ngoài... là hoàn toàn có thật.
Không những vậy, còn có nhiều bằng chứng cho thấy em bé có thể chia sẻ cảm xúc với mẹ. Chính vì lý do này, phụ nữ luôn được khuyên rằng nên cố gắng giữ cho tâm trí và cảm xúc của mình thoải mái nhất có thể khi mang thai. Dưới đây là một số dẫn chứng của việc bé có thể chia sẻ ‘cuộc sống’ với mẹ của mình ngay từ khi còn trong bụng:
Bé có thể nghe
Nhiều bà bầu thường cho biết họ nhận thấy em bé ‘đá’ vào bụng mình ở một số giai điệu khi họ đang xem hòa nhạc. Thực tế, kề từ tuần thứ 23 trở đi, thai nhi đã phát triển chức năng nghe đủ để có thể phản hồi với tiếng động bên ngoài. Các nhà nghiên cứu cũng chỉ ra rằng thai nhi 6 tháng tuổi có thể nhận thức và chịu ảnh hưởng bới những gì đang xảy ra ở thế giới bên ngoài. Thai nhi dường như bị kích thích bởi nhạc rock nên đá mạnh vào bụng mẹ, và trở nên ‘tĩnh lặng’ khi nghe nhạc cổ điển. Chính vì vậy, sở thích âm nhạc của mẹ cũng sẽ ảnh hưởng tới bé sau này.
Từ tuần thứ 23, thai nhi đã có thể phản ứng với tiếng động bên ngoài. (Ảnh minh họa)
Bé có thể ‘học’
Các nghiên cứu cũng cho thấy thai nhi từ 6 tháng tuổi có thể di chuyển cơ thể cùng với nhịp điệu giọng nói của mẹ. Ngoài ra, thậm chí mẹ bầu có thể dạy em bé biết khi nào phản hồi với âm thanh. Các nhà nghiên cứu kích thích trẻ đá bằng cách tạo ra một tiếng ồn đặc trưng. Sau khi thai nhi quen với âm thanh này, các nhà nghiên cứu đặt một máy đo rung vào bụng mẹ ngay sau tiếng ồn. Đáng ngạc nhiên là em bé phản hồi bằng cách ‘đá’ vào bụng mẹ khi nghe thấy tiếng ồn này vào lần tiếp theo!
Bé có thể cảm nhận mùi vị
Không những thai nhỉ có phản ứng với âm thanh, mà mùi vị hay ánh sáng cũng có thể kích thích bé. Thêm chất có vị ngọt vào nước ối của mẹ, thai nhi tăng gấp đôi tốc độ nuốt; trong khi thêm chất có vị chua, thai nhi nuốt chậm đi rõ rệt. Thậm chí, bằng máy siêu âm đa chiều, các nhà thí nghiệm còn có thể nhìn thấy em bé cau mày, nheo mắt hay nhăn mặt. Từ tháng thứ 5, thai nhi còn có thể bị giật mình khi có ánh sáng nhấp nháy kích thích ở bụng mẹ.
Suy nghĩ của mẹ ảnh hưởng tới bé
Các nhà nghiên cứu tin rằng thực sự có một số liên kết sâu sắc giữa những gì người mẹ suy nghĩ và cảm nhận của thai nhi. Ngoài ra, từ tháng thứ 6 trở đi, cảm xúc của mẹ và thai nhi có liên kết với nhau bởi các kích thích tố liên quan tới của xúc của mẹ có thể vượt qua nhau thai và ảnh hưởng tới bé.
Đời sống tinh thần của mẹ bầu có ảnh hưởng tới em bé. (Ảnh minh họa)
Tác động lâu dài giữa đời sống tình cảm của mẹ và thai nhi
Một trong những câu hỏi gây tranh cãi nhiều nhất cho khoa học hiện nay là liệu cảm xúc của mẹ trong quá trình mang thai và nhân cách của trẻ trong tương lai có mối tương quan với nhau hay không. Đã có nhiều nghiên cứu liên quan cũng chỉ ra xu hướng cho thấy người mẹ hay lo lắng khi mang thai sinh ra em bé hay lo lắng. Các nhà nghiên cứu cũng cho rằng các bà mẹ ‘chán ghét’ việc mang thai và không cảm thấy gắn bó với con mình có nhiều khả năng sinh em bé gặp các vấn đề về cảm xúc. Các bà mẹ thường xuyên có suy nghĩ cực đoan thậm chí có thể khiến thai nhi bị tổn thương về mặt thể chất, do làm tăng nguy cơ sinh non và thiếu cân.
Tóm lại, mẹ bầu không những phải kiêng các loại thực phẩm ‘không thân thiện’ với thai nhi, cố gắng tránh xa khu vực không khí ô nhiểm mà còn cần phải bảo vệ mình khỏi những tư tưởng ‘ô nhiễm’ hay nói cách khác là các cảm xúc tiêu cực. Biện pháp hợp lý để thoát khỏi cuộc sống căng thẳng là dành nhiều thời gian nghỉ ngơi và thư giãn trong những cảm xúc tích cực. Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên nói chuyện hay hát để chia sẻ suy nghĩ và tình cảm của mình với bé yêu.