Chúng ta đều cho rằng phần lớn chất sắt đến từ thịt, trứng, cá... tuy nhiên những loại rau củ dưới đây chứa lượng sắt còn nhiều hơn thịt cá.
Sắt rất quan trọng cho nhiều quá trình sinh lý của cơ thể, đặc biệt là trong quá trình vận chuyển oxy. Đó là chất cấu thành huyết sắc tố, chính huyết sắc tố này cấu tạo thành hồng cầu – hồng cầu được sản sinh trong tủy xương. Huyết sắc tố chiểm 70% lượng sắt trong cơ thể, 20% trong các tế bào cơ, đặc biệt trong myoglobine.
Theo Viện Y tế Quốc gia Hoa Kỳ, chế độ ăn uống bổ sung sắt cho người lớn là 8-27mg sắt mỗi ngày. Với đàn ông lớn tuổi, nhu cầu về sắt có giảm đi một chút, trong khi phụ nữ lớn tuổi, phụ nữ mang thai hoặc đang có con bú lại có nhu cầu về sắt nhiều hơn.
Ngoài thịt, thường đứng đầu danh sách thực phẩm chứa các loại chất sắt được khuyên dùng, có rất nhiều lựa chọn không phải thịt mà lại có hàm lượng sắt tương đương, thậm chí nhiều hơn cả thịt đỏ.
Dưới đây là danh sách những loại rau ngon có lượng sắt nhiều hơn cả thịt đỏ bạn nên tham khảo
Rau bina
Những loại rau lá đậm như rau bina không chỉ chứa nhiều dinh dưỡng nhất trong tất cả các loại rau mà còn vô cùng giàu sắt. Trung bình 3 chén rau bina chứa khoảng 18mg sắt, nhiều hơn cả lượng sắt có trong miếng thịt bò 226g.
Cải thìa
Dù là món cải thìa xào hay luộc, bạn cũng sẽ nhận được một lượng vitamin A dồi dào, thêm 1,8mg sắt cho mỗi chén rau cải thìa. Một chén cải thìa sống (tương đương khoảng 170g) chứa 9 calo, 1g protein, 1,5g carbohydrate, 0,7g chất xơ, không có cholesterol và chỉ 0,1g chất béo không có khả năng sản sinh cholesterol. Lượng sắt dồi dào trong cải thìa còn đóng vai trò tăng cường sức khỏe xương, tim mạch.
Cải xoăn
Ba chén rau cải xoăn chứa 3,6 mg sắt. Không chỉ có vậy, loại rau này cũng rất giàu chất xơ, vitamin và canxi. Bạn hãy bổ sung cải xoăn vào chế độ ăn hàng ngày để tăng cường lượng sắt cho cơ thể.
Bông cải xanh
Ngoài tác dụng nổi tiếng là chống 8 loại ung thư, bông cải xanh còn rất giàu vitamin K và magiê, protein, canxi, crom, carbohydrate, vitamin C, A, giúp tăng cường sự hấp thụ sắt trong cơ thể. Một chén bông cải xanh nấu chín chứa 1mg sắt. Đây là một trong những thực phẩm bổ sung sắt tốt nhất cho người ăn chay.
Củ cải đường
Củ cải đường được biết đến là loại rau củ mang lại hiệu quả cao trong cuộc chiến chống lại căn bệnh thiếu máu. Loại củ này có chứa hàm lượng sắt cao, tham gia vào quá trình sửa chữa và kích hoạt các tế bào hồng cầu. Một khi được kích hoạt, các tế bào hồng cầu sẽ cung cấp được nhiều lượng oxy hơn cho các bộ phận trong cơ thể. Bổ sung củ cải đường vào chế độ ăn hàng ngày là giải pháp hiệu quả để ngăn ngừa căn bệnh thiếu máu.
Đậu lăng
Mỗi cốc đậu lăng có chứa tới 7mg sắt. Đặc biệt, một chén đậu lăng chứa nhiều chất sắt hơn cả một miếng thịt bò 224g. Đậu lăng cũng là một nguồn cung cấp chất xơ, kali và protein tuyệt vời.
Khoai tây nướng
Một củ khoai tây nướng to chứa lượng sắt nhiều gấp 3 lần một phần thịt gà. Ngoài ra, khoai tây nướng còn chứa nhiều vitamin B và C, potassium. Bạn có thể thưởng thức bữa tối lành mạnh với khoai tây nướng, bông cải xanh hấp, sữa chua Hy Lạp...
Bí ngô
Nghiên cứu gần đây cho thấy, bí ngô giàu hàm lượng sắt và kẽm, kẽm trực tiếp ảnh hưởng tới chức năng thành thục của hồng cầu; chất sắt lại là nguyên tố vi lượng cơ bản tạo ra hemoglobin giúp bổ sung lượng máu cho cơ thể, giúp mẹ bầu tránh được bệnh thiếu máu.
Lưu ý khi sử dụng những thực phẩm bổ máu
Khi sử dụng những loại thức ăn bổ máu, chúng ta nên lưu ý những vấn đề sau:
- Cung cấp vitamin C song song để hấp thụ sắt vào cơ thể dễ hơn.
- Không dùng trà hay cà phê trong khi ăn vì phenol trong trà và cà phê ngăn cản hấp thụ sắt.
- Không nên ăn những thực phẩm chứa nhiều sắt cùng lúc với các thực phẩm chứa nhiều dinh dưỡng khác gây ức chế sắt (làm giảm sự hấp thụ sắt) như sữa (canxi), ngũ cốc (phytates), đậu nành và râu chân vịt (oxalate).
- Khi bị thiếu máu trầm trọng hơn nên bổ sung thuốc bổ máu và đương nhiên những loại thuốc này nên có sự chỉ định của bác sĩ.