Bệnh viêm xoang

Xoang có chức năng rất quan trọng trong cơ thể, cho nên không được chủ quan trước những dấu hiệu liên quan đến bệnh.

Viêm xoang là gì?

Viêm xoang là bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại, do hiện tượng nhiễm trùng của các xoang. Đây là tình trạng nhiễm trùng của màng niêm mạc lót trong lòng các xoang gây ra bởi vi trùng, siêu vi trùng hay dị ứng dẫn tới phù nề, thu hẹp đường kính các lỗ xoang làm cho mủ và dịch viêm ứ đọng trong xoang do không thoát được ra ngoài.

Xoang có sự liên hệ mật thiết với mũi, và mũi là nơi tiếp xúc thường xuyên của cơ thể với môi trường bên ngoài cho nên khi môi trường không tốt sẽ gây mũi và một thời gian sau xoang cũng bị viêm. Viêm xoang là bệnh rất thường gặp ở các nước có khí hậu nhiệt đới gió mùa.

Và Việt Nam là một trong những nước có tỉ lệ viêm xoang khá cao, vì khí hậu ẩm ướt tạo điều kiện để vi trùng, siêu vi trùng gây bệnh phát sinh, phát triển. Bệnh thường xảy ra vào lúc giao mùa, nhất là mùa xuân và thường hay gặp ở người lớn, trẻ em ít bị viêm xoang hơn. Bệnh này dễ tái phát và thường phải điều trị trong một thời gian dài.

Viêm xoang là bệnh phổ biến trong xã hội hiện đại. (Ảnh minh họa)

Phân loại viêm xoang

Viêm xoang có 2 dạng chính là viêm xoang cấp tính và viêm xoang mãn tính. Viêm xoang cấp tính thường xảy ra ở xoang sàng, xoang trán, xoang bướm và viêm đa xoang.

Viêm xoang là một bệnh lý nhiễm trùng nên thường có những dấu hiệu như đau nhức, sốt, chảy dịch, nghẹt mũi hay điếc mũi. Tuy nhiên, việc phát hiện bệnh rất khó khăn vì những dấu hiệu đặc trưng của bệnh không rõ ràng, nhất là ở giai đoạn đầu.

Nguyên nhân gây viêm xoang

Có nhiều nguyên nhân gây nên viêm xoang như:

- Bị viêm nhiễm làm cho sự lưu thông không khí giữa các xoang bị ứ trệ, chất nhầy ở niêm mạc các xoang tiết ra không được lưu thông tạo điều kiện thuận lợi cho vi sinh vật phát triển. 

- Đối với vi khuẩn thì có một số bình thường sống ký sinh ở trong xoang không gây bệnh, nhưng khi gặp điều kiện thuận lợi thì chúng trở nên gây bệnh (ví dụ do niêm mạc xoang bị tắc nghẽn, bị viêm nhiễm do virút…). Người ta gọi  các loại vi khuẩn này là vi khuẩn gây bệnh cơ hội. 

- Viêm xoang cũng hay gặp ở những người bệnh có cơ địa dị ứng (gặp phải thức ăn có tính chất gây dị ứng, phấn hoa, hóa chất, đang bị dị ứng như: mề đay, chàm, tổ đỉa, viêm da dị ứng, viêm mũi dị ứng kéo dài…) làm cho niêm mạc các xoang bị phù nề gây chít hẹp hoặc tắc nghẽn tạo điều kiện cho vi sinh vật phát triển rồi gây bệnh. 

- Người ta cũng gặp viêm xoang do bị sâu răng, nhiễm trùng răng, đặc biệt là ở hàm trên; người có sức đề kháng kém như người cao tuổi, trẻ em còi xương suy dinh dưỡng, những người mắc bệnh đường hô hấp mạn tính kéo dài (viêm phế quản mạn tính, hen phế quản, giãn phế quản…). 

- Những người dùng kháng sinh không hợp lý làm cho vi khuẩn kháng lại kháng sinh cũng rất có thể bị viêm xoang.

Ngoài ra, người ta thấy môi trường sống không trong sạch, khói bụi, khói bếp, khói thuốc lá cũng là những yếu tố thuận lợi dẫn đến viêm xoang.

Dấu hiệu viêm xoang

Những dấu hiệu đặc trưng chỉ xuất hiện khi bệnh đã vào giai đoạn nặng.

Đau nhức

Vùng xoang viêm có cảm giác đau nhức và tùy thuộc xoang bị viêm ở vùng nào thì cảm giác đau nhức sẽ xuất hiện ở vùng đó. Nếu bị viêm xoang hàm sẽ cảm thấy đau nhức ở vùng má, viêm xoang trán thì đau nhức khu vực ở giữa 2 lông mày và đau trong một khung giờ nhất định. Nếu viêm xoang sàng trước thì người bệnh sẽ cảm thấy đau nhức ở giữa 2 mắt, nếu viêm xoang sàng sau và xoang bướm sẽ cảm thấy nhức trong sâu và vùng gáy.

Hiện tượng chảy dịch

Khi xoang bị viêm, thường có hiện tượng chảy dịch, dịch nhày có thể chảy ra phía mũi hoặc xuống họng tùy thuộc vào vị trí xoang bị viêm. Nếu bệnh nhân bị viêm xoang trước dịch sẽ chảy ra mũi trước, nếu bị viêm xoang sau dịch chảy xuống họng. Khi bị chảy dịch, mũi bệnh nhân luôn phải khụt khịt hay cảm thấy khó chịu ở cổ họng, muốn khạc nhổ liên tục. Tùy vào tình trạng mức độ của bệnh mà dịch sẽ có màu trắng, đục, vàng nhạt hay màu xanh, có mùi hôi cực kỳ khó chịu.

Ảnh minh họa

Nghẹt mũi

Đây là hiện tượng đặc trưng không thể thiếu khi bị viêm xoang. Người bệnh có thể bị nghẹt 1 hay cả 2 bên, đồng thời thấy khó thở, khó chịu trong người và mệt mỏi.

Điếc mũi

Khi xoang bị viêm, nếu không được chữa trị sớm và tích cực thì bệnh sẽ trở nên nặng, nó gây phù nề nhiều, người bệnh không còn phân biệt được mùi khi ngửi do thần kinh khứu giác không còn cảm nhận được mùi.

Ngoài ra, viêm xoang còn có thể có một số dấu hiệu khác như đau đầu, có thể có sốt nhẹ hay sốt cao, khi nghiêng người về phía trước sẽ có cảm giác chóng mặt hay choáng váng, đau xung quanh vùng mắt theo từng cơn và nhịp mạch đập. Đau nhức mỗi khi hắt hơi mạnh, người bệnh không thể tập trung, không muốn ăn. Nếu viêm xoang nặng có thể bị viêm thần kinh mắt dẫn tới mờ mắt.

Biến chứng của viêm xoang

Biến chứng của bệnh viêm xoang thường rất nặng, có thể đe dọa đến tính mạng của bệnh nhân. Viêm dây thần kinh hốc mắt, viêm họng, viêm phế quản, viêm màng não, áp-xe não, viêm tắc tĩnh mạch xoang hang, viêm xương... là các biến chứng đáng lưu ý của căn bệnh này.

Các biến chứng tùy thuộc vào lứa tuổi, cơ địa bệnh nhân và vị trí bị viêm nhiễm. Thường những người bị suy giảm miễn dịch, mắc các bệnh mãn tính như đái tháo đường, bệnh polype mũi, lệch vách ngăn mũi hay người bị nhiễm cầu khuẩn Streptococcus, Stapylocossus rất dễ gặp biến chứng nguy hiểm khi bị viêm xoang. Trường hợp viêm xoang do nấm ít gặp biến chứng.

Biến chứng ở mắt

Những biến chứng ở mắt thường rất dễ xảy ra, do phía trước hốc mắt là xoang hàm, phía trên là xoang trán, phía trong là xoang sàng và xoang bướm. Nguyên nhân chủ yếu là do viêm xoang sàng, một số ít là viêm xoang hàm, với xoang trán ít gặp hơn. Quá trình viêm nhiễm lan tỏa hoặc theo đường mạch máu từ xoang qua hốc mắt gây nên các biến chứng tại mắt.

Viêm mô liên kết quanh hốc mắt: Thường gặp ở người viêm xoang cấp tính. Bệnh nhân đau nhức mắt dữ dội, đau xuyên lên đỉnh đầu. Mi mắt sưng phù. Viêm nhiễm có thể lan cả vùng thái dương khiến khó khám nhãn cầu và đánh giá mức độ lồi mắt.

Viêm dây thần kinh thị giác: Gặp đến 60% trường hợp do viêm xoang sàng sau và xoang bướm. Thị lực bệnh nhân đột nhiên giảm hẳn mà khám chuyên khoa mắt, soi đáy mắt không tìm thấy nguyên nhân.

Áp-xe mi mắt: Do viêm xoang trán hoặc xoang sàng gây áp-xe mi trên, hay viêm xoang hàm gây áp-xe mi dưới. Mí mắt sưng to, nóng, đỏ, đau, kết mạc xung huyết. Túi mủ sẽ vỡ ra sau 4 - 5 ngày.

Áp-xe túi lệ: Tình trạng này thường gặp trong viêm xoang cấp do xương lệ mỏng và có ống lệ tỵ thông mắt với mũi xoang. Biểu hiện là góc trong mắt sưng nề, đỏ lan đến mi mắt và toàn bộ kết mạc. Bệnh nhân sốt và nhức mắt, khi mủ vỡ ra thì có thể hết nhức và tạo ra lỗ dò mạn tính sau này.

Ảnh minh họa

Viêm họng mạn tính

Bệnh nhân thường đau họng, nuốt vướng do dòng mủ liên tục từ xoang chảy xuống họng. Ngoài ra, các triệu chứng thường thấy là đầy bụng, ợ hơi, nghẹt thở, đánh trống ngực… Bệnh nhân thường bị chẩn đoán nhầm là đau dạ dày.

Viêm phế quản mạn tính

Viêm xoang hàm và xoang sàng thường gây ra biến chứng này. Bệnh nhân không nhức đầu, không nghẹt mũi mà đi khám vì ho, khạc ra đờm đôi khi cả máu, sốt nhẹ về chiều, ăn kém ngon. Triệu chứng giống với bệnh lao nhưng khi xét nghiệm đờm, chụp phổi, tốc độ máu lắng, BCG test… đều không có biểu hiện bệnh lao. Khám tai mũi họng thấy mủ ở khe giữa, X-quang Blondeau, Hirtz thấy hình ảnh mờ xoang.

Viêm màng não

Viêm màng não có thể xuất hiện tự phát hoặc sau phẫu thuật. Bên cạnh viêm màng não điển hình còn có thể viêm màng nhện. Trong thể này không có sự thay đổi của dịch não tủy, không sốt mà màng nhện và màng nuôi dính lại và tạo thành một lớp bọc chặt lấy dây thần kinh sọ gây đau đầu, mờ mắt, ù tai…

Áp-xe não, viêm não

Vỏ não có thể bị viêm vùng tiếp xúc với thương tổn màng não, thương tổn xương. Quan trọng nhất là áp-xe đại não, thùy trán. Dấu hiệu thay đổi tính tình xuất hiện sớm nhất. Các triệu chứng định khu như liệt ít xuất hiện. Hội chứng viêm nhiễm và tăng áp lực sọ não thường xuất hiện rất rõ. Tiên lượng không tốt khi có áp-xe thùy trán.

Viêm tắc tĩnh mạch hang

Có thể do viêm xoang bướm hay do viêm tấy ổ mắt gây ra. Triệu chứng bệnh xuất hiện một cách ồ ạt, sốt cao, rét run, nhức đầu, cứng gáy. Màng tiếp hợp bị phù nề, đỏ bầm, nhãn cầu lồi phía trước, kém di động, gai mắt nề. Bệnh thường lan nhanh ra hai bên mắt. Tiên lượng rất nặng, trước khi có kháng sinh thì tỉ lệ tử vong rất cao.

Biến chứng xương

Nguyên nhân thường do viêm tắc mạch máu ở xương trán, sọ. Bệnh bắt đầu ở xương trán và lan rộng dần ra các xương khác của sọ như xương thái dương, xương đỉnh… Bệnh nhân đau nhức ở xương trán sau đó thấy sưng một vùng xoang trán, hình thành ổ áp-xe. Rạch ổ áp-xe thấy xương trán bộc lộ màu xám, dễ chảy máu do viêm. Dưới lớp xương viêm nếu dùng kìm cắt xương thấy mủ trong xương, dưới là lớp màng não cứng. Quá trình viêm có thể lan rộng ra các xương nếu không điều trị kịp thời.

Điều trị viêm xoang

Điều trị viêm xoang không hề dễ dàng dù có nhiều phương pháp tùy theo triệu chứng và mức độ bệnh nặng nhẹ, mới mắc hay đã trở thành mãn tính, có biến chứng hay không.

Ở mức độ nhẹ, bệnh nhân có thể dùng thuốc giảm đau đơn giản, xông hơi, rửa mũi bằng nước muối sinh lý ấm kết hợp với việc thay đổi lối sống như ăn uống nóng, nghỉ ngơi, thư giãn nhiều hơn.

Sau 2 ngày, nếu các triệu chứng không cải thiện hoặc đau tăng thêm thì nên đến bác sĩ để được chẩn đoán và có thể cho dùng thuốc kháng sinh, kháng viêm. Bệnh nhân được chỉ định chọc rửa xoang hàm khi bị viêm bán cấp và viêm mãn.

Điều trị ngoại khoa thường được áp dụng khi điều trị nội khoa không hiệu quả, thường gặp ở các bệnh nhân bị viêm xoang mạn tính. Tuy nhiên, sau phẫu thuật vẫn có 30 - 40% bệnh nhân tái phát. Bệnh nhân nên cân nhắc việc phẫu thuật nếu chưa cần thiết.

Việc tái phát viêm xoang tùy theo cơ địa, tùy loại viêm xoang và tùy thuộc việc bệnh nhân có tuân thủ các hướng dẫn điều trị, theo dõi của bác sĩ hay không.

Lưu ý nếu bệnh nhân bị bệnh viêm xoang không được điều trị đúng mức có thể dẫn đến các biến chứng như: viêm phế quản mãn tính hay lao phổi giả (mủ từ xoang viêm chảy xuống họng, ho, khạc đàm có lẫn máu, sốt nhẹ về chiều), viêm họng mạn tính (rát họng, vướng họng, thường phải nuốt liên tục nên đôi khi có cảm giác nghẹn thở), biến chứng ở mắt (viêm dây thần kinh thị giác sau nhãn cầu, mắt mờ, thị lực giảm rất nhanh, viêm tấy ổ mắt, viêm mí mắt, viêm túi lệ), viêm xương sọ, viêm màng não (nhức đầu, cứng gáy, nôn), viêm tắc tĩnh mạch hang (sốt cao, rét run, nhức đầu, cứng gáy, lồi mắt, giãn tĩnh mạch vùng trán và mí mắt), áp-xe não, viêm não.

Phòng ngừa sớm bệnh viêm xoang

Để ngừa viêm xoang, chúng ta phòng tránh và điều trị sớm khi bị cảm cúm. Có thể chích ngừa cúm mỗi năm, rửa tay thường xuyên, nhất là sau khi bắt tay người khác. Nên ăn nhiều trái cây, rau cải và giảm stress trong cuộc sống.

Ngoài ra, hạn chế tối đa tiếp xúc với gió, bụi, khói (thuốc lá, nhang trừ muỗi, nhang bàn thờ, khói xe…), hơi hóa chất, máy lạnh, quạt máy…

Không để nghẹt mũi kéo dài, điều trị dị ứng kịp thời và đúng cách. Bệnh nhân không nên tự ý dùng thuốc, nhất là thuốc xịt mũi, nhỏ mũi.

Mỗi người nên vệ sinh mũi bằng cách dùng dung dịch nước muối sinh lý đẳng trương hoặc ưu trương dạng xịt hoặc dạng nhỏ có bán nhiều trên thị trường, dùng trong những trường hợp bị nghẹt mũi. Dung dịch đẳng trương hiệu quả trong làm loãng dịch tiết trong mũi và bệnh nhân có thể xì mũi dễ dàng, có thể sử dụng lâu dài, không có tác dụng phụ, dùng 1 ngày 2 - 3 lần, rất tốt cho niêm mạc mũi.

Việc xịt mũi phải thực hiện đúng cách, dùng một ngón tay bịt một bên mũi rồi xì ra nhẹ nhàng. Nếu mũi đặc phải nhỏ hoặc xịt bằng nước muối sinh lý để làm dịch loãng ra.

Sau khi đi bơi xong cần chú ý vệ sinh mũi sạch sẽ.

Cuối cùng là có chế độ ăn uống, nghỉ ngơi, rèn luyện thân thể hợp lý để nâng cao thể lực, phòng chống cảm cúm.

Khi sổ mũi kéo dài trên 3 ngày, nước mũi có màu vàng hoặc màu xanh thì nên đi khám bác sĩ chuyên khoa sớm để điều trị kịp thời.

Thông Tin Cần Biết

Bệnh tai mũi họng khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY