Do chồng phải kiêng khem do bị gout nên trong bữa cơm chị Nguyễn Giang luôn tránh làm một số món ăn ảnh hưởng xấu tới bệnh của ông xã.
Là một bà nội trợ chính hiệu nên chị Nguyễn Giang (27 tuổi, Bình Dương) có nhiều thời gian để vào bếp mỗi ngày. Chị tâm sự, nấu ăn là điều không thể thiếu trong cuộc sống của gia đình mình. Từ một việc được coi là trách nhiệm và nghĩa vụ chăm sóc nhà cửa, chồng con thì đến giờ, nấu ăn đã trở thành đam mê của bà mẹ 2 con.
Chị Giang kể, từ lúc mới lớn, bản thân đã sống cùng với dì ruột. Những ngày còn nhỏ ấy, dì đã âm thầm dạy chị "nữ công gia chánh", hướng dẫn 9X nấu nướng... Ngày đó, chị đã ước sau này có thể bản thân được giống dì phần nào đó nên đã rất chủ động học dì nấu nhiều món ăn khác nhau.
Chị Nguyễn Giang
Cũng nhờ có thời gian kèm cặp của dì mà đến giờ chị Giang đã có thể làm được rất nhiều món ngon cho gia đình nhỏ của mình thưởng thức. Mỗi bữa 9X sẽ làm cơm cho hai vợ chồng cùng 2 con (3 và 5 tuổi). Vì con còn nhỏ nên bữa cơm chị nấu có hơi vất vả một chút. Chị lý giải, do khi thì nấu một mâm cơm cho cả gia đình ăn luôn, khi lại nấu riêng cho con nhỏ ăn trước, thành ra hơi mất thời gian. Tuy nhiên, điều đó không là gì bởi chỉ cần nhìn chồng con ăn ngon miệng là chị đã thỏa mãn rồi.
Khi vào bếp, chị luôn để ý đến tình trạng sức khỏe cũng như sở thích của các thành viên trong gia đình để chế biến, Chẳng hạn, chồng bị bệnh gout phải ăn kiêng thịt bò và hải sản, do đó bữa cơm chị luôn bổ sung nhiều rau củ quả. Trong khi đó, các con còn nhỏ, đang tuổi phát triển, vì thế bà mẹ đảm cũng cố gắng bổ sung thực phẩm giàu chất đạm. Thực đơn vữa cơm gia đình chị luôn phải thay đổi một cách linh hoạt để đáp ứng nhu cầu của từng thành viên trong nhà.
Là một người khéo léo thu vén nên chị Giang luôn để chi phí các bữa cơm dao động từ 100-200 nghìn đồng. Còn nếu vào dịp lễ hoặc có khách, bữa ăn có thể lên tới 400-500 nghìn, tùy thuộc vào món ăn chị nấu.
Việc "hôm nay nấu gì" hay "ngày mai ăn gì" luôn là vấn đề mà nhiều bà nội trợ phải đau đầu, 9X cũng có lúc không tránh khỏi. Để khắc phục điều này, chị Nguyễn Giang đã chọn cách nấu luân phiên món này, món kia để tránh bị trùng món gây ngán ngấy.
Chẳng hạn các con thích ăn sườn nướng thì cũng chỉ ăn 1 tuần 1 lần, thay vào đó sẽ làm các món sườn khác như sườn chua ngọt, sườn rim... Nhờ thế bữa cơm chị nấu luôn phong phú, đa dạng, ít khi bị ngán vì lặp món. Được biết, gia đình chị Giang vốn ở Thanh Hóa nhưng rời vào Bình Dương sinh sống lâu rồi. Có lẽ vì thế mà ẩm thực giữa 2 miền Bắc - Nam gia đình chị vẫn thưởng thức được hết.
Bà mẹ 2 con còn thường xuyên thay đổi món ăn cũng như thử sức nấu nhiều món khác nhau. Ví dụ, có bữa thay vì ăn cơm chị sẽ làm các món như thịt luộc cốn bánh tráng, bún đậu mắm tôm, hôm thì lẩu gà, có bữa lại là cháo cá, bò kho... Vì rất linh hoạt trong việc thay đổi bữa ăn nên chồng con chị luôn khen ngợi hết lời.
Chị tâm sự, mỗi khi nhà có khách, bản thân cũng tự tin chế biến các món sở trường và luôn hãnh diện khi được mọi người khen ngon. Đó là động lực để chị tiếp tục vừa nấu ăn, vừa học hỏi thêm nhiều công thức mới.
"Bữa cơm gia đình đối với mình là điều quan trọng nhất. Đó không phải là nấu những món sơn hào hải vị mà ăn một mình, đó là những món ăn bình dị, giản đơn nhưng được ăn cùng những người mình yêu thương nhất cuộc đời. Tất cả phụ nữ có gia đình dù bận đến đâu các bạn hãy thử vào bếp nấu một món ăn mà mình thích cho người thương mình ăn đi các bạn sẽ cảm nhận được những điều tuyệt vời khó nói ra của 2 từ gia đình", chị Giang nói.