Nguyên nhân và cách điều trị bệnh viêm họng

Tổng quát

Viêm họng là tình trạng viêm nhiễm niêm mạc họng và hầu. Khi bị bệnh, bạn sẽ cảm thấy đau rát ở cổ họng, đặc biệt là khi nuốt. Thông thường, bệnh sẽ tự khỏi hẳn sau một tuần, mà không để lại biến chứng gì. Đối với những trường hợp nặng, bệnh có thể gây viêm amidan. Bệnh có thể tồn tại ở dạng cấp tính hay mãn tính.

Dấu hiệu

Người bệnh có cảm giác ớn lạnh, gai rét kèm theo đau mỏi người (virus). Hội chứng nhiễm khuẩn: sốt, môi khô, lưỡi bẩn (vi khuẩn). Cảm giác khô họng, rát họng, đau họng, nuốt đau nhói lên tai, ho khan trong giai đoạn đầu sau đó ho có đờm.

Người bệnh có cảm giác khô rát họng, đau họng khi bị viêm họng.

Khi khám, bác sĩ sẽ thấy niêm mạc họng đỏ, tăng xuất tiết; nếu do vi khuẩn trên niêm mạc họng và amidan sẽ có giả mạc màu trắng hoặc vàng xám bao phủ.

Bệnh viêm họng cấp thường diễn ra trong vòng 3 - 4 ngày, nếu sức đề kháng tốt hoặc được điều trị đúng, bệnh sẽ lui dần, các triệu chứng trên sẽ mất đi rất nhanh.

Nhưng khi sức đề kháng yếu (trẻ em, người cao tuổi), không được chữa trị kịp thời, bệnh diễn biến phức tạp hơn, nặng hơn và có thể gây biến chứng như viêm tai, viêm mũi, viêm thanh quản, viêm phế quản, viêm xoang hoặc nhiễm khuẩn huyết hoặc viêm phổi nặng hoặc trở thành viêm họng mạn tính. Trong trường hợp viêm họng do vi khuẩn liên cầu nhóm A, có thể gây nên bệnh thấp tim tiến triển hoặc viêm cầu thận cấp.

Nguyên nhân

Có 2 nguyên nhân chính gây ra viêm họng là do nhiễm virút hay vi khuẩn.

Nhiễm virút: nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm họng (chiếm 40 - 80%), sau khi bị mắc các bệnh do virút gây ra như: cảm, cúm, sởi…

Nhiễm vi khuẩn: nguyên nhân ít gặp hơn (chiếm 5 - 10%), do vi khuẩn streptococcus (liên cầu khuẩn) gây ra. Liên cầu khuẩn gây ra viêm họng với các bệnh lý viêm nhiễm đường hô hấp trên (viêm thanh quản, viêm amiđan…).

Ngoài ra, viêm họng còn có thể do các nguyên nhân khác gây ra như: dị ứng (với phấn hoa, lông súc vật…), kích ứng với khói thuốc lá, thay đổi thời tiết, môi trường sống bị ô nhiễm, nói chuyện hay la hét nhiều, biến chứng của bệnh lý trào ngược dạ dày - thực quản…

Nguyên nhân chủ yếu gây ra viêm họng là do virút gây ra.

Các yếu tố nguy cơ

Tuổi tác: trẻ em và lứa tuổi thanh thiếu niên (từ 5 - 15 tuổi) thường hay bị viêm họng do nhiễm khuẩn.

Dị ứng: người có cơ địa dị ứng với bụi, phấn hoa, nấm mốc… cũng dễ bị viêm họng.

Môi trường sống: người sống trong môi trường bị ô nhiễm hay nhiều khói thuốc lá cũng rất dễ bị viêm họng.

Bệnh lý: các bệnh lý viêm xoang, trào ngược dạ dày - thực quản… cũng dễ gây ra viêm họng.

Hệ miễn dịch của cơ thể bị suy yếu: tạo điều kiện thuận lợi cho sự tấn công của virút, vi khuẩn gây ra viêm họng.

Biến chứng

Viêm họng do nhiễm khuẩn nếu không được điều trị kịp thời có thể gây ra các biến chứng nhiễm trùng tai, viêm xoang, viêm amiđan… và đặc biệt nguy hiểm như: sốt thấp khớp (ảnh hưởng đến khớp và van tim), viêm cầu thận.

Điều trị

Sử dụng thuốc

Nhóm thuốc giảm đau, hạ sốt (paracetamol, aspirin) thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng do viêm họng gây ra như: sốt, đau họng, khó nuốt.

Nhóm thuốc kháng viêm NSAID (ibuprofene, diclophenac…) thường được sử dụng để làm giảm các triệu chứng viêm (sưng, nóng, đỏ, đau) do viêm họng gây ra.

Nhóm thuốc kháng viêm corticosteroid (prednisolon, dexamthason, betamethason…): thường được sử dụng trong điều trị viêm họng ở tình trạng nặng.

Dung dịch súc miệng: trong thành phần thường có chứa các chất kháng khuẩn, kháng viêm và chất gây tê cục bộ. Giúp giảm đau và loại bỏ vi khuẩn ra khỏi miệng.

Thuốc viên ngậm trị đau họng: có tác dụng giảm đau và trị nhiễm khuẩn miệng, họng, trong thành phần thường có chứa kháng sinh, kháng khuẩn, kháng viêm và chất gây tê cục bộ.

Nhóm thuốc kháng sinh: thuốc được sử dụng chủ yếu trong điều trị viêm họng nhiễm khuẩn, giúp ngăn chặn sự phát triển của vi khuẩn và ngăn ngừa các biến chứng. Các thuốc kháng sinh có thể sử dụng ở dạng thuốc viên hay thuốc chích. Sau đây là một số nhóm thuốc kháng sinh thường được sử dụng:

Nhóm thuốc beta-lactamin: amoxicillin kết hợp với axít clavulanic, cephalexin, ceftriaxone…

Nhóm thuốc macrolid: clarithromycin, erythromycin, azithromycin…

Đối với viêm họng do virút, thuốc kháng sinh không có tác dụng điều trị.

Cách chữa trị tại nhà

Đối với trường hợp nhẹ, chế độ ăn uống và sinh hoạt hợp lý sẽ giúp bạn khắc phục được chứng bệnh này. Dưới đây là một số cách chữa trị đơn giản ngay tại nhà, mà bạn có thể áp dụng ngay:

- Súc miệng bằng nước muối ấm: Muối có tác dụng sát khuẩn, làm giảm cảm giác đau rát đồng thời có tác dụng làm sạch khoang miệng rất tốt. Vì vậy, bạn có thể tự pha nước muối ấm ngay tại nhà để súc miệng. Chỉ với một thìa muối hòa vào 237ml nước lọc thì bạn đã có ngay dung dịch nước muối. Khi họng bị đau rát, bạn nên súc miệng với dung dịch này ít nhất một lần mỗi giờ.

- Uống trà gừng mỗi ngày: Gừng là một vị thuốc dùng trong Đông Y có tác dụng tiêu viêm, kháng khuẩn. Ngoài ra gừng còn có khả năng làm sạch dịch đờm giúp thông thoáng mũi họng. Vì vậy bạn có thể cho một vài lát gừng tươi vào một ly nước ấm và uống đều đặn mỗi ngày. Để có mùi vị thơm ngon hơn, bạn có thể thêm vào một muỗng mật ong và nước cốt chanh.

- Sử dụng máy tạo độ ẩm: Nếu không khí khô quá mức, các triệu chứng của bệnh sẽ trở nên trầm trọng hơn. Lúc này, chỉ cần điều chỉnh độ ẩm căn phòng bằng cách sử dụng máy tạo độ ẩm, nhất là trong phòng sử dụng điều hòa hoặc vào mùa hanh khô. Ngoài ra, một số máy còn trang bị thêm hệ thống lọc không khí, hạn chế sự tấn công của bụi bẩn vào cổ họng và làm giảm cảm giác đau rát.

Phòng ngừa

Sát khuẩn cổ họng bằng nước muối

Nước muối có tác dụng sát khuẩn rất tốt. Chính vì vậy, để phòng ngừa viêm họng, ho nhiều, bạn nên sử dụng nước muối mỗi ngày. Tuy nhiên, bạn chỉ nên sử dụng các loại muối sạch đã được tinh chế và không nên pha nước muối quá mặn bởi sẽ làm tổn thương đến vòm họng.

Uống nhiều nước

Nước là thành phần không thể thiếu đối với sự sống con người và có rất nhiều tác dụng tốt. Khi bạn uống nhiều nước, đặc biệt là nước ấm, cổ họng sẽ được xoa dịu và nhanh chóng làm dịu các cơn đau do viêm họng gây ra.

Xây dựng chế độ ăn uống khoa học

Khi cơ thể được cung cấp đầy đủ các chất dinh dưỡng sẽ hạn chế được những tác động xấu từ bệnh tật. Theo đó, bạn nên đặc biệt chú ý đến chế độ ăn uống hàng ngày, sử dụng nhiều trái cây tươi, rau củ quả chứa nhiều vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, bạn nên tránh xa các loại thức ăn cay nóng và đồ uống chứa nhiều chất kích thích.

Thực hiện lối sống lành mạnh

Người bị viêm họng, ho nhiều, đau họng nên thường xuyên đánh răng 2 lần/ngày. Nếu không duy trì việc đánh răng thường xuyên, các loại vi khuẩn sẽ sinh sôi trong khoang miệng và khiến cho vùng cổ họng bị viêm và đau.

Nếu phải làm việc trong điều kiện môi trường bị ô nhiễm, bạn cần phải đeo khẩu trang để  đường hô hấp không phải chịu tác nhân xấu từ các chất độc hại cũng như khói bụi. Ngoài ra, việc đeo khẩu trang sẽ hạn chế được những yếu tố gây dị ứng như lông của động vật, phấn hoa…

Khi thời tiết chuyển lạnh đột ngột, bạn nên bảo vệ vùng cổ họng một cách cẩn thận. Đồng thời, bạn tuyệt đối không nên uống quá nhiều nước đá và ngồi điều hòa quá lạnh.

Thông Tin Cần Biết

Cảnh giác với bệnh lý viêm họng, viêm thanh quản

Cảnh giác với bệnh lý viêm họng, viêm thanh quản

Viêm họng, viêm thanh quản, viêm xoang… là những bệnh lý rất dễ gặp trong mùa nắng nóng do nhiều nguyên nhân từ khách quan đến chủ quan mà mỗi người cần biết để chủ động phòng tránh và sống...

Bệnh tai mũi họng khác

Tin hay đừng bỏ lỡ

TIN MỚI TRONG NGÀY