Bệnh lác mắt

Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 2-3 triệu người bị lác. Đáng nói là hiện tượng bị lác ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều trẻ em được khám, chữa muộn đã gây ảnh hưởng nặng đến thị lực vì có tới 70% trẻ bị lác có kèm theo các tật khúc xạ.

Tổng quát về bệnh

Theo thống kê, ở Việt Nam có khoảng 2-3 triệu người bị lác. Đáng nói là hiện tượng bị lác ở trẻ em ngày càng tăng và nhiều trẻ em được khám, chữa muộn đã gây ảnh hưởng nặng đến thị lực vì có tới 70% trẻ bị lác có kèm theo các tật khúc xạ.

Lác mắt là bệnh lý của mắt mà hai mắt không nhìn thẳng được và nhìn theo các hướng khác nhau. Một mắt có thể nhìn thẳng về phía trước, trong khi mắt kia nhìn vào trong, ra ngoài, lên trên hoặc xuống dưới. Sự chuyển hướng nhìn của mắt có thể cố định hoặc tạm thời. Mắt nhìn thẳng (và mắt nhìn lệch) có thể hoán đổi hoặc luân phiên nhau. Lác là một bệnh lý hay gặp ở trẻ em và cũng có thể gặp ở người lớn. Bệnh có thể di truyền trong gia đình, tuy nhiên, nhiều bệnh nhân bị lác không có tiền sử gia đình có người bị lác.

Ảnh minh họa

Có 2 loại lác mắt: 

Lác cơ năng (lác đồng hành): Thường gặp ở trẻ em, đặc trưng bởi tình trạng mắt lác luôn di chuyển cùng hướng với mắt lành; 

Lác liệt (lác bất đồng hành): Thường gặp ở người lớn, đặc trưng bởi tình trạng cơ vận nhãn bị liệt gây hạn chế vận động của nhãn cầu.

Nguyên nhân

Có 6 cơ ngoại nhãn gồm cơ trực trên, cơ trực dưới, cơ trực trong, cơ trực ngoài, cơ chéo lớn, cơ chéo bé đóng vai trò trong vận động của nhãn cầu.

Bệnh lác xuất hiện khi 6 cơ xung quanh mắt không phối hợp hoạt động nhịp nhàng với nhau.

Điều này gây ra bởi các nguyên nhân:

- Tiền sử gia đình;

- Liệt cơ vận nhãn bẩm sinh hoặc mắc phải;

- Vấn đề ở não: Bị bại não, hội chứng Down, não úng thủy, u não;

- Bất thường khi sinh: sinh non, nhẹ cân;

- Mắc tật khúc xạ như cận thị hay viễn thị;

- Chấn thương vùng quanh mắt;

- Bệnh lý ở mắt: Đục thủy tinh thể, sụp mí, sẹo giác mạc;

- Phẫu thuật các bệnh lý ở mắt;

- Nhiễm trùng…

Dấu hiệu

Triệu chứng đầu tiên của bệnh là lác, là quan sát thấy 1 mắt lệch trục khi mắt còn lại đang nhìn vào vật tiêu.

Lác ngang gồm lác ngoài (khi mắt đưa ra ngoài), lác trong (khi mắt đưa vào trong). Lác đứng gồm lác trên (khi mắt lệch lên trên), lác dưới (khi mắt lệch xuống dưới).

Các triệu chứng khác: nhìn đôi, sụp mi, hạn chế vận nhãn, thị lực kém ở một hoặc cả 2 mắt.

Trẻ em trong vài tháng đầu đời có thể có biểu hiện lác do quá trình phát triển thị giác chưa hoàn thiện và lác có thể mất đi khi trẻ lớn lên.

Lác có thể đi kèm với tật khúc xạ, bệnh lý tại mắt như di chứng màng đồng tử, đục thể thủy tinh, các bệnh lý dịch kính - võng mạc hoặc các bệnh lý khác gây ảnh hưởng thần kinh - cơ như bệnh lý tuyến giáp, u não...

Các bệnh lý này có thể không có biểu hiện triệu chứng rõ ràng mà chỉ được phát hiện trên thăm khám lâm sàng và cận lâm sàng.

Điều trị

Tùy từng trường hợp bị lác mắt, bệnh nhân có thể áp dụng một hoặc phối hợp nhiều cách điều trị sau:

- Đeo kính để giúp mắt nhìn thẳng cho các trường hợp bị lé do quy tụ điều tiết hoặc kèm tật khúc xạ;

- Tập luyện: Tập quy tụ, tập liếc sang hướng ngược chiều mắt bị lé để tập cho mắt lé có thể nhìn chính xác vào các vật. Tiếp theo là tập trên máy chỉnh quang để hợp thị 2 mắt; Che mắt ở mắt khỏe hơn và tập nhìn mọi vật bằng mắt lé để cải thiện thị lực;

- Tiêm thuốc botulinum toxin cho các trường hợp lé thứ phát ở người lớn do liệt cơ vận nhãn trong thời gian chờ phẫu thuật. Phương pháp này giúp giải quyết tạm thời tình trạng song thị ở bệnh nhân;

- Phẫu thuật chỉnh lại cơ vận nhãn không cân bằng. Ở trẻ bị lác dai dẳng, phẫu thuật sớm giúp cải thiện cơ hội phục hồi hoặc tăng cường thị lực ở 2 mắt. Ở người lớn, phẫu thuật giúp khôi phục lại diện mạo bình thường, cải thiện thị lực 2 mắt, làm mất hoặc giảm nhìn đôi, cải thiện chức năng xã hội - giao tiếp.

Bệnh lác mắt nên được chẩn đoán và điều trị sớm để thu được kết quả trị liệu tốt hơn. Vì vậy, nếu trẻ hoặc người lớn có biểu hiện nhìn lệch, mắt lé, mắt hiếng, ngay nghiêng hoặc quay đầu khi nhìn, song thị,... cần đến ngay các cơ sở y tế chuyên khoa mắt để khám và điều trị.

Phòng ngừa

Không có cách nào để có thể phòng ngừa lác mắt nhưng một số thói quen sinh hoạt và phong cách sống có thể giúp hạn chế diễn tiến bệnh:

- Tuân thủ đúng lịch tái khám để được theo dõi diễn tiến các triệu chứng cũng như tình trạng sức khỏe của bạn

Đeo miếng che mắt hoặc đeo kính được bác sĩ chỉ định

Thông báo cho bác sĩ biết nếu bạn bị sốt hoặc đau và đỏ mắt sau khi phẫu thuật

Nếu bạn có bất kỳ câu hỏi nào, hãy tham khảo ý kiến bác sĩ để được tư vấn phương pháp hỗ trợ điều trị tốt nhất.

Thông Tin Cần Biết

Bệnh mắt khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY