Xôi là một món ăn không thể thiếu trên mâm cúng ngày Tết. Đĩa xôi tròn trịa, đầy đặn trên mâm cúng cùng hương thơm tỏa ra mang ý nghĩa một năm mới đủ đầy và an lành.
Để nấu được một nồi xôi ngon, hạt gạo chín nục, toả mùi thơm của gạo nếp cũng cần có bí quyết cả đấy nhé!
1. Chọn gạo và ngâm gạo
Gạo nếp quyết định 70% độ ngon của xôi. Vì vậy, bạn nên chọn loại nếp có màu trắng đục, hạt đều, căng bóng. Nhai thử vài hạt để chọn gạo có vị ngọt tự nhiên, thơm mùi lúa mới.
Khác với nấu cơm, xôi được nấu chín bằng việc sử dụng hơi nước. Vì thế, việc ngâm hạt gạo nếp đúng thời điểm là cách giúp hạt xôi dẻo thơm. Tùy theo tính chất hạt gạo, bạn nên ngâm chúng với nước từ 6 đến 8 tiếng là vừa đủ. Nếu ngâm lâu hơn, hạt gạo sẽ bị chua và khi nấu sẽ bở nát mất ngon.
Khi ngâm, bạn nên cho thêm một ít muối. Muối sẽ giúp khử mùi và tạo hương vị đậm đà khi xôi chín tới.
2. Canh nhiệt độ
Khi nấu, bạn nên để ý tốc độ cháy của lửa. Bạn cho nước vào nồi nấu xôi trước, đợi khi nhiệt độ sôi tăng cao mới bắt đầu đặt chõ lên hấp. Lúc này, nên giữ nhiệt độ ổn định vì nếu tăng cao dễ khiến xôi bị cháy khét còn quá nhỏ sẽ làm xôi bị nhão.
Thời gian hấp xôi chuẩn là từ 30 đến 40 phút. Để có nồi xôi ngon đúng điệu, cứ 10 phút bạn mở nắp một lần để lau khô hơi nước trong nồi là được.
3. Cho nếp vào nồi đúng cách
Tại sao phải làm điều này? Thông thường, một nồi xôi thường bị các lỗi cơ bản như nhão lớp giữa, khô lớp trên và khê phần đáy. Điều đó một phần do bạn để lửa không đều, phần khác đến từ việc bạn không tạo độ thông thoáng nhất định cho hạt nếp.
Để hạn chế tình trạng này, điều bạn cần làm là trước khi nấu xôi hãy dùng tay bốc từng nắm gạo nếp cho vào nồi thay vì đổ cả thau vào như thông thường. Cách này giúp hạt nếp được rải đều, không bị chèn vào nhau gây “bí thở”. Chúng giúp không khí được lưu thông đều khắp nồi xôi tạo ra hơi chín tỏa khắp không gian nồi hấp.
Chúng ta có thể vun xôi vào giữa chõ và để hở xung quanh hoặc có thể dàn đều khắp mặt chõ rồi lấy đũa chọc 3-4 lỗ to cho lưu thông không khí.
4. Canh lượng nước đúng chuẩn
Đây là khâu quan trọng và khó nhất trong việc nấu được một nồi xôi ngon. Xôi dẻo, khê hay sống phụ thuộc khá lớn vào phần nước này. Theo những bà nội trợ lành nghề chia sẻ, lượng nước đổ dưới nồi hấp chỉ nên chiếm khoảng 1/3 dung tích nồi.
Cách này giúp lượng nước vừa đủ độ để làm mềm hạt xôi nhưng không quá nhão và nát gây mất thẩm mỹ. Nếu chưa biết cách thực hiện, bạn nên học hỏi mẹo này.
Theo đó, khi cho nước vào bạn nên cho vào nồi và đặt lên mặt nước một chiếc đĩa sứ, khi nồi nước có tiếng kêu lạch cạch, đó là dấu hiệu cạn nước, đáy đĩa chạm vào nồi. Lúc này, nếu xôi chưa chín, bạn cần cho thêm nước.
5. Thời gian xôi chín
Tùy theo từng loại gạo, bạn phải đun từ 30– 40 phút. Cứ 10 phút bạn lại mở nắp để lau khô hơi nước ở nắp nồi và đảo đều gạo để xôi chín và ráo nước. Kiểm tra bằng cách lấy hạt gạo lên miết thử, nếu mềm và dẻo là xôi đã chín.
6. Đồ xôi hai lửa
Khi xôi vừa chín tới, bạn xới xôi ra một chiếc mâm to, dàn đều và để dưới quạt cho nguội bớt. Sau đó, tiếp tục cho xôi vào hấp (đồ) thêm một lần nữa. Bằng cách này, dù có để lâu, món xôi của bạn vẫn mềm và dẻo.
7. Để hạt xôi căng bóng
Bước cuối cùng để hoàn thiện món xôi là dưới một chút dầu ăn hoặc mỡ gà và đảo đều chõ xôi trước khi bắc ra. Xôi sẽ có độ căng bóng và mềm mượt.
Chúc các bạn thành công với 7 bí kíp nấu xôi ngon mềm, dẻo thơm này!