Bệnh viêm amidan

Viêm amidan tuy không quá nguy hiểm nhưng nếu không có kiến thức đầy đủ về bệnh có thể khiến bệnh kéo dài dai dẳng, ảnh hưởng tới sinh hoạt hàng ngày.

Tổng quát về bệnh

Amidan là hai hạch bạch huyết nằm ở mỗi bên của mặt sau cổ họng, hoạt động theo cơ thể bảo vệ, giúp ngăn ngừa cơ thể khỏi nhiễm trùng. Khi amidan bị nhiễm trùng, bệnh được gọi là viêm amidan.

Viêm amidan có thể xảy ra ở mọi lứa tuổi, thường xuất hiện ở trẻ em trong độ tuổi từ mầm non đến trung học. Các triệu chứng của tình trạng viêm này bao gồm đau họng, sưng amidan và sốt.

Căn bệnh này rất dễ chẩn đoán, và những triệu chứng thường biến mất trong vòng 7-10 ngày.

Ảnh minh họa

Nguyên nhân

Viêm amidan có thể do virus gây ra, chẳng hạn như cảm lạnh thông thường hoặc do nhiễm khuẩn (thường là viêm họng liên cầu khuẩn). Theo Học viện Bác sĩ Gia đình Hoa Kỳ (AAFP), ước tính khoảng 15-30% trường hợp amidan bị viêm là do vi khuẩn, thường là vi khuẩn Streptococcus.

Trẻ em thường xuyên tiếp xúc gần gũi với nhiều người ở trường học, khiến chúng dễ bị phơi nhiễm nhiều loại virus và vi khuẩn khác nhau, đặc biệt là vi trùng gây viêm ở amidan.

Một số loại virus, vi trùng khác có thể gây ra viêm amidan như: H.influenzae, tụ cầu, xoắn khuẩn Vincent, đặc biệt là liên cầu khuẩn nhóm A (St.pyogenes). 

Ngoài virus, vi trùng, viêm amidan còn có thể do những nguyên nhân sau:

Do lối sống: Vệ sinh răng miệng kém, sống ở vùng nhiều khói bụi, ô nhiễm, thường xuyên hút thuốc lá, ...

Do tình trạng sức khỏe: Trẻ em còi xương, suy dinh dưỡng, người già ốm yếu, ...

Do môi trường: Thời tiết thay đổi thất thường.

Dấu hiệu

Có nhiều loại viêm amidan khác nhau, do đó các triệu chứng cũng rất đa dạng, bao gồm:

- Đau rát họng;

- Khó nuốt;

- Giọng nói bị khàn;

- Hơi thở hôi;

- Sốt;

- Ớn lạnh;

- Đau tai;

- Đau dạ dày;

- Nhức đầu;

- Cứng cổ;

- Hàm và cổ đau do sưng hạch bạch huyết;

- Amidan chuyển màu đỏ và sưng lên;

- Amidan có đốm trắng hoặc vàng.

Đặc biệt ở trẻ em, một số triệu chứng đặc biệt là dễ cáu kỉnh, chán ăn và chảy nhiều nước dãi.

Đau rát họng, khó nuốt,... là một trong những biểu hiện của viêm amidan. (Ảnh minh họa)

Khi nào nên gặp bác sĩ?

Trong những trường hợp hiếm hoi, viêm amidan sẽ làm cổ họng phình to đến mức khó thở. Nếu điều này xảy ra, bạn cần được chăm sóc y tế ngay lập tức.

Đi khám bác sĩ nếu gặp các triệu chứng sau:

- Sốt cao hơn 39,5 độ C;

- Cơ bị yếu;

- Cứng cổ;

- Đau họng không biến mất sau 2 ngày.

Đa phần viêm amidan sẽ tự biến mất, nhưng một số loại vẫn cần thêm các phương pháp điều trị khác.

Biến chứng

Những người bị viêm amidan mãn tính có thể bị ngưng thở khi ngủ. Điều này xảy ra khi đường hô hấp sưng lên và ngăn người bệnh thở dễ dàng khi ngủ.

Amidan bị nhiễm trùng nặng có thể sẽ lây lan đến các khu vực khác trong cơ thể. Nhiễm trùng cũng có thể khiến mủ tích tụ phía sau amidan.

Nếu một người không uống thuốc kháng sinh đầy đủ hoặc thuốc kháng sinh không tiêu diệt được vi khuẩn, có thể người đó sẽ phát triển các biến chứng. Các triệu chứng này bao gồm sốt thấp khớp và viêm cầu thận do poststreptococcal.

Phân loại bệnh

Có hai loại viêm amidan:

Viêm amidan cấp

Viêm amidan cấp là tổn thương viêm sung huyết và xuất tiết hoặc viêm mủ của tuyến amidan khẩu cái, thường do virut hoặc vi khuẩn gây nên. Nếu do virut gây bệnh thì thường là nhẹ; trái lại nếu do vi khuẩn thì bệnh nặng, đặc biệt là do liên cầu tan huyết β nhóm A thì càng nặng. Bệnh rất hay gặp ở trẻ em và thiếu niên.

Triệu chứng gồm: khởi bệnh đột ngột với cảm giác rét và gai rét rồi sốt 38 - 39 độ C; hội chứng nhiễm khuẩn, người mệt mỏi, nhức đầu, chán ăn, nước tiểu đỏ.

Bệnh nhân nuốt đau, nuốt vướng; có cảm giác khô rát và nóng ở trong họng, ở vị trí amidan; đau họng, đau nhói lên tai, đau tăng lên khi nuốt và khi ho. Khó thở, thở khò khè, ngáy to.

Khi viêm nhiễm lan xuống thanh khí phế quản, gây ho từng cơn có đờm nhầy, khàn tiếng và đau tức ngực. Khám thấy môi khô, lưỡi trắng bẩn.

Nếu do virut gây bệnh thì toàn bộ niêm mạc họng đỏ rực và xuất tiết trong, amidan sưng to và đỏ, các tổ chức bạch huyết thành sau họng cũng sưng to và đỏ. Có thể kèm theo các triệu chứng chảy mũi, ho, khàn tiếng, viêm kết mạc. Hạch dưới góc hàm không sưng to.

Nếu do vi khuẩn gây bệnh thì amidan sưng to và đỏ, trên bề mặt có những chấm mủ trắng hoặc mảng bựa trắng. Hạch dưới góc hàm sưng đau. Tuy nhiên, việc phân biệt viêm amidan do virut và vi khuẩn như trên chỉ có tính chất tương đối, vì một viêm amidan do virut có thể có những triệu chứng lâm sàng giống viêm amidan do vi khuẩn và ngược lại.

Có 2 loại viêm amidan là cấp tính và mạn tính. (Ảnh minh họa)

Viêm amidan mạn tính

Viêm amidan mạn tính là tình trạng viêm đi viêm lại tuyến amidan. Do sự phản ứng của cơ thể làm amidan to ra, đó là thể quá phát: 2 amidan to vượt qua hai trụ trước và sau, có khi gần chạm vào nhau ở đường giữa; niêm mạc họng đỏ nhẹ, trụ trước đỏ sẫm; trong các hốc có thể có mủ trắng.

Ngược lại ở người lớn tuổi, viêm đi viêm lại lại làm amidan xơ teo đi. Hai amidan nhỏ, bề mặt không nhẵn mà gồ ghề, lỗ chỗ, chằng chịt những xơ trắng; bề mặt amidan có những chấm mủ nhỏ; trụ trước, trụ sau dày và đỏ sẫm; ấn vào amidan có thể thấy mủ chảy ra từ các hốc.

Bệnh nhân hay sốt vặt; cảm giác ngứa vướng và rát trong họng, nuốt vướng, thỉnh thoảng phải khạc nhổ do xuất tiết. Hơi thở hôi do chất mủ chứa trong các hốc của amidan. Bệnh nhân thường ho khan từng cơn nhất là về buổi sáng khi mới ngủ dậy. Giọng nói mất trong, thỉnh thoảng khàn nhẹ.

Nếu amidan viêm mạn tính quá phát có thể thở khò khè, đêm ngủ ngáy to. Nếu amidan quá to có thể gây khó nuốt, khó thở, đặc biệt có thể gây ngưng thở khi ngủ ở trẻ nhỏ.

Điều trị

Với người lớn

Nghỉ ngơi, tự chăm sóc: Vì hầu hết các trường hợp viêm amidan ở người lớn là do virus, nên phương pháp điều trị là nghỉ ngơi và tự chăm sóc tại nhà. Các phương pháp tự chăm sóc thường được khuyến nghị bao gồm:

- Nghỉ ngơi càng nhiều càng tốt;

- Uống nhiều chất lỏng. Có thể uống trà thảo mộc với chanh và mật ong cũng tốt;

- Súc miệng bằng nước muối;

- Có thể dùng thuốc giảm đau hạ sốt thông thường để giảm đau và khó chịu;

- Ăn thức ăn mềm;

- Sử dụng viên ngậm giúp sát khuẩn và giảm đau họng.

Cắt amidan: Hầu hết các trường hợp viêm amidan ở người lớn sẽ khỏi trong vòng 1 tuần, nhưng ở một số người các đợt viêm amidan cấp tính thường xuyên tái phát.

Phẫu thuật cắt amidan được đặt ra với các trường hợp viêm amidan mạn tính có các biểu hiện sau:

- Viêm nhiều lần (thường là hơn 5 lần / năm);

- Gây biến chứng viêm tấy, áp-xe quanh amidan;

- Viêm quá phát gây khó thở, khó nuốt, khó nói;

- Gây biến chứng viêm mũi, viêm xoang, viêm tai giữa, viêm phế quản, viêm phổi, viêm tấy hạch dưới hàm hoặc thành bên họng...

- Gây các biến chứng xa: viêm màng tim, viêm cầu thận, viêm khớp, rối loạn tiêu hóa kéo dài, nhiễm khuẩn huyết.

Bên cạnh đó, các trường hợp viêm amidan ở người lớn có chỉ định phẫu thuật chỉ được thực hiện khi hoàn toàn không vi phạm các chống chỉ định như rối loạn đông máu hay có các bệnh nội khoa chưa ổn định như cao huyết áp, suy tim, suy thận, suy gan giai đoạn mất bù,..

Mặc dù cắt amidan sẽ chấm dứt vấn đề viêm amidan tái phát ở người lớn, nhưng các chỉ định cắt amidan ở người lớn vẫn cần cân nhắc thận trọng.

Với trẻ em

Đối với các trẻ bị viêm amidan do vi rút sẽ không dùng kháng sinh điều trị. Điều quan trọng nhất là việc chăm sóc trẻ về ăn uống để giữ gìn, nâng cao thể trạng hoặc có thể dùng thuốc giảm đau, hạ sốt nếu sốt cao, đau nhiều.

Ngoài ra, trẻ sẽ được vệ sinh dùng nước súc họng để tránh bội nhiễm vi khuẩn do amidan sau khi sốt vi rút.

Ảnh minh họa

Nếu bé bị viêm amidan do vi khuẩn cần phải dùng kháng sinh, giảm viêm, cộng với súc họng hoặc dùng thuốc hạ sốt, giảm đau vài hôm. Thông thường, trẻ dùng thuốc 5 hôm hoặc 7 hôm sẽ khỏi vì các vấn đề của amidan đã được giải quyết.

Trẻ điều trị không tốt hoặc để lâu sẽ dẫn đến tình trạng viêm amidan, áp xe xung quanh amidan, viêm tấy quanh amidan. Những trường hợp nặng như này, trẻ phải dùng đường tiêm truyền để điều trị.

80% nguyên nhân bệnh là do vi rút bởi vậy kháng sinh sẽ không dùng để điều trị. Nếu trẻ dùng kháng sinh điều trị bệnh do nguyên nhân môi trường, vi rút sẽ góp phần khiến trẻ bị kháng kháng sinh. Nguy cơ lâu dài sẽ lây nhiễm sang người kháng nếu có vi khuẩn kháng kháng sinh sau này.

Phòng ngừa

Viêm amidan là một bệnh thường gặp, gây các biến chứng nguy hiểm, vì vậy việc phòng bệnh rất quan trọng. Các biện pháp phòng bệnh hiệu quả gồm:

- Tránh bị lạnh bằng việc quàng khăn, mặc ấm.

- Không uống nước đá, ăn kem khi trời lạnh hoặc cơ thể đang yếu vì dễ mắc bệnh.

- Giữ vệ sinh răng miệng, mũi bằng việc đánh răng, súc miệng bằng nước muối sinh lý để tránh các viêm nhiễm.

- Đeo khẩu trang khi ra đường hay khi đến nơi đông người để tránh hít phải khói, bụi, mầm bệnh gây viêm hầu họng, amidan.

- Khám và điều trị tích cực các bệnh tai - mũi - họng, răng - hàm - mặt.

- Nâng cao sức đề kháng của cơ thể bằng việc rèn luyện thân thể, dinh dưỡng hợp lý, tránh bị nhiễm lạnh.

Thông Tin Cần Biết

Trẻ bị viêm amidan phải xử lý như thế nào?

Trẻ bị viêm amidan phải xử lý như thế nào?

Tình trạng trẻ bị viêm amidan ở độ tuổi học đường là khá phổ biến. Thông thường, viêm amidan có thể tự khỏi nhưng trong một số trường hợp viêm amidan có thể gây nên các biến chứng nguy hiểm.

Bệnh tai mũi họng khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY