Hành trình thắp lửa tổ ấm của một cô vợ từng xào rau mặn chát, nấu cơm một lần nhập viện luôn vì ngộ độc là câu chuyện thú vị nhân Ngày gia đình Việt Nam.
Đối với những chị em mê chuyện bếp núc và đặc biệt là thành viên của những hội nhóm về ẩm thực, nấu ăn trên facebook, cái tên Tô Hưng Giang đã không còn quá xa lạ. Bà mẹ 2 con sinh năm 1984 ở Hà Nội này là chủ nhân của hàng loạt những công thức nấu ăn tuyệt ngon, dễ làm, là nguồn cảm hứng cho nhiều chị em nội trợ mỗi ngày nổi lửa gian bếp, nấu cho chồng con và người thân những món ăn ngon.
Trên facebook của mình, chị Tô Hưng Giang thậm chí sở hữu tới gần 23 nghìn người theo dõi – một con số khá ấn tượng – dù tất cả những gì bà mẹ 2 con này chia sẻ, chỉ là hình ảnh những bữa cơm gia đình của mình.
Bà nội trợ 8x Tô Hưng Giang được nhiều chị em ngưỡng mộ với tài nấu ăn khéo léo.
Những bữa cơm ngon miệng, đẹp mắt của chị Tô Hưng Giang gây ấn tượng.
Các món ăn được trang trí, bày biện khéo léo, hấp dẫn.
Ít ai biết, người phụ nữ khéo léo đảm đang, nấu ra được những món ăn vừa ngon mắt vừa ngon miệng ấy, 2 năm trước đây từng là cô vợ “đoảng” đến mức rau xào mặn chát, dao không biết cầm, một lần nấu cơm khiến bản thân nhập viện vì ngộ độc.
Hành trình thay đổi bản thân, thắp lại lửa tổ ấm, xây dựng gia đình hạnh phúc nhờ những bữa cơm ngon của chị Hưng Giang sẽ là một câu chuyện đầy cảm hứng nhân Ngày Gia đình Việt Nam năm nay.
Khó ai tin một người phụ nữ đảm đang, là tác giả quen mặt của rất nhiều chuyên mục ẩm thực trên báo mạng lại có một “quá khứ” không biết nấu ăn. Điều đó có là sự thật?
Trước khi lấy chồng, mình là người không biết nấu ăn. Gia đình mình không khá giả, bố mẹ cũng chỉ làm cán bộ nhà nước nhưng cả ba chị em mình đều được chiều chuộng không phải vào bếp nấu cơm như nhiều bạn bè cùng trang lứa. Đó là lý do mà chỉ cách đây 2 năm thôi, mình hầu như không biết gì về bếp núc, thậm chí rất sợ cầm dao, làm gì cũng lóng ngóng. Năm 2009, khi đi lấy chồng, mình “đẩy” toàn bộ việc bếp núc cho người giúp việc.
Mình nhớ mãi một lần người giúp việc về quê hết, lần đầu tiên vào bếp nấu cho chồng ăn, mình đã “chiêu đãi” anh món rau muống xào mặn chát, thế mà chồng ăn vẫn khen ngon, kết quả cuối cùng vợ còn bị ngộ độc rối loạn tiêu hoá khi đang mang bầu bé thứ nhất lúc 8 tháng. Nửa đêm chồng đưa vợ đi cấp cứu trên viện tưởng đẻ (cười).
Khi yêu và chuẩn bị cưới, chị có nói với chồng là chị không biết nấu nướng?
Mình và anh quen nhau do được một anh bạn chơi thân với cả hai mai mối. Hồi đó, mình cũng có nói với anh là mình không biết nấu ăn nhưng anh ấy nói rằng “Không sao cả, nếu em thích nấu nướng, sau này em có thể học dần.”
Trước khi lấy chồng, chị Hưng Giang là người không biết nấu nướng.
Ông xã đã chẳng quan trọng chuyện vợ mình có là người nấu bếp đảm đang khéo léo, vậy lý do gì lại khiến chị bỗng dưng muốn thay đổi?
Lấy nhau về nhà mình có người giúp việc, mình cũng không phải vào bếp bao giờ.. Nhưng có một hôm anh ấy đi ăn cơm ở nhà bạn về có buột miệng khen “Vợ anh A nấu ăn ngon quá!” Câu nói vô tình của chồng làm mình suy nghĩ mãi và mình tự hỏi tại sao mình không nấu ăn ngon để được chồng khen như vậy. Thế là sau đó mình bắt đầu tìm tòi học hỏi, chế biến những món ăn mà chồng con yêu thích, với tiêu chí vừa ngon và vừa hợp khẩu vị.
Những mâm cơm ngon từ bếp nhà chị Hưng Giang
Hành trình “lột xác” trong chuyện nấu ăn ấy của chị đã diễn ra như thế nào?
Thời gian đầu học nấu ăn, mình cũng có nhiều món bị thất bại, đổ đi không ăn được. Có những lúc mình cũng cảm thấy nản và nghĩ đi mua sẵn về ăn cho nhanh. Sau đó, mình bắt đầu tham gia vào các hội nhóm nấu ăn trên mạng xã hội, học hỏi, giao lưu với các chị em yêu nội trợ. Để nâng cao kiến thức, mình hay vào mạng tìm hiểu các công thức về ẩm thực, tự tay thực hành, nếu có thất bại thì lại làm lại.
Thời gian sau đó, mình bắt đầu được chồng con khen. Những lời khen cùng cảm giác chứng kiến chồng con hào hứng ăn những món ăn mình nấu khiến mình bắt đầu cảm thấy có hứng thú hơn với chuyện bếp núc. Mình càng sưu tầm nhiều công thức món ăn độc lạ hơn để về thực hành. Giờ đây sau 2 năm vào bếp, mình đã tự tin rất nhiều, tự tin với chồng và tất cả mọi người.
Mình nhớ có lần mình làm bánh trung thu gửi về nhà cho bố mẹ, bố mình ăn xong vẫn nghĩ là bánh đi mua chứ không nghĩ là bánh mình tự tay làm. Đến khi hàng xóm và các em nói thì bố mình mới tin đó là sự thật. (cười).
Chị có từng trải qua cảm giác hào hứng nấu cho chồng con một món ăn mới lạ rồi bất ngờ thất bại?
Có chứ! Có hôm hứng khởi mình muốn gây bất ngờ cho chồng con bằng một món ăn lạ mà ngon mình đọc được trên mạng. Mọi sự được thực hiện kỹ lưỡng từ khâu mua thực phẩm, gia công chế biến đến trang trí…Nhưng ở công đoạn nấu nướng cuối cùng, vì chưa có kinh nghiệm nên mình đã để quá lửa, thế là mất hẳn hương vị cần thiết của món ăn.
Nhìn chồng con ăn hôm ấy mình hiểu là món ăn quả thật có tính bất ngờ nhưng không thành công. Chồng mình khi đó cứ vừa ăn vừa bảo “Ăn lạ miệng thật, lần tới chắc chắn sẽ ngon”. Còn 2 con thì chỉ ăn một tí nhưng cứ khen mẹ làm đẹp thế.
Chị Hưng Giang và 2 con trai nhỏ.
Bà mẹ 8x khoe mâm thức ăn liên hoan chị một mình chuẩn bị cho lớp của con.
Chị nhận thấy tổ ấm của mình có nhiều thay đổi sau khi chị biết nấu ăn và nấu được những món ăn ngon?
Mình nhận thấy sự thay đổi rõ nhất là chồng con rất tích cực đi mua đồ cùng mình. Khi đến các gian hàng thực phẩm hay đồ dùng bếp núc, 2 con tranh nhau nói, mẹ mua thứ này mẹ mua thứ kia đi, mẹ nấu món này ngon lắm. Còn chồng thì chiều đi làm về hay hỏi, hôm nay nhà mình có món gì mới không nhỉ?
Nhìn chồng con quây quần bên mâm cơm háo hức với những món ăn nhìn đơn giản, hợp khẩu vị mình rất vui và hiểu là sự quan tâm đúng mức đến công việc bếp núc sẽ gia tăng sự gắn kết trong cuộc sống gia đình.
Tổ ấm của chị Hưng Giang ngày một gắn kết từ khi bà mẹ trẻ quan tâm hơn đến việc bếp núc.
Chị bắt đầu có nhiều người theo dõi trên facebook và nhận được những lời mời cộng tác viết bài bếp từ khi nào?
Thời gian đầu khi tham gia mạng xã hội, mình quan tâm nhiều đến vấn đề sức khoẻ và thời trang, sau này mới hứng thú với công việc nấu ăn. Sau khi tìm hiểu và thử nghiệm thành công một số món ăn, mình đưa lên facebook như một cách lưu giữ kỷ niệm, không nghĩ rằng sau đó nhận được phản hồi tích cực từ rất nhiều bạn.
Từ đây có nhiều người theo dõi trang facebook của mình và khoảng hơn một năm trở lại đây, mình nhận được nhiều lời mời cộng tác viết bài về nấu ăn.Có lẽ do đây là lĩnh vực có sự quan tâm đặc biệt của đông đảo chị em phụ nữ và có ảnh hưởng nhiều đến cuộc sống gia đình.
Nhiều bà mẹ ngại "bày vẽ" vì không có thời gian và sợ phải dọn dẹp, quan điểm của chị như thế nào?
Đúng là thời gian hàng ngày của các mẹ không thật dư dả vì còn phải đi làm, phải chăm lo từng tí cho con, phải quán xuyến công việc chung của gia đình chứ đâu chỉ riêng chuyện bếp núc. Nhưng như thế không có nghĩa là các mẹ không có thời gian cho nấu nướng, quan trọng là biết cách sắp xếp thời gian cho hợp lý.
Cá nhân mình không ngại việc bày vẽ và dọn dẹp. Mình thấy nếu mọi việc diễn tiến khoa học thì sẽ đâu vào đó thôi.
Theo chị, người chồng và các thành viên trong gia đình nên làm thế nào để vợ có cảm hứng, niềm vui trong việc nấu ăn?
Chồng (và cả các con nữa) là những người đầu tiên thưởng thức (và cũng có thể là chịu thử thách) những món ăn do mình nấu. Dĩ nhiên thái độ, cảm nhận của chồng con đối với việc đó như thế nào rất quan trọng.
Theo mình nghĩ, sự khích lệ đúng thời điểm và sự đánh giá đúng mức là những yếu tố quyết định để bạn tiếp tục tìm tòi trong chuyện bếp núc. Ngược lại, bạn sẽ rất khó có cảm hứng và niềm vui trong việc nấu ăn nếu như chỉ luôn nhận từ chồng con những lời chê bai, phàn nàn, hay những lời tán dương, bốc đồng không thực tế. May mắn chồng con mình không phải là người như vậy.
Xin cám ơn chị về cuộc trò chuyện thú vị và cùng ngắm những món ăn ngon đẹp do chị Tô Hưng Giang thực hiện: