Đảm bảo những món ăn này sau Tết sẽ giúp cả nhà ngon miệng hơn, đỡ ngán ngấy.
1. NEM NƯỚNG
Nguyên liệu:
- 200g giò sống
- 300g thịt xay nạc lẫn mỡ (mua nạc dăm/ vai giòn là ngon nhất)
- Hỗn hợp ướp: 2 củ hành, 1 củ tỏi, 1/2 củ sả, một ít tiêu, 1 thìa ăn cơm dầu hào (dùng dầu hào chay rất ngon), 1 thìa dầu ăn, 1 thìa mè chưa rang + 1 thìa bột hạt điều/ dầu hạt điều.
- 10-15 cây sả, bóc bớt vỏ già, rửa sạch, để ráo
- Các đồ ăn kèm: Bún, rau sống các loại, bánh tráng
Cách làm:
Bước 1: Làm sốt ướp
Hành và tỏi bóc vỏ rửa sạch. Giã nát hành, tỏi và sả, cho ra bát. Lưu ý hành tỏi, sả giã sẽ thơm hơn là băm. Sau đó thêm một ít tiêu, 1 thìa ăn cơm dầu hào (dùng dầu hào chay rất ngon), 1 thìa dầu ăn, 1 thìa mè chưa rang + 1 thìa bột hạt điều/ dầu hạt điều.
Tất cả trộn đều lên.
Bước 2: Làm phần thịt
Thịt và giò sống trộn đều trong một bát.
Sau đó cho vào thịt băm vào giò. Đổ hỗ hợp sốt ướp vào, trộn thật đều.
Cho thêm 1 thìa ăn cơm bột năng vào đeo gang tay nhào trộn đều. Hỗn hợp thịt và giò lúc này dẻo dính.
Bước 3: Bọc sả
Nắm một ít thịt giò lên rồi nắm vào cây sả làm để thịt bao bọc đều cây sả.
Bước 4: Nướng
Sau đó xếp các phần thịt bọc sả vào nồi chiên không dầu. Cài nhiệt độ 165 độ C, nướng nem trong vòng 15 phút là chín. Nếu không có nồi chiên không dầu bạn có thể nướng lò hoặc nướng than hoa. Nướng than hoa thì nem nướng sẽ rất thơm.
Từng que nem nướng vàng ươm, thơm nức, đánh thức vị giác của bất kỳ ai đang cảm thấy chán ăn.
Khi ăn, xếp rau thơm, bún, cuối cùng là nem nướng lên bánh tráng, cuộn lại chấm với nước mắm chua chua ngọt ngọt cay nhẹ hấp dẫn vô cùng.
2. CÁ NƯỚNG LÁ CHUỐI
Nguyên liệu:
- 500g cá rô phi phi lê
- 5-7 củ sả; 2 củ hành
- 1 củ tỏi; 1 nhánh gừng; 2 quả ớt hiểm
- Gia vị: Dầu hào, dầu ăn, bột nghệ, bột canh, bột nêm.
- Khế, chuối xanh, rau thơm ăn kèm
- Nem cuốn
- Lá chuối (nếu ở thành phố, bạn có thể tìm mua ở các hàng bán các loại rau thập cẩm)
Cách làm:
Cá phi lê sau khi làm sạch dùng khăn thấm khô và cắt làm 2-3 miếng cỡ vừa (không nên cắt bé vì cá sẽ bị nát).
Sả, hành, tỏi bóc lớp vỏ ngoài, cắt sả thành miếng nhỏ rồi cho vào xay nhuyễn cùng với ớt hiểm.
Đổ hỗn hợp vừa xay ra bát trộn cùng với 2 thìa dầu hào, 2 thìa dầu ăn, 1 thìa bột nêm, 1 thìa hạt tiêu, 1 thìa bột canh, 1 ít gừng thái chỉ. Trộn đều thành khối đồng nhất.
Cho phần hỗn hợp này vào cá, sát phần gia vị đều lên cá và ướp cá khoảng 30 phút trước khi nướng.
Lá chuối rửa sạch, lau khô. Đặt cá vào giữa rồi gấp lại.
Xếp cá nướng vào vỉ và nướng (bạn có thể nướng bằng lò nướng ở nhiệt độ 200 độ C). Khi thấy lớp lá chuối ngoài khô, giòn, có mùi thơm là cá chín.
Cá chín, xếp ra đĩa ăn kèm với bún chấm mắm gừng chua ngọt.
3. XÀ LÁCH CUỘN THỊT
Nguyên liệu:
- 1 miếng thịt ba chỉ ít mỡ (khoảng hơn 1 kg)
- 1 muỗng cà phê muối
- 1 củ hành tím; 1 nhánh sả đập dập
- 1 muỗng canh dấm
- Bún tươi
- Xà lách, cà rốt bào, các loại rau thơm, dưa leo thái miếng, hẹ chần sơ qua nước sôi.
- Phần sốt chấm: 2 muỗng canh đầy sốt tương đen (hoi sin sause); 1 muỗng canh bơ đậu phộng; 1 trái ớt băm; 1 tép tỏi băm; 1 củ hành tím băm; 1 muỗng canh đậu phộng rang giã nhỏ; 100 -140ml nước; 1 muỗng cà phê đường; 1/3 muỗng cà phê bột nêm.
Cách làm:
Bắc chảo lên bếp, cho vào 1 muỗng canh dầu, chờ dầu nóng cho hành tím và tỏi vào xào thơm. Sau đó cho tương đen vào xào sơ 1 phút. Tiếp đến cho bơ vào đảo đều. Cuối cùng cho nước cùng cà gia vị vào khuấy chung. Nấu sôi, nêm nếm lại cho vừa ăn là tắt bếp.
Thịt ba chỉ rửa sạch, cạo sạch phần bẩn bám trên da. Nấu 1 nồi nước, khi nước sôi, cho miếng thịt vào luộc 5 phút. Sau đó vớt thịt ra rửa sạch. Bây giờ cho 1 lượng nước vào nồi với dấm, muối, sả và hành cùng miếng thịt vào, bắc lên bếp nấu lửa vừa. Chúng ta luộc thịt khoảng 45-50 phút.
Lưu ý: Thời gian tùy theo miếng thịt để miếng to hay thái miếng nhỏ. Nhớ là đừng luộc thịt quá chín sẽ mất ngon. Khi thịt chín vớt thịt ra ngâm vào âu nước đá lạnh 2 phút trước khi thái miếng.
Thịt chín vớt ra chờ nguội thì thái lát mỏng.
Trải lá xà lách ra dĩa, xếp thịt, rau thơm, dưa leo, chút bún và cà rốt. Nhẹ nhàng cuộn tròn. Dùng cọng hẹ cột chính giữa là hoàn tất.
Xếp các miếng xà lách cuộn thịt ra đĩa, khi ăn chấm với sốt tương đậu phộng.
4. BÚN ĐẬU MẮM TÔM
Nguyên liệu:
- Đậu phụ: 10 bìa
- Thịt ba chỉ: 300g
- Đế sun: 300g (Có thể thay bằng tràng luộc)
- Mắm tôm, đường, dấm, rượu trắng, chanh, ớt
- Bún lá: 1kg
- Rau thơm: kinh giới, tía tô, húng láng, rau mùi, dưa chuột chẻ.
Cách làm:
- Đậu cắt miếng mỏng vừa phải rán giòn, vàng đều hai mặt rồi xếp ra đĩa. Hoặc để nguyên cái rán vàng rồi mới cắt nếu thích ăn mềm hơn.
- Thịt ba chỉ chọn miếng không nạc không mỡ quá, các khối mỡ và nạc dính vào nhau, thái miếng dài khổ ngang chừng 3cm. Cho thịt và sụn vào nồi đổ ngập nước, đun sôi hớt váng bọt, cho vào chút gia vị và dấm. Đun nhỏ lửa khoảng 10 phút cho thịt chín, vớt ra thả vào bát nước lọc cho khỏi thâm. Sụn đun thêm khoảng 5 phút. Vớt thịt và sụn ra để ráo, thái miếng mỏng bày ra đĩa.
- Lấy mắm tôm ra bát, nêm đường vào khuấy tan cho mắm bớt mặn. Tiếp đến cho dấm và chút rượu vào đánh cho sủi bọt, vắt thêm chanh cho thơm. Trộn thêm chút dầu ăn vừa rán đậu, thả vào mấy lát ớt để có bát mắm tôm ngon.
- Bún lá cắt miếng nhỏ vừa ăn. Rau thơm ăn kèm rửa sạch ngâm nước muối pha loãng vảy sạch nước. Lúc này bạn đã hoàn thành xong các khâu chuẩn bị về nguyên liệu, dọn ra đĩa hoặc mẹt để cùng cả nhà thưởng thức thôi nào.
5. BA CHỈ HEO CHIÊN
Nguyên liệu:
- 1 miếng thịt ba chỉ khoảng 1kg thái miếng
- 1 củ hành tím; 2 khúc sả đập dập
- 1 muỗng cà phê muối - 1muỗng cà phê hạt tiêu - 2 lát gừng - 1 muỗng canh nước mắm - 50gr bột chiên giòn
Cách làm:
Thịt rửa sạch. Nấu 1 nồi nước cùng với sả, hành, gừng, muối, tiêu và nước mắm trong 3 phút, sau đó cho miếng thịt heo vào luộc lửa vừa.
Luộc khoảng 15 phút là vớt thịt ra. Để lên dĩa, lau khô, để qua đêm trong ngăn mát tủ lạnh hay để nơi nào thoáng mát (nhớ để miếng bì lên trên).
Qua đêm miếng thịt rất khô ráo. Sau đó, thái miếng vừa ăn. Cho thịt vào túi nilon xóc cùng bột chiên giòn.
Bắc chảo dầu lên bếp (không cần nhiều dầu). Chờ dầu vừa nóng (không quá nóng) thì cho thịt vào chiên với lửa vừa.
Thỉnh thoảng đảo qua rồi tiếp tục chiên cho bì heo nổ giòn, miếng thịt vàng thơm thì gắp ra đĩa có lót giấy thấm dầu.
Thịt ba chỉ chiên bì giòn cho ra đĩa kèm xà lách, dưa chuột. Món này ăn với cơm hay bún cùng với chén nước mắm ớt chua ngọt thì ngon tuyệt vời.
6. CÁ LÓC HẤP BẦU
Nguyên liệu:
- Cá lóc 1 con khoảng 600g
- Bầu 1 trái
- Mộc nhĩ
- Rau thơm, dưa
- Củ đậu, cà rốt
- Bún, bánh tráng
- Gừng, hành, chan, tỏi, ớt.
Cách làm:
- Cá làm sạch rửa lại với chanh và muối, khứa vài đường lên thân cá.
- Ướp cá với 3 thìa cà phê đường, 1 thìa cà phê hạt nêm hoặc bột ngọt, 1 thìa cà phê muối, gần 1/2 thìa canh nước mắm, gừng cắt sợi, tiêu xay, hành tỏi băm nhỏ trộn đều ướp 30 phút cho thấm.
- Mộc nhĩ 1 tai nhỏ ngâm nở mềm cắt sợi.
- Bầu chọn quả dài vừa hoặc dài hơn cá, rửa sạch cắt ra làm 2 bên ít bên nhiều. Dùng muỗng múc bỏ ruột và ít thịt bầu, rửa lại để ráo.
- Cho cá đã ướp vào nửa trái bầu nhiều thêm mọc nhĩ vào trong bụng cá và trong trái bầu, đậy phần bầu còn lại lên trên, dùng hành buộc lại (nếu không đậy lại đem hấp luôn cũng được) cho vào nồi hấp 30-40 phút là chín.
Trong lúc chờ bầu chín mình làm nước chấm, dầu hành, xào củ sắn với cà rốt.
- Nước chấm: 1 chén đường, 1/2 chén nước, hơn 1/2 chén nước mắm nấu sôi để nguội khi ăn cho tỏi ớt băm nhỏ hoặc giã nhỏ.
- Dầu hành: cho hành lá cắt nhỏ vào chén thêm ít muối, đường, bột ngọt. Đổ dầu thật nóng vào trộn đều.
- Cà rốt và củ sắn bỏ vỏ cắt nhỏ xào với ít gia vị cho vừa ăn, nếu không thích bạn bỏ qua.
- Rau, dưa lặt rửa sạch.
- Cá hấp chín lấy ra. Ăn cùng với rau, bún với nước chấm hoặc cuốn bánh tráng!
Thời tiết se lạnh nên các món béo ngậy, nhiều năng lượng sẽ là những món được ưa thích. Vào thời tiết này thỉnh thoảng mình mua chân giò để nấu giả cầy. Món ăn này hợp ăn với bún lá hoặc ăn cùng với cơm nóng cũng được.
7. CHÂN GIÒ GIẢ CẦY
Nguyên liệu:
- Chân giò thui (Thui bằng rơm là tốt nhất, không có thể dùng giấy báo hoặc bếp ga để thui)
- Riềng giã nhỏ
- Củ sả
- Mẻ, mắm tôm, nước mắm ngon và một thìa bột nghệ.
Thực hiện:
Đồ nấu kèm là măng củ cắt miếng bằng ngón tay cái rồi đem luộc kỹ với nước có thả chút muối ít nhất là 3 lần trước khi đem chế biến.
Chân giò thui, sau khi rửa sạch, thấm khô, chặt miếng vừa ăn, bạn đem ướp như sau:
Với 2 cái chân giò to bạn ướp với một bát con riềng giã nhỏ, 3 củ sả lấy phần non băm nhỏ, một thìa canh mẻ, 3 thìa con mắm tôm và 1 thìa canh nước mắm loại ngon. Trộn đều các nguyên liệu này lên và ướp khoảng 1 tiếng cho ngấm vị.
Cho nồi chân giò đã ướp lên bếp, bạn cho 1 thìa canh dầu ăn vào nồi, và bắt đầu xào chân giò.
Trong lúc xào bạn thêm 1 thìa con bột nghệ để món giả cầy của bạn có màu vàng đẹp nhé!
Sau khi xào chân giò hơi săn, bạn trút phần măng củ mà bạn đã luộc kỹ vào xào cùng cho măng ngấm vị.
Măng vào chân giò đã xào săn, bạn cho nước vào nồi sao cho lượng nước sâm sấp bề mặt chân giò. Mình dùng nồi áp suất để tiết kiệm thời gian ninh nấu.
Sau khi ninh trong nồi áp suất từ 20-30 phút bạn mở nắp, nêm nếm lại vị cho vừa miệng rồi có thể múc ra bát và ăn nóng.
Trời lạnh bạn nên ăn ngay lúc nóng tránh để nguội sẽ làm đông lớp mỡ sẽ không ngon.
Món ăn kèm phù hợp với thịt chân giò nấu giả cầy bạn nên chuẩn bị là bún lá và rau húng.
Chúc các bạn thành công!