Tôi và vợ chia tay vì cô ấy nhất quyết muốn như vậy.
Tôi và vợ cũng ly hôn cách đây 1 năm rưỡi. Hiện tại tôi vẫn chưa tái hôn, vợ cũ nghe đâu cũng vậy, vẫn sống một mình.
Hôm qua mẹ tôi bị ốm, buổi trưa tôi tranh thủ về nhà xem mẹ ăn uống thế nào. Bình thường thì tôi ăn cơm trưa luôn trên công ty. Về đến sân, tôi giật mình khi thấy xe máy của vợ cũ đang dựng ở đó từ bao giờ.
Sau ly hôn, mối quan hệ giữa vợ cũ với em gái tôi và mẹ vẫn khá thân thiết. Họ thường xuyên trò chuyện qua lại, có lẽ nhờ đó mà cô ấy biết mẹ chồng cũ bị ốm. Vợ cũ nấu món cháo bà thích, trưa nghỉ làm mang đến tận nơi cho mẹ tôi ăn.
Tôi và vợ chia tay vì cô ấy nhất quyết muốn như vậy. (Ảnh minh họa)
Mẹ tôi ngồi ăn cháo, hai người trò chuyện rất vui vẻ. Mẹ vẫn thương con dâu cũ lắm. Qua khe cửa nhìn khung cảnh đó mà tôi nghẹn lòng, đứng ngẩn ra quên cả bước vào. Cảnh tượng mẹ và cô ấy hòa hợp vui vẻ bên nhau làm tôi có cảm giác như mình được trở về ngày trước, khi mà chúng tôi vẫn chưa ly hôn.
Tôi và vợ chia tay vì cô ấy nhất quyết muốn như vậy. Sau đám cưới 9 tháng, vợ tôi có tin vui nhưng cô ấy lại bị sảy thai. Đi khám thì mới biết vợ bị dị tật tử cung hai sừng bẩm sinh. Với tình trạng của cô ấy, mang thai tự nhiên đã khó mà sau khi thụ thai thành công thì việc giữ được thai lại càng khó hơn.
Tôi thương vợ vô cùng, luôn cố gắng an ủi động viên vợ. Mẹ tôi cũng chẳng trách móc con dâu nửa lời, dù biết khả năng cô ấy có thể sinh con là vô cùng thấp, mà tôi lại là con trai một. Nhưng chính vì điều đó mà vợ tôi càng cảm thấy áy náy và tội lỗi.
Ý muốn giải thoát cho chồng ngày càng lớn, đến khi chúng tôi kết hôn được 2 năm thì vợ khăng khăng bắt tôi phải ký đơn ly hôn. Vợ bảo không thể làm khổ tôi thêm được nữa, tôi nên có một người vợ khác và được làm bố. Ở với cô ấy chỉ làm chậm trễ tương lai của tôi, mà chính cô ấy cũng không được thanh thản.
Tôi thật lòng không muốn ly hôn. Tôi nghĩ hai vợ chồng thương nhau, cứ sống như vậy cũng được. Tất nhiên là mẹ tôi mong ngóng có cháu bế song bà bảo tùy hai vợ chồng quyết định, bà sẽ không can thiệp. Mẹ tôi có hai đứa cháu ngoại do chị gái tôi sinh rồi nên cũng được an ủi phần nào.
Nhưng vì vợ tôi quá cương quyết, cô ấy còn đe dọa tôi nhiều thứ, cuối cùng tôi đành ký đơn. Thời gian qua vợ cũ chưa có ai, hôm nay chứng kiến khung cảnh này, tôi biết là cô ấy vẫn còn nặng lòng với tôi và nhà chồng cũ.
Thế nhưng tôi cũng hiểu một điều, nếu như việc sinh con không được giải quyết thì chắc chắn vợ sẽ không đồng ý quay về với tôi. Tôi thực sự rất muốn đoàn tụ với vợ cũ, mẹ tôi cũng đồng ý rồi. Song với tình trạng bệnh của cô ấy thì phải làm sao để sinh con?
Tôi thực sự rất muốn đoàn tụ với vợ cũ. (Ảnh minh họa)
Phụ nữ bị dị tật tử cung hai sừng có thể sinh con không?
Tử cung hai sừng còn được gọi là tử cung hình trái tim, là một dị tật bẩm sinh xảy ra ở khoảng 3% phụ nữ. Hiện tượng này biểu hiện ở tình trạng hai bên tử cung có phần nhô lên giống như sừng và trong lòng tử cung có một vách ngăn.
Tử cung hai sừng không làm ảnh hưởng tới sức khỏe nhưng ảnh hưởng tới khả năng sinh sản của phụ nữ. Ở những phụ nữ bị tử cung hai sừng, dung tích của tử cung nhỏ, dễ dẫn đến các tình trạng như sảy thai, sinh non, vỡ ối sớm, thai nhẹ cân, ngôi thai bất thường… Hiện chưa có phương pháp ngăn ngừa dị tật này.
Tử cung hai sừng là một dị tật về cấu trúc tử cung nên không thể điều trị bằng thuốc. Để giúp phụ nữ tránh nguy cơ sinh non, một số phương pháp điều trị có thể được chỉ định là khâu eo tử cung khi mang thai nếu có hở eo cổ tử cung hoặc phẫu thuật tạo hình tử cung.
Với phương pháp phẫu thuật, bác sĩ sẽ thực hiện cắt phần đáy hai sừng tử cung và sáp nhập hai bên lại với nhau để có hình dạng giống với đáy tử cung bình thường. Đây là biện pháp mở rộng thể tích buồng tử cung, giúp phôi thai phát triển tốt hơn.
Lưu ý sau khi phẫu thuật tạo hình tử cung, phụ nữ cần chờ khoảng 3 tháng mới được mang thai để giảm nguy cơ thai phụ bị vỡ tử cung khi chuyển dạ, tránh được những biến chứng thai sản nguy hiểm cho cả mẹ và bé.
Tuy nhiên, do tử cung hai sừng có nhiều mức độ khác nhau nên tùy từng trường hợp cụ thể, bệnh nhân sẽ được chỉ định phương pháp điều trị và hiệu quả điều trị sẽ khác nhau. Có một số trường hợp tử cung hai sừng vẫn có khả năng mang thai và sinh con bình thường mà không cần điều trị nên người bệnh cần thực hiện theo đúng chỉ dẫn của bác sĩ chuyên khoa.