Vịt quay có da vàng giòn, bóng bẩy, hương vị thơm ngon ai thấy cũng thèm. Chị em có thể tham khảo cách làm vịt quay tại nhà dưới đây.
Vịt quay có mùi thơm nức mũi, da vịt hơi giòn, vàng nâu đầy sức hút. Cứ thử tưởng tượng, thưởng thức món vịt quay vừa mới ra lò nóng hổi, quyện lẫn các loại gia vị thơm ngon, chấm với xì dầu cay ngọt thật chẳng còn gì bằng.
Hơn nữa, giờ đang là mùa vịt, thịt mềm, ngọt nên chị em có thể tranh thủ mua vịt về quay cho cả nhà thưởng thức.
Vịt quay là món ăn ngon và hấp dẫn được nhiều người yêu thích để nấu tại nhà
Đây sẽ là món ăn ngon, bất kể dù đang ở thời tiết nào. Chị em có thể tham khảo cách làm vịt quay tại nhà ngon dưới đây.
PHẦN 1: NGUYÊN LIỆU LÀM VỊT QUAY
- 1 con vịt khoảng 2kg
- 15ml dầu
- 5 lát gừng - 6 tép tỏi băm - 15g đường - 100ml rượu gia vị (hoặc rượu gạo) - 20ml xì dầu đặc - 60ml nước tương - 45ml giấm gạo - 3 hoa hồi - 3 lá nguyệt quế - 6 lá đinh hương - 5g hồ tiêu - 4-5 miếng vỏ cam khô - 1 lít nước
- 5ml mật ong hòa loãng cùng 5ml nước ấm
Các loại gia vị làm nên đặc trưng của món vịt quay
Lưu ý khi chọn nguyên liệu:
- Cách chọn vịt ngon
Vịt còn sống:
- Khi đi mua vịt, lưu ý không nên chọn những con vịt còn non, chưa mọc đủ lông cánh. Thịt vịt này nhão, lại mất thời gian làm sạch lông măng.
- Muốn phân biệt vịt non và già, bạn có thể nhìn vào mỏ: Vịt già thường có mỏ nhỏ và cứng, vịt non mỏ to và mềm.
- Vịt đực thường ngon hơn vịt cái.
Vịt đã mổ sẵn
- Nên chọn vịt mới mổ, nhìn còn có độ tươi ngon, ấn tay vào các phần của vịt thấy chắc.
- Quan sát hai bên đùi và lườn vịt, thấy căng bóng, thớ thịt dày thì không nên mua. Khi dốc ngược con vịt, thấy nó bị biến dạng thì đó là vịt bơm nước.
- Dùng tay ấn vào đùi và lườn vịt, thịt bị bơm nước thường bập bùng, nhão.
PHẦN 2: CÁCH LÀM VỊT QUAY
Bước 1: Sơ chế vịt
- Nếu là vịt chưa mổ, bạn phải cắt tiết và làm lông vịt. Cách làm lông vịt nhanh và đơn giản như sau: Cắt tiết xong, bạn vảy chút giấm lên vịt, chờ khoảng 5-7 phút rồi dội nước sôi. Cách này giúp lông vịt vặt nhanh hơn.
- Nếu là mua vịt mổ sẵn thì khi mang vịt về bạn cần nhặt lại sạch hết lông măng của vịt còn sót lại sau đó mới tiến hành rửa sạch vịt và khử mùi hôi.
- Thịt vịt thường có mùi hôi vì thế, trong quá trình nấu, nếu không biết cách khử mùi, món thịt vịt sẽ mất đi phần hấp dẫn.
- Để món vịt không bị hôi, chị em nên bóp với chút muối, tiêu, gừng đập dập, có thể cả chút rượu trắng, để chừng 30 phút rồi rửa sạch, để ráo.
- Hoặc trộn muối và giấm với nhau, dùng hỗn hợp này để bóp vịt cả trong lẫn ngoài; dùng chanh tươi chà xát lên toàn bộ thân vịt nhiều lần.
- Sau cùng, rửa lại vịt lần nữa trước khi chế biến, tẩm ướp gia vị.
Bước 2: Áp chảo vịt
- Mục đích áp chảo vịt trước khi quay là giúp cho da vịt giòn, rất ngon.
- Làm nóng dầu trong chảo trên lửa vừa, cho vịt vào áp chảo để phần da vàng giòn. Nên sử dụng chảo lớn vào trũng sâu ở giữa để áp chảo vịt cho dễ.
- Lưu ý, ở những phần thịt không áp được xuống chảo, múc dầu nóng lên xối vào đó để phần da vàng đều. Khi da vịt đã vàng đều khắp, đem tắt bếp và bỏ vịt ra ngoài.
Bước 3: Chuẩn bị gia vị
- Chuẩn bị một nồi lớn đủ để đặt vừa cả con vịt vào trong, chắt 15ml dầu từ chảo vừa áp chảo vịt sang và phi thơm tỏi, gừng trong 1 phút. Đổ đường vào khuấy đều tới khi tan hết.
- Cho rượu, nước tương, xì dầu đặc, giấm, hoa hồi, đinh hương, lá nguyệt quế, vỏ cam, hồ tiêu và nước vào, khuấy đều.
Bước 4: Cho vịt vào nấu để ngấm gia vị
- Cho vịt vào nồi gia vị. Phần nước gia vị phải ngập tới nửa con vịt, gia giảm nước nếu cần thiết.
- Cho to lửa tới khi nước sốt sôi lên thì hạ nhiệt độ và hầm trong 50-60 phút để vịt ngấm đều gia vị, nhớ lật vịt khi qua nửa thời gian để cả 2 nửa đều chín mềm đậm đà.
- Khi vịt đã chín, nhấc ra và đổ hết nước trong khoang bụng vịt ra ngoài
Nên để nước gia vị xâm xấp mặt vịt, nếu không cần lật vịt trong quá trình nấu
Bước 5: Quay vịt bằng lò
- Làm nóng lò lên 220°C, trong lúc đó phết đều nước mật ong lên toàn thân vịt.
- Cho vịt vào lò và nướng trong 12-15 phút tới khi phần da giòn lên, canh lò để tránh bị cháy thịt.
- Lấy vịt ra để nguội rồi chặt miếng vừa ăn. Bạn có thể chấm thêm với nước sốt hầm vịt để thịt thêm đậm đà.
Bước 6: Yêu cầu thành phẩm
- Vịt quay có da giòn giòn, vàng nấu, rất hấp dẫn.
- Thịt vịt bên trong ngấm đều gia vị vừa thơm vừa ngon, ăn vô cùng ngon miệng
Bước 7: Cách pha nước chấm vịt quay ngon
Nguyên liệu
- 1 muỗng canh bột năng, 5-6 tép tỏi, 5 củ hành ta, 1/2 chén nước lã, 2 muỗng cà phê bột ngọt, 2 muỗng cà phê muối, 1/2 muỗng tương xay, 1/2 chén dầu ăn, 1 trái chanh
Chuẩn bị:
- Cho bột năng vào nước rồi khuấy đều, để nguyên đó.
- Tỏi, củ hành ta lột vỏ, rửa sạch, xắt mỏng, giã nhuyễn.
- Chanh cắt, vắt lấy nước.
- Lấy tô để vô 1/2 chén nước lã, muối, đường, tiêu, tương xay vào khuấy tan.
Cách làm
- Bắc chảo nóng, để hết 1/2 chén dầu ăn vào. Dầu nóng, cho hết số tỏi, củ hành ta giã nhuyễn vào phi cho thơm.
- Sau đó, cho tô nước đã khuấy vào để sôi 2-3 phút, chế nước bột năng vào từ từ và quấy liền tay (1 tay chế, 1 tay quậy) thấy nước hơi sền sệt, bắc xuống, để hết bột ngọt, nước chanh, tiêu vô và nêm nếm cho vừa ăn.
Lưu ý, nước chấm làm nhiều hay ít tùy thuộc vào lượng món ăn.
Vịt quay ăn ngon nhất khi đang còn nóng!
Bên cạnh đó, vịt quay có thể ăn với cơm nóng, bún khô hoặc phở... hay nhậu không cũng đều rất tuyệt!
Chúc các bạn thành công và ngon miệng với cách làm vịt quay!