Ứ sữa, tắc tia sữa, nứt núm ti... là vấn đề thường gặp sau sinh nở.
Lần đầu tiên làm mẹ, cảm nhận sự gắn kết thiêng liêng của tình mẫu tử khi cho bé bú luôn là niềm hạnh phúc vô bờ với nhiều bà mẹ trẻ. Cho bé bú mẹ cũng giúp bé nhận được nguồn dưỡng chất tinh khiết và tốt nhất. Tuy nhiên, hầu hết các mẹ khi mới bắt đầu cho bé bú đều gặp một số vấn đề gây băn khoăn, từ việc làm sao có đủ sữa cho bé, làm sao để biết bé bú đúng cách … cho đến những băn khoăn khi “ núi đôi” bỗng dưng có nhiều triệu chứng bất thường.
Bài viết sau đây sẽ giúp chị em nhận diện một số tình trạng hay gặp ở núi đôi ảnh hưởng đến sức khỏe mẹ cũng như chất lượng sữa cho bé khi lần đầu tiên bé “ti” vú mẹ.
1. Tình trạng ứ sữa
Sau khi sinh ngực bạn đã bắt đầu tiết ra sữa non, từ 3 - 4 ngày hai vú bạn sẽ bắt đầu căng đầy sữa, biểu hiện ở việc hai bầu vú càng lúc càng lớn và nặng hơn, khi sờ vào cảm thấy mềm và ấm. Căng sữa giúp bạn yên tâm vì có đủ sữa cho bé. Tuy nhiên, nếu 1 hoặc cả 2 bầu vú căng cứng và gây đau nhức, có thể chính là lúc bạn phải đối diện với tình trạng ứ sữa. Mặc dù chỉ kéo dài khoảng 1 – 2 ngày, nhưng ứ sữa sẽ gây nhiều bất tiện cho mẹ cũng như rất có thể tái diễn nhiều lần sau đó.
Để ngực bớt căng sữa, các mẹ nên nặn bớt ra một ít trước khi cho bé bú. Có thể nặn bằng tay hoặc bằng các dụng cụ hút sữa chuyên dụng. Tốt hơn hết là nên cho bé bú một ít để giảm tình trạng vú căng cứng và đau nhức này. Ngoài ra, các mẹ có thể ngâm hai bầu ngực vào nước ấm, hoặc đắp khăn ấm để cảm thấy dễ chịu và đỡ đau nhức hơn. Xoa ngực từ bầu vú đến núm vú cũng giúp chị em cảm thấy dễ chịu hơn.
Cho bé bú là sợi dây gắn kết thiêng liêng của tình mẫu tử, dù đôi lúc sẽ gặp phải
những vấn đề khổ sở với núi đôi, nhất là ở các sản phụ sau sinh (ảnh minh họa)
2. Tuyến dẫn sữa bị nghẽn
Tình trạng này có thể xảy ra trong 1-2 tuần đầu khi bạn cho bé bú. Nguyên nhân dẫn đến tình trạng tuyến dẫn sữa bị nghẽn có thể là do ứ sữa, do nịt ngực quá chật hoặc do sữa khô ở đầu núm vú làm tắt tia sữa. Nếu sữa bị nghẽn, các mẹ sẽ cảm thấy hơi căng đầy ở ngực, như bị nổi cục, da có thể đỏ lên ở vùng núi đôi.
Để làm thông tuyến sữa, các mẹ nên cho bé bắt đầu bú với bên ngực đang bị nghẽn và xoa nhè nhẹ trong quá trình cho bé bú nhằm giúp sữa dần dần di chuyển đến núm vú. Tuy nhiên, nếu đã áp dụng cách này mà vẫn không hiệu quả, nên ngừng cho bé bú và đến gặp bác sĩ để được thăm khám kỹ hơn, vì tuyến sữa bị nghẽn có thể dẫn đến nguy cơ nhiễm trùng vú, áp xê vú gây ra đau nhức dữ dội cho mẹ.
3. Nhức núm vú
Đau nhức núm vú thường xảy ra khi các mẹ bắt đầu những ngày đầu tiên cho bé bú. Mặc dù là vấn đề bình thường mà hầu hết các mẹ sẽ phải gặp, nhưng tình trạng này gây nhiều khó khăn, đau đớn cho mẹ mỗi lần bé “ti” sữa.
Nguyên nhân gây nên chứng đau nhức ở đầu vú này thường là do dứt miệng bé ra khỏi vú không đúng cách hoặc thiếu cẩn thận. Do đó, chị em cần lưu ý dứt bé ra khỏi vú mẹ đúng phương pháp: khi bé bú xong, hãy lướt nhẹ ngón út giữa hai nướu của bé, chắc chắn bé sẽ mở miệng ra, như vậy sẽ tránh làm đau vú mẹ. Để mau khỏi nhức, cũng nên để núm vú tiếp xúc trực tiếp với không khí, bằng cách thỉnh thoảng để ngực trần hoặc không dùng áo nịt ngực, nhất là khi đang nghỉ ngơi, thư giãn.
4. Núm vú bị nứt
Nếu một bên vú bị nứt nẻ, chị em nên cho bé ngừng bú bên vú này trong vòng 72 giờ đồng hồ và nặn bớt sữa để tránh bị căng sữa, dẫn đến tình trạng ứ sữa hoặc tuyến dẫn sữa bị nghẽn. Khi bị nứt núm vú, có thể mẹ sẽ cảm thấy rất đau và có khi còn bị nhiễm trùng vú. Nếu sau 72 giờ tình trạng không suy giảm, nên khám và điều trị sớm để tránh các nguy cơ nhiễm trùng vú, mưng mủ. Đồng thời không cho bé bú phần vú bị nứt cho đến khi lành hẳn.
Nguyên nhân gây ra tình trạng này thường do bé ngậm vú quá lâu, bé cắn khi đang bú, vệ sinh đầu vú không tốt, do đầu vú quá lớn làm bé không ngậm được hết quầng vú mà chỉ mớm ít vào núm vú dẫn đến mỗi lần bé mút, núm vú bị kéo, giật mạnh lâu ngày gây nứt núm vú ... Đặc biệt, cho bé bú không đúng cách là nguyên nhân chủ yếu dẫn đến sự cố này.
Do đó, để hạn chế tình trạng này, các mẹ nên vệ sinh vú cẩn thận bằng cách rửa vú mỗi ngày bằng nước không có xà phòng vì xà phòng làm trôi đi chất nhờn dễ làm cho núm vú bị đau và nứt nẻ. Dùng dầu phộng, dầu ôliu hay kem có chứa chất lanolin thoa lên các tấm lót vú. Sử dụng các tấm lót vú còn giúp hạn chế tình trạng rỉ sữa gây rạn nứt núm vú. Đồng thời, lưu ý cho bé bú đúng cách: bé há rộng miệng, các cơ lưỡi và hàm hoạt động để giúp bé mút sữa, khi ấy các mẹ sẽ thấy tai lẫn phần thái dương của bé cử động.
Ngâm nước ấm cũng là cách để các sản phụ cảm thấy thư giãn và
giảm được chứng đau nhức do viêm núm vú. (ảnh minh họa)
5. Viêm vú
Viêm vú hay nhiễm trùng vú thường được biểu hiện bằng các dấu hiệu ban đầu như vú sưng lên, sờ vào thấy đau, da vú mẩn đỏ, kèm theo các triệu chứng y như lúc bạn bị cúm: sốt cao, nóng lạnh đau nhức, đau đầu và có thể bị nôn mửa. Nguyên nhân phổ biến dẫn đến tình trạng này là do sự ứ sữa, có thể do bé bú chưa đủ no ở mỗi cử bú hoặc do tư thế cho bé bú chưa đúng. Ngoài ra, viêm vú còn có thể là do núm vú bị nứt, vi khuẩn xâm nhập qua vết nứt của núm vú vào hệ thống bạch huyết. Viêm vú thường xảy ra vào vài tuần đầu sau sinh, khi mẹ đang học cách cho bé bú.
Khi có các biểu hiện bị viêm vú, chị em nên khám và điều trị ngay, có thể bác sĩ sẽ cho dùng khánh sinh và bệnh thường khỏi sau 1 – 2 ngày điều trị. Không cần hạn chế cho bé bú bên vú bị viêm vì bệnh này không ảnh hưởng gì đến bé. Và mặc dù có thể sẽ rất đau đớn khi bé “ti” núm vú bị nhiễm bệnh, nhưng cho bé bú là rất cần thiết để cải thiện tình trạng ứ sữa. Các mẹ có thể làm giảm đau đớn bằng cách đặt miếng gạc ấm lên ngực vài phút trước khi cho bé bú.
Tóm lại, giai đoạn đầu làm mẹ có thể bạn sẽ phải vượt qua nhiều thử thách. Các vấn đề thường gặp ở núi đôi khi mới bắt đầu cho bé bú là một trong những cách để mẹ làm quen và thích nghi dần với vai trò mới cao cả của mình. Để hạn chế các tình trạng trên, chị em nên học cách cho bé bú đúng phương pháp, đồng thời chăm sóc núi đôi cẩn thận hơn, như lau vú, núm vú hàng ngày bằng bông gòn với nước, không lau mạnh tay mà nên thấm khô rất nhẹ nhàng; chọn nịt ngực chất lượng tốt bằng sợi cotton ôm khít bầu ngực và thường xuyên thay mỗi ngày; dùng miếng lót (không dùng chất liệu nhựa) và thay sau mỗi lần cho bé bú hoặc khi bị ướt; sau mỗi lần cho bé bú nên để cho đầu vú khô ngoài không khí trước khi mặc nịt vú lại v.v….