Đảm bảo món gân kiệu này sẽ vô cùng nổi bật về hương vị và màu sắc trên mâm cỗ ngày Tết của gia đình bạn.
Gân kiệu hay là món gân bò dầm kiệu tươi là món ăn lai rai của người dân xứ Huế. Món ăn có độ giòn giòn của gân bò và kiệu quyện lẫn vị chua cay mặn ngọt, mùi thơm nồng khiến ai ăn cũng thích. Tết này, bạn có thể thêm món gân kiệu hay gỏi bò dầm kiệu này để mâm cơm ngày xuân thêm ngon và hấp dẫn nhất nhé!
Tham khảo cách làm món gân kiệu của chị Trần Loan (Huế) dưới đây:
Chị Trần Loan.
Nguyên liệu gồm:
- Kiệu tươi còn lá
- Gân bò
- Ớt tươi, tỏi, gừng
- Pha nước mắm trộn: Nước mắm quê truyền thống 2 muỗng, 2 muỗng đường, 1 muỗng tương ớt, ít bột ngọt.
- Nước ngâm kiệu: 1 lít nước, 5 muỗng canh giấm, 100g đường, nửa thìa muối hạt.
Cách làm:
Bước 1: Làm dưa kiệu
Khi mua kiệu tươi, chọn loại củ nhỏ. Lá xanh đẫm sẽ có mùi thơm đậm, giòn, ngon.
Kiệu mua về đem làm sạch sẽ. Cắt rễ, nhặt lá vàng. Không cắt quá sát củ. Vì nếu cắt sát quá thì khi ngâm qua 2 ngày, lớp thịt của củ kiệu sẽ lồi ra, rất mất thẩm mĩ. Hơn nữa gia vị sẽ ngấm vào củ nên không đều vị chua giữa các củ kiệu với nhau.
Kiệu sau khi rửa sạch, ngâm nước muối 2 tiếng thì phơi khô ráo.
Sau đó cuộn từng cây kiệu lại. Sau khi cuộn xong để vào hũ.
Video hướng dẫn cách cuộn kiệu.
Nấu 1 lít nước với 5 muỗng canh giấm, 100g đường, nửa thìa muối hạt. Đun sôi để nguội thì rót vào hũ.
Kiệu muối để nơi ánh nắng nhè nhẹ xuyên qua thì tầm 2 - 3 hôm là dùng được. Để nơi thoáng mát tầm 4 ngày là thơm ngon.
Bước 2: Xử lý gân bò
Gân bò mua về rửa sạch sau đó đem luộc sơ. Lấy gân bò ra, xả nhiều nước cho sạch bọt.
Sau khi sơ chế gân bò xong, cho gân bò vào nồi áp suất hầm khoảng 10 phút. Tuỳ theo nhiệt từng nồi để căn giờ. Lưu ý, gân bò không nên luộc quá chín mềm. Nếu chín mềm thì làm món này sẽ không được ngon. Luộc xong vớt ra để nguội. Thái miếng vừa ăn.
Bước 3: Chuẩn bị gia vị và nước trộn
Ớt rửa sạch,tỏi bóc vỏ rửa sạch, gừng gọt vỏ rửa sạch. Cho tỏi, ớt, gừng và xay nhưng không nên xay quá nhỏ. Một ít gừng thái chỉ rồi trộn vào sau cùng cho đẹp.
Nấu nước mắm trộn: Khuấy đều 2 muỗng nước mắm quê truyền thống, 2 muỗng đường, 1 muỗng tương ớt, ít bột ngọt. Phi thơm gừng, tỏi, ớt rồi thêm nước mắm vừa trộn ở trên vào, đun sôi rồi tắt bếp.
Sau khi nấu nước sốt xong thì trộn chung với gân bò đã thái, kiệu ngâm để bóp.
Gân kiệu sau khi trộn sốt có thể ăn ngay.
Muốn để gân bò dầm kiệu ăn được lâu hơn thì nấu nước sốt loãng hơn, lúc này gân kiệu sẽ xâm xấp nước. Để trong tủ lạnh 10 ngày.
Gân bò dầm kiệu hay gân kiệu giòn giòn chua chua, cay cay ngọt ngọt, thơm nồng đảm bảo sẽ đem đến cho mâm cỗ Tết nhà bạn một món ăn hấp dẫn, thú vị.
Chúc các bạn thành công!