Chỉ vài bước với cách làm chả mực đơn giản này, cả nhà bạn sẽ có món ăn ngon và hấp dẫn để thưởng thức.
Mực tươi là loại hải sản quen thuộc trong bữa ăn hàng ngày, có thể chế biến thành nhiều món ngon như mực xào, mực chiên, mực nướng và trong đó có món chả mực tươi giã tay rất được yêu thích. Cách làm chả mực tươi ngon này cũng rất đơn giản.
1. Nguyên liệu làm chả mực cho 4 người ăn
- Mực tươi: 500-600g, có thể mua mực ống hoặc mực lá đều được
- Thịt ba chỉ: 100g (có đầy đủ các lớp mỡ – nạc xen kẽ)
- Tôm sú: 150g.
- Hành khô, tỏi: 50g.
- Hành lá, rau mùi: 100g.
- Gia vị: hạt nêm, bột ngọt, nước mắm, dầu ăn, tiêu bột.
Mực chọn để làm chả mực phải là mực tươi, to vừa, nguyên con, dày mình.
Lưu ý cách chọn mực ngon:
Khi chọn mực tươi chị em chọn con dày mình, màu trắng đục như cùi dừa, thịt chắc không bị nát. Nếu là mực ống thì chọn con có màu thịt sáng hơi hồng, phần đầu dính chặt vào thân, túi mực vẫn chưa bị vỡ.
2. Cách làm chả mực đơn giản nhất
Bước 1: Sơ chế và ướp nguyên liệu
- Mực tươi mua về bóc bỏ đi phần túi mực, xương sống, mắt và màng da bên ngoài trên thân mực. Rửa mực với muối, lưu ý dùng tay chà xát muối lên các mặt của mực cho hết nhớt rồi rửa sạch lại với nước, để ráo. Thấm khô mực rồi xắt con chì.
Để khử hết mùi tanh của mực, chị em nên dùng muối, chanh hoặc giấm để rửa sạch, loại bỏ hết phần nhớt và lớp màng ngoài.
- Tôm sú lột vỏ, bỏ đầu và đuôi, rửa sạch, rạch lưng để rút bỏ đường chỉ đen rồi để ráo. Thấm khô tôm.
- Thịt ba chỉ rửa sạch, cắt bỏ phần bì, để ráo. Sau khi thấm khô thái miếng nhỏ vừa ăn.
- Các nguyên liệu như hành khô, tỏi bỏ vỏ, băm nhỏ; hành lá, rau mùi nhặt, rửa sạch rồi thái nhỏ.
Các nguyên liệu sau khi sơ chế cần được thấm khô trước khi xắt nhỏ.
- Sau khi các nguyên liệu đã được sơ chế, cho tất cả vào tô lớn, thêm 1,5 thìa cà phê hạt nêm, 1,5 thìa nước mắm, 1 thìa bột ngọt và 1 thìa tiêu vào trộn đều. Bọc lại bằng màng bọc thực phẩm để nguyên liệu ngấm đều gia vị khoảng 1 tiếng.
Bước 2: Giã tay và xay chả mực
- Sau khi nguyên liệu đã ngấm đều gia vị, bạn cho tất cả các nguyên liệu vào cối đá và tiến hành giã tay. Chị em giã liên tục cho đến khi hỗn hợp đạt được độ nhuyễn mềm, sau đó cho ra tô lớn và dùng thìa quết đều liên tục để giúp chả có được độ giòn, dai đúng chuẩn.
Nếu không muốn mất thời gian giã tay, bạn có thể thay thế bằng cách xay trực tiếp bằng máy xay.
- Trong trường hợp không có cối hoặc không muốn mất nhiều thời gian, bạn có thể cho hỗn hợp vào máy xay. Khi chả đạt được độ nhuyễn theo yêu cầu thì bạn cho ra thau và quết đều liên tục để giúp chả giòn và dai hơn. Tuy nhiên, cách này thành quả sẽ không được ngon và giòn như chả mực giã tay.
Bước 3: Nặn và chiên chả mực
- Thoa một lớp dầu ăn mỏng lên tay rồi dùng tay nặn hỗn hợp mực thành những miếng chả có hình tròn dẹt, sao cho vừa ăn.
- Chờ dầu trên chảo sôi già, bạn lần lượt thả chả mực vào hảo dầu nập, chiên chín vàng 2 mặt. Khi chả đã chín, vớt ra giá róc dầu hoặc giấy thấm dầu cho ráo dầu là bạn có thể thưởng thức món ăn ngon tuyệt này.
3. Yêu cầu thành phẩm và bảo quản
- Chả mực khi chín có màu vàng ruộm hấp dẫn, khi ăn thấy mực giòn sần sật, nhờ có thịt ba chỉ mà chả không bị khô, lại nhuyễn mịn, hòa quyện cùng vị tôm tươi và gia vị thơm lừng.
Thành phẩm chả mực vô cùng hấp dẫn, màu vàng ruộm, mực giòn sần sật.
- Chả mực thường được dùng kèm với nước mắm chanh tỏi ớt, ăn với cơm nóng hoặc bún. Món chả mục nên thưởng thức nóng thì sẽ thơm ngon và tròn vị hơn.
- Nếu không ăn hết các chị em có thể bọc kín, để trong ngăn đá tủ lạnh được từ 3 - 5 ngày. Khi ăn giã đông là rán lại cho nóng là có thể thưởng thức được.
Chả mực giã tay ăn kèm với cơm nóng hoặc bún đều rất ngon.
Ngoài chả mực, chị em cũng có thể vào bếp chế biến các món chả khác từ nguyên liệu hải sản như món chả tôm ngon dễ làm, chả cá thác lác độc đáo hay món chả rươi ngon lạ miệng,…Chúc chị em thành công với món ăn của mình.