Trong khi nhiều chị em phụ nữ thích làm bánh Trung thu hiện đại vì có sự biến tấu linh hoạt ở phần vỏ bánh thì Nguyễn Nhung thích sáng tạo nhất là ở phần nhân bánh.
Là một nhân viên văn phòng nhưng cô nàng Nguyễn Nhung (29 tuổi, TP HCM) có đam mê mãnh liệt với bánh trái. Ngoài thường xuyên nấu những bữa cơm gia đình thì 9X này luôn làm thêm các món bánh cho người thân thưởng thức. Đó có thể là các loại bánh ngọt, bánh mặn, bánh bao, bánh mì, bánh quy nhiều vị... rồi để sẵn trong nhà, cứ có khách tới là đem ra mời ăn hoặc dùng làm đồ nhâm nhi trong ngày cho mọi người.
Riêng về bánh Trung thu, Nhung chia sẻ, mình đã làm loại bánh mang hơi thở của Tết đoàn viên này đã nhiều năm rồi. Tính đến thời điểm hiện tại, cô chưa từng qua học bất cứ trường lớp nào đào tạo về làm bánh. Tất cả các công thức Nhung đều tự tìm hiểu và mày mò trên mạng để làm.
Cô cũng cho biết, với bánh Trung thu bản không mất nhiều thời gian để nghiên cứu. Thông thường, khi có ý định làm bánh Trung thu với loại nhân và vỏ mới 9X sẽ xác định kỹ loại mình thực sự muốn làm. Sau đó, cô nàng đảm đang dành khoảng 30-45 phút để xác định những nguyên liệu mình cần dùng, tính toán định lượng từng phần sao cho phù hợp... rồi bắt tay vào thực hiện.
Có một điều đặc biệt, vài năm gần đây, nhiều chị em phụ nữ thích làm bánh Trung thu hiện đại vì có sự biến tấu linh hoạt ở phần vỏ. Người ta có cảm tưởng những chiếc bánh này giống như một vườn hoa lá có đầy đủ cả chim muông với nhiều màu sắc hấp dẫn. Thế nhưng với Nhung lại khác, cô thích sáng tạo nhất là ở phần nhân bánh.
Với cô, phần vỏ bánh tương đối cơ bản, có chăng chỉ khác nhau ở phần tạo hình,... còn nhân là điểm nhấn, góp phần giúp chiếc bánh ngon và đặc biệt hơn.
"Đa dạng các loại nhân thì người nhận bánh sẽ có nhiều lựa chọn và khi ăn cũng sẽ đỡ ngán hơn rất nhiều. Nên mỗi khi có ý tưởng về loại nhân mới, mình sẽ xác định rõ nguyên liệu, định lượng và xem xét kỹ liệu phần nhân này có hợp với vị phần vỏ bánh không? Liệu với phần nhân này, có đủ đảm bảo để chiếc bánh Trung Thu sau khi nướng vẫn giữ được nét, vẫn chắc ổn, không bị phồng hay nứt bánh không?... Nếu thấy không ổn, mình sẽ lại tính toán, tìm ra cách để có thể giúp phần nhân hòa hợp được cùng vỏ bánh. Sau đó, mình sẽ làm bài test (kiểm tra) nhỏ cùng nhân và vỏ bánh. Khi thấy ổn, mình sẽ chính thức áp dụng vào công thức và làm ra bánh với số lượng nhiều", 9X bày tỏ quan điểm.
Hiện tại, cô nàng đã làm được rất nhiều loại bánh Trung thu như bánh dẻo truyền thống, bánh dẻo lạnh Singapore, bánh Trung thu ngàn lớp, bánh Trung thu lột da Đài Loan, bánh nướng truyền thống và bánh hiện đại. Riêng mỗi loại cô đều làm với các loại nhân khác nhau, chẳng hạn:
- Bánh trung thu hiện đại nhân thảo mộ
- Bánh Trung thu lột da nhân trứng chảy Liu Xin Su
- Bánh trung thu nướng vỏ nghệ cam vàng nhân thảo mộc
- Bánh Trung thu truyền thống nhân thập cẩm
- Bánh Trung thu Hoàng Kim nhân kim sa
- Bánh Trung thu Lava nhân tan chảy
- Bánh dẻo Trung thu truyền thống nhân trà xanh
- Bánh Trung thu lột da Đài Loan nhân đậu đỏ trứng muối
- Bánh Trung thu ngàn lớp nhân khoai môn
- Bánh trung thu thanh long nhân dứa
- Bánh trung thu vỏ tuyết nhân sữa dừa
- Bánh trung Thu cà phê nhân hạt sen
- Bánh trung thu chanh dây nhân trà xanh
- Bánh trung thu lá dứa sữa nhân sầu riêng
- Bánh Trung thu cà rốt nhân đậu đỏ
- Bánh Trung thu trà xanh nhân mè đen
- Bánh trung thu củ dền nhân đậu xanh
Cũng nhờ có sự sáng tạo độc đáo khi làm bánh Trung thu mà Nhung đã nhận được nhiều đơn đặt hàng xong vì thời gian không cho phép, hơn nữa hiện tại cô chỉ muốn làm bánh cho gia đình người thân thưởng thức nên đều từ chối bán.
9X giải thích, "đôi khi mình nghĩ, chiếc bánh mình làm trong điều kiện thoải mái, hoàn toàn tự do thổi hồn vào sẽ khác với chiếc bánh làm khi có quá nhiều áp lực về đơn hàng, doanh thu hay thậm chí áp lực về thời gian,... Chiếc bánh khi ấy sẽ kém ngon hơn rất nhiều".
Cô quan niệm, làm bánh hay nấu một món ăn nào đó, ngoài việc áp dụng công thức chuẩn thì việc mình dành cả tâm vào món bánh hay món ăn thì chiếc bánh, món ăn ấy sẽ rất khác. Và chắc chắn, người ăn sẽ cảm nhận được điều ấy. Vậy nên, chỉ khi sắp xếp được công việc, thời gian, có thể làm bánh bán một cách thư thái và bình ổn nhất về tâm lẫn không gian thì Nhung sẽ thực hiện.
Những chiếc bánh mà 9X làm ra hầu hết ai đã ăn thử đều rất thích. Với các loại bánh cơ bản truyền thống như nhân thập cẩm, nhân nhuyễn,... thì mọi người nhận xét phần nhân ít ngọt hơn, không quá nặng vị bột, đỡ ngán hơn so với việc mua bánh ở ngoài. Còn bánh có phần nhân thập cẩm, Nhung cũng nhận được lời khen rằng rất thơm và hoàn toàn không có vị tanh. Riêng các phân nhân chảy đặc biệt như kim sa, lava,... thì đa số mọi người đều thích thú. Phần nhân ấy giúp mọi người có cái nhìn mới hơn về chiếc bánh Trung thu, không chỉ gói gọn trong các loại nhân cơ bản...
Hiện tại, ngoài đi làm văn phòng, vì đam mê nên Nhung còn mở thêm kênh youtube để chia sẻ các công thức nấu ăn và làm bánh của mình với hi vọng các chị em khác cũng có thể thực hiện được như mình.
Nhung tâm sự, mỗi bánh Trung thu mình làm đều có vị ngon đặc trưng riêng nhưng cô vẫn thích nhất bánh có nhân thảo mộc. 9X hài lòng không chỉ vì vị bánh ngon mà còn hài lòng vì lợi ích, ý nghĩa của chiếc bánh này mang lại.
Bánh có lớp vỏ làm từ bột tinh than tre với nhiều canxi, sắt, muối khoáng tự nhiên,... có khả năng giúp thanh lọc cơ thể nên rất tốt. Phần nhân được kết hợp từ la hán quả, đinh hương, cam thảo, hạt sen... có rất nhiều công dụng đối với sức khỏe như giúp an thần, ngủ ngon, chống viêm, giải nhiệt,...Đây cũng là loại bánh Nhung làm rất nhiều để gửi biếu người thân trong dịp lễ Trung thu thay cho một lời chúc sức khỏe, bình an.
Chị em có thể tham khảo cách làm bánh Trung thu hiện đại nhân thảo mộc của Nguyễn Nhung dưới đây: Nguyên liệu: * Phần vỏ: - 50 gr nước đường bánh nướng (1)- 15 ml dầu ăn (2) - 4 gr lòng đỏ trứng gà (3) - 3 gr bơ đậu phộng (4) - 75 gr bột mì - 3 gr bột tinh than tre * Phần nhân: - 10 gr cam thảo - 2 gr đinh hương - La hán quả - 1,5 lít nước lọc - 300 gr hạt sen tươi - 7 gr bột mì + 30 ml nước lọc: Hòa tan - 40 ml nước lọc + 80 gr đường phèn: Nấu tan - 40 - 50 ml dầu dừa Cách làm: * Làm phần vỏ: - Trộn đều các phần: (1), (2), (3) và (4) vào một tô. - Rây và trộn đều bột mì và tinh than tre. - Sau đó thêm hỗn hợp đã trộn bên trên vào bột đã trộn đều. Dùng phới trộn đều sẽ có được hỗn hợp hơi ướt. Dùng tay trộn vừa đủ để bột tạo thành khối. Không nhào quá kỹ. - Bọc kín khối bột và để nghỉ 45-60 phút * Phần nhân: - Rửa sạch cam thảo và đinh hương - Với la hán quả: Rửa sạch phần lông nhỏ bên ngoài quả. Dùng hai tay bóp mạnh, để bóc phần vỏ và bên trong quả thành những phần nhỏ. - Thêm 1,5 lít nước lọc vào nồi nấu cùng: cam thảo + đinh hương. Nấu sôi. - Khi nước đã sôi. Thêm la hán quả vào và tiếp tục nấu trên ngọn lửa nhỏ. - Đậy nắp nồi và tiếp tục nấu trên ngọn lửa nhỏ đến khi cạn còn khoảng 1 lít nước. Dùng vá vớt bỏ phần đinh hương, cam thảo và la hán quả. - Sau đó thêm hạt sen vào và đậy nắp, hầm trên lửa nhỏ. Đến khi sen chín mềm, tắt bếp. dùng máy xay nhuyễn. - Lọc hỗn hợp đã xay qua rây, để vào chảo đế bắt đầu sên nhân. - Thêm vào chảo: Nước đường phèn đã nấu và dầu dừa rồi trộn đều cùng nhân. Sên nhân trên ngọn lửa nhỏ. Sên đến khi nhân đã bớt lỏng và hơi đặc, thêm nước bột mì vào và tiếp tục sên nhân. - Dần dần nhân sẽ đặc dần và tạo thành khối mịn dẻo, không dính tay là đạt. - Phần nhân sau khi sên có thể thêm vào mè đã rang nếu thích. - Chia nhân thành từng phần nhỏ. 80/gr phần. Vo thành những viên tròn đều. * Đóng bánh: Mình dùng khuôn mặt trơn 125gr - Bột bánh sau khi nghỉ, chia thành những phần nhỏ với 45gr/ phần. - Cán mỏng và bọc nhân vào. Dùng tay miết đều để phần vỏ bọc kín nhân, tạo thành khối tròn đều, láng mịn. - Dùng dầu dừa để chống dính khuôn và mặt khuôn. Sau đó để khối bột vào khuôn và đóng bánh. Sẽ có được chiếc bánh cơ bản với mặt trơn tròn đều. - Với các phần hoa văn trang trí trên bánh, dùng phần bột vỏ được làm từ cam vàng và nghệ. Và để tạo hình chiếc lá, hay hoa,... dùng khuôn silicone để tạo hình. - Sau đó, trang trí các hoa văn lên bánh và bắt đầu nướng bánh. * Quét mặt bánh: - Hòa tan lòng trắng trứng và 1ml dầu dừa. Rồi lọc qua rây sẽ có được hỗn hợp quét mặt bánh * Nướng bánh: - Làm nóng trước lò nướng với nhiệt độ 160 độ C (320 độ F). Thời gian 10 phút - Đặt khay vào rãnh thấp hơn rãnh giữa 1 bậc, chế độ hai lửa nướng với nhiệt độ: 160 độ C ( 320 độ F), thời gian 10 phút - Sau khi nướng, lấy khay ra khỏi lò. Dùng bình phun sương đều nước lọc lên bánh, để bánh nguội. - Sau khi bánh nguội, quét mặt bánh. - Rồi tiếp tục nướng bánh ở rãnh thấp với 160 độ C(320 độ F). Thời gian: 10 phút - Sau đó, thực hiện tương tự như trên thêm một lần nữa. Có thể dùng màu nhũ quét mặt bánh để bánh được đẹp hơn, bắt mắt hơn. - Rồi tiếp tục đặt bánh vào lò và nướng với nhiệt độ 150 độ C (302 độ F). Thời gian 10 phút vừa đủ đế bánh khô, cứng. - Bánh sau khi nướng, vỏ bánh còn cứng, màu hơi ngả. - Sang ngày, vỏ bánh sẽ dần mềm hơn, lên màu bóng đẹp hơn. Bánh lúc này sẽ ngon nhất. - Phần nhân rất thơm đinh hương, dịu nhẹ. Khi ăn sẽ không quá ngọt. Đặc biệt, sau khi ăn sẽ cảm nhận được vị ngọt của cam thảo còn đọng lại rất ngon! - La hán quả, cam thảo, đinh hương và hạt sen đều có những công dụng tốt đối với sức khỏe như giúp ngủ ngon, an thần, chống viêm, giải nhiệt,... Nên chiếc bánh này rất thích hợp để gửi biếu người thân trong dịp lễ Trung thu - Thay cho một lời chúc sức khỏe, bình an. Bánh Trung thu hiện đại nhân thảo mộc |