Cách nấu xôi đậu xanh bằng nồi cơm điện, bếp ga, xửng hấp siêu đơn giản, dễ làm mà xôi vẫn dẻo thơm không lo bị khô hay lại gạo.
Không chỉ là lễ vật dâng cúng ngày Rằm, mồng Một, xôi đậu xanh còn là thức quà sáng mà nhiều người yêu thích. Thay vì mua bên ngoài không đảm bảo an toàn, chị em hoàn toàn có thể tự nấu xôi tại nhà. Chỉ với một chút gạo nếp, đỗ xanh cùng nồi cơm điện hay bếp ga hoặc xửng hấp là bạn đã có món xôi ngon chẳng kém ngoài hàng. Dưới đây sẽ là cách nấu xôi đậu xanh cực dẻo thơm mà chị em nào cũng nên biết.
1 Cách nấu xôi đậu xanh bằng nồi cơm điện
Dùng nồi cơm điện nấu xôi vẫn dẻo ngon như đồ bằng chõ, bạn có tin không? Cùng tham khảo ngay cách nấu xôi đỗ xanh ngay sau đây nhé.
1.1. Nguyên liệu nấu xôi đậu xanh bằng nồi cơm điện
Để nấu được 1 nồi xôi đậu xanh dành cho khoảng 2 người ăn, bạn cần có những nguyên liệu sau:
- Gạo nếp: 2 bát (có thể chọn nếp cái hoa vàng, nếp ngỗng, nếp nhung… tùy vào điều kiện thực tế)
- Đậu xanh đã bỏ vỏ: ½ bát
- Muối
1.2. Chi tiết cách nấu xôi đậu xanh bằng nồi cơm điện
Cách nấu xôi đậu xanh bằng nồi cơm điện không khó nhất là với những ai đã từng nấu xôi vò, xôi lạc bằng chiếc nồi “đa năng” này.
Bước 1: Sơ chế đậu xanh và gạo nếp
Tương tự như những cách nấu xôi thông thường, bạn cần sơ chế 2 nguyên liệu chính là đậu xanh và gạo nếp.
- Gạo nếp vo sạch để loại bỏ cặn, trấu sau đó cho gạo vào chậu nhỏ, thêm nước lã rồi ngâm trong khoảng 4 - 5 tiếng đồng hồ. Gạo đã ngâm đủ thì bạn đổ ra giá cho ráo nước.
- Phần đậu xanh cũng đãi thật sạch và ngâm trong thời gian tương đương với gạo là 4 - 5 tiếng.
Mẹo hay: Các chị em công sở bận bịu có thể tranh thủ ngâm gạo và đỗ từ tối hôm trước để rút ngắn công đoạn nấu xôi vào sáng hôm sau.
Chú ý, việc ngâm gạo đúng, đủ thời gian sẽ giúp cho món xôi dẻo, dền và thơm hơn, do đó bạn đừng bỏ qua bước này nhé.
Bước 2: Nấu xôi đậu xanh bằng nồi cơm điện
- Cho phần gạo nếp và đậu xanh đã ngâm vào nồi cơm điện rồi thêm vào đây khoảng ½ thìa muối.
- Xóc nhẹ lên để gạo và muối trộn lẫn vào nhau.
- Đổ nước ngập mặt gạo nếp. Lưu ý, lượng nước giữ vai trò quyết định đến sự thành - bại của món xôi đậu xanh. Nếu bạn cho quá nhiều nước sôi sẽ nhão. Ngược lại, nếu cho quá ít nước sôi khi chín sẽ khô và cứng.
- Khi nồi cơm nhảy từ chế độ “Cook” sang chế độ “Warm” thì bạn mở vung ra rồi xới nhẹ. Cách làm này sẽ giúp cho hạt nếp chín đều và ráo nước hơn.
- Đậy vung nồi chờ khoảng 5 - 8 phút là xôi chín hẳn, lúc này bạn có thể thưởng thức được rồi.
Bước 3: Hoàn thành món xôi đậu xanh
- Xới xôi đậu xanh ra đĩa rồi thưởng thức cùng với giò, ruốc thịt heo, thịt quay, thịt gà hoặc bất cứ món ăn nào mà bạn có sẵn.
Cách nấu xôi đậu xanh bằng nồi cơm điện cho ra món xôi ngon với hạt nếp căng tròn, thơm dẻo, phần đậu xanh béo bùi cùng chút đậm đà của muối giúp món ăn trở nên ngon, tròn vị hơn.
Nếu nấu xôi đậu xanh để thắp hương thì bạn cần đơm xôi ra đĩa. Hãy sử dụng một chiếc khuôn để tạo hình đĩa xôi thêm đẹp và bắt mắt hơn nhé.
2 Cách nấu xôi đậu xanh có vỏ bằng bếp ga
Ngoài nấu xôi với đậu xanh bỏ vỏ, nhiều người thích ăn xôi đậu xanh có vỏ bởi vị thơm bùi, béo ngậy lại nhiều dưỡng chất tốt cho sức khỏe. Vậy cách nấu xôi đậu xanh còn vỏ có khó không?
2.1. Cách nấu xôi đậu xanh có vỏ bằng bếp ga cần nguyên liệu gì?
- Gạo nếp (tùy loại): 400g
- Đậu xanh chưa bỏ vỏ: 200g
- Muối: 1 thìa
Mẹo hay: Gạo nếp có nhiều loại để bạn lựa chọn. Dù chọn mua nếp cái hoa vàng, nếp ngỗng hay nếp nhung thì bạn cũng cần chú ý một vài điểm sau:
- Hạt nếp to, tròn và có màu trắng đục.
- Nếp có hương thơm tự nhiên, khi nếm sẽ thấy vị ngọt nhẹ.
- Tránh mua loại nếp bị gãy, có mùi mốc.
2.2. Chi tiết cách nấu xôi đậu xanh còn vỏ
Bước 1: Sơ chế đậu xanh và gạo nếp
- Đem gạo nếp và đậu xanh vo sạch với nước. Nhặt bỏ sạn, vỏ trấu, hạt lép còn sót lại rồi để ráo.
- Trộn gạo nếp và đậu xanh vừa sơ chế lại với nhau, rắc thêm 1 chút muối rồi xóc đều lên.
Bước 2: Nấu xôi đậu xanh còn vỏ bằng bếp ga
- Trút phần gạo cùng đậu xanh vừa sơ chế ở trên vào nồi.
- Bạn cho vào đây khoảng chừng 1 lít nước rồi đun với ngọn lửa vừa.
- Khi nước trong nồi sôi lên, bạn vặn nhỏ lửa sau đó dùng đũa đảo đều. Thao tác này sẽ giúp cho gạo và đậu không bị dính dưới đáy nồi.
- Khi thấy hạt nếp và đậu xanh bắt đầu nở thì ta thêm vào đây chừng 200ml nước lọc. Dùng đũa đảo đều các nguyên liệu lên một lần nữa sau đó đậy vung.
- Đun khoảng 15 - 20 phút thì phần gạo nếp và đậu xanh bắt đầu chín. Bạn tắt bếp.
Bước 3: Thưởng thức món xôi đậu xanh còn vỏ
- Đơm xôi đậu xanh ra bát hoặc đĩa rồi thưởng thức.
Món xôi đậu xanh còn vỏ nấu bằng bếp ga này có hương vị vô cùng đặc trưng. Hạt nếp dẻo thơm, căng bóng. Đậu xanh bùi bùi, béo ngậy. Phần vỏ đậu xanh giòn khi ăn tạo ra tiếng lép bép cực kỳ thú vị.
Không chỉ ngon miệng, ăn xôi đậu xanh có vỏ còn rất tốt cho sức khỏe. Nghiên cứu đã chỉ ra, phần vỏ đậu đã chứa hàm lượng lớn các vitamin như nhóm B, C, K, E cùng nhiều khoáng chất khác có thể kể tới Ca, Mga, K, Na, Sắt…
Món xôi đậu xanh này thích hợp dùng làm đồ ăn sáng hoặc một phần tinh bột cho 2 bữa chính là trưa và tối.
3 Hướng dẫn cách nấu xôi đậu xanh nước cốt dừa bằng xửng hấp
Yêu thích bị xôi bùi bùi, béo ngậy thì chắc chắn bạn không thể bỏ qua cách nấu xôi đậu xanh nước cốt dừa này.
3.1. Các nguyên liệu cần có
- Gạo nếp: 500g
- Đậu xanh đã bỏ vỏ: 300g
- Nước cốt dừa: 150ml
- Dừa nạo: 100g
- Lá dứa: 1 bó
- Muối, đường
3.2. Cách nấu xôi đậu xanh nước cốt dừa bằng xửng hấp
Bước 1: Sơ chế các nguyên liệu
- Gạo nếp đem vo sạch rồi ngâm khoảng 8 tiếng rồi vớt gạo ra để cho ráo nước.
- Đậu xanh cũng vo và ngâm chừng 4 tiếng trước khi nấu. Chú ý đãi sạch đậu để loại bỏ sạn bẩn còn sót lại nhé.
- Lá dứa rửa sạch rồi bó lại.
Bước 2: Trộn các nguyên liệu
- Cho gạo nếp, đậu xanh vừa sơ chế vào rổ, thêm vào đây 1 chút muối rồi xóc đều lên để gạo và đậu ngấm gia vị.
- Cho 100g dừa nạo vào hỗn hợp trên và trộn đều 1 lần nữa.
Bước 3: Nấu xôi đậu xanh nước cốt dừa
- Cho nước lã cùng lá dứa vào nồi rồi đun sôi.
- Trong lúc chờ nước sôi, bạn dàn đều hỗn hợp gạo nếp và đậu xanh đã trộn ở bước 2 vào xửng.
- Nước sôi, đặt xửng gạo nếp lên trên rồi hấp chín. Chú ý, nên tạo 1 lỗ tròn ở giữa xửng như thế xôi sẽ nhanh chín và ngon hơn nhiều.
- Vặn bếp lửa vừa và hấp chừng 30 - 40 phút. Kiểm tra thấy xôi chín thì từ từ rưới phần nước cốt dừa vào. Để thêm khoảng 3 phút thì tắt bếp.
Mẹo hay: Vì xôi đã chín mềm nên bạn phải cân đối lượng nước cốt dừa phù hợp như thế sẽ không làm cho xôi bị nhão.
Bước 4: Thưởng thức xôi
Múc xôi đậu xanh nước cốt dừa ra bát rồi thưởng thức.
Cách nấu xôi đậu xanh nước cốt dừa bằng xửng hấp này cho ra thành phẩm vô cùng đẹp mắt. Màu vàng của đậu xanh kết hợp với trắng của gạo nếp và cốt dừa nhìn là muốn ăn ngay.
Khi ăn bạn sẽ cảm nhận được phần xôi dẻo thơm quyện với vị bùi của đậu xanh, béo ngậy của cốt dừa, thêm chút mặn của muối và vị sần sật của dừa nạo rất vui miệng.
Món xôi đậu xanh này ăn kèm cùng với ruốc, thịt gà, thịt heo quay hay hành phi cũng đều thơm ngon hết sảy.
Cách nấu xôi đậu xanh ngon không bị nhão
Đa số chị em khi nấu xôi nói chung và xôi đậu xanh nói riêng tại nhà đều gặp phải tình trạng xôi nhão vì cho quá nhiều nước.
Để tránh gặp phải tình trạng này bạn cần chú ý một số vấn đề sau:
1. Ngâm gạo
Nấu xôi bước ngâm gạo khá quan trọng. Khi gạo được ngâm đủ thời gian sẽ nhanh chín, hạt căng tròn và bóng hơn. Ngoài ra, vì gạo đã được cấp 1 lượng nước nhất định do đó khi nấu sẽ không lo khô.
2. Điều chỉnh lượng nước phù hợp
Đối với các chị em nấu xôi bằng nồi cơm điện thì căn lượng nước là rất quan trọng. Bạn có thể canh nước bằng 0.5 cm tính từ bề mặt gạo nếp lên là được.
Trường hợp bạn hấp xôi bằng xửng hấp thì nước chiếm khoảng ⅓ dung tích nồi là được.
3. Thêm gạo đúng cách
Hãy dùng tay để rải gạo vào xửng hấp như thế hạt gạo sẽ phân bổ đều khắp bề mặt xửng.
Tuyệt đối không nén gạo quá chặt bởi việc này sẽ vô tình khiến các lỗ thông hơi bị bịt kín. Đây là nguyên nhân làm cho lớp gạo bên dưới khi chín bị nhão, còn phần trên lại khô vì không đủ nước.
Bạn nên dùng tay tạo các lỗ nhỏ trên bề mặt gạo để hơi nước tỏa đều giúp hạt gạo chín đều, căng tròn.
4. Điều chỉnh lửa
Khi bắt đầu cho xửng gạo vào nồi để hấp, bạn nên hạ lửa lớn thành lửa vừa cho tới khi gạo chín thì mới vặn nhỏ. Có thể thêm 1 chiếc khăn ẩm lên trên mặt vung để giữ ẩm giúp gạo chín đều và ngon hơn.
Rất nhiều chị em vì sợ xôi bị cháy mà vặn lửa nhỏ, điều này vô tình đã khiến cho nhiệt trong nồi không đủ để làm chín gạo khiến cho xôi chỗ sống chỗ chín không ngon, dẻo như ý muốn.
Ngoài ra, nếu trường hợp không may bạn lỡ tay cho quá nhiều nước khi nấu thì đừng quá lo, hãy lấy 1 phần ruột bánh mì rồi phủ lên mặt xôi. Nhớ mở nắp vung để hơi nước thoát ra dễ dàng hơn nhé.
Mong rằng với 3 cách nấu xôi đậu xanh đơn giản mà Bếp Eva đã hướng ở trên, bạn sẽ chọn được một công thức nấu phù hợp và có một nồi xôi ngon bất bại. Chúc thành công!