Mặc dù diễn ra vào cùng một ngày nhưng mâm lễ cúng Chúng sinh và mâm lễ cúng Vu Lan lại vô cùng khác nhau.
Rằm tháng 7 âm lịch được gọi là lễ Vu Lan nhằm báo hiếu ông bà tổ tiên, tưởng nhớ đến người thân đã khuất. Bên cạnh đó, ngày Rằm tháng 7 cũng trùng với lễ cúng cô hồn (cúng chúng sinh). Chính vì có sự trùng nhau về thời gian nên đã có nhiều người nhầm lẫn hai lễ này là một.
Lễ Vu Lan và lễ cúng chúng sinh khác nhau thế nào?
Theo chuyên gia phong thủy Bùi Quang Minh, Lễ Vu Lan là để báo hiếu trời Phật, các vị thần linh, tổ tiên, ông bà đã sinh ra chúng ta. Đồng thời, xin xóa tội và giảm tội cho những người thân lúc sống ở trần độc ác xuống âm phủ bị phạt tội. Các gia đình làm lễ gửi quà cho vua Âm phủ để người nhà đã chết không bị giam nữa hoặc giảm tội.
Còn lễ cúng Chúng sinh là lễ mời các vong trẻ bị người đời bỏ rơi chết không ai thăm viếng, cúng bái cho ăn. Đó còn gọi là vong lang thang không có nơi có chốn, việc cúng chung sinh để những vong đẩy khỏi hận thù.
Lễ cúng Vu Lan và lễ cúng Chúng sinh khác nhau. (Ảnh internet)
Chia sẻ cụ thể hơn về 2 lễ cúng này, chuyên gia phong thủy Song Hà cho biết thêm, ngày Lễ Vu Lan bắt nguồn từ sự tích về lòng hiếu thảo của một đệ tử lớn của Phật tổ là bồ tát Mục Liên. Mẹ của ông Mục Liên vì làm nhiều điều sai trái nên bị đọa vào kiếp ngạ quỷ nơi ngục A Tì. Vì muốn cứu mẹ khỏi kiếp ngạ quỷ nên đã cầu xin Đức Phật chỉ cho cách để cứu mẹ ra… Ông Mục Liên đã làm đúng lời Phật dạy và quả nhiên mẹ ông được thoát khỏi ngạ quỷ và sinh về cảnh giới lành.
Câu chuyện trên là một tấm gương về lòng hiếu thảo, và là nguồn gốc của Đại lễ Vu Lan báo hiếu. Cứ đến Rằm Tháng 7, các gia đình thường lên chùa làm lễ, cầu siêu tỏ lòng báo hiếu đến cha mẹ, ông bà, tổ tiên... vào ban ngày. Sau đó về nhà làm mâm cơm chay thắp hương lên bàn thở Phật và bàn thờ gia tiên.
Chuyên gia phong thủy Song Hà.
Nói về lễ cúng chúng sinh, chuyên gia Song Hà cho hay, nhiều người vẫn biết tháng 7 Âm được dân gian quan niệm là tháng "cô hồn". Từ ngày 2/7 Âm lịch, Diêm Vương cho mở Quỷ Môn Quan, cho ma quỷ túa ra tứ phương và đến sau 12h đêm ngày 14/7 thì kết thúc và các ma quỷ phải quay lại địa ngục.
Theo đó mà cứ đến tháng này, người Việt sẽ có những nghi lễ xua đuổi ma quỷ, gọi là lễ cúng cô hồn. Người ta quan niệm tháng này trên dương thế có nhiều quỷ đói quấy rối nên phải cúng cháo, gạo muối cho chúng để tránh xui xẻ mang đến bình an cho cả gia đình.
Ngoài ra lễ cúng cô hồn còn để cúng thí cho những vong hồn vật vờ, không có thân nhân cúng bái trên trần gian. Nói chung, việc lập đàn lễ cúng cô hồn có ba mục đích:
- Tha tội cho tất cả những người chết (xá tội vong nhân)
- Xua đuổi quỷ ma, cầu bình an cho gia chủ
- Cúng thí cho những vong hồn vật vờ, không ai cúng bái (cô hồn).
“Bình thường để làm lễ cúng cô hồn, thực tế ta có thể lập đàn cúng ở bất kỳ ngày nào trong thời gian từ mùng 2 đến ngày Rằm, tuy nhiên thường người Việt sẽ làm vào đúng ngày Rằm hoặc sớm là ngày 14/7 âm thôi. Lễ cúng cô hồn thường làm vào buổi chiều tối. Mâm cúng lễ nên đặt ngoài sân, không đặt ngoài bậu cửa. Có thể lên chùa lễ cúng cô hồn nếu gia chủ không muốn chuẩn bị tại nhà”, chuyên gia phong thủy Song Hà chia sẻ.
Cách chuẩn bị mâm lễ cúng Vu Lan
Lễ vật cúng Vu Lan:
Theo chuyên gia phong thủy Bùi Quang Minh, cúng Vu Lan cần chuẩn bị mâm cơm canh, vàng mã, hoa, quả, bánh kẹo, trầu cau, quần áo biếu tổ tiên, cụ thể:
- 1 đĩa trầu cau
- 1 lọ hoa tươi (hoa sen, hoa huệ...)
- 1 đĩa trái cây
- Hương
- Trà
- Rượu
- Vàng mã (bao gồm quần áo, giày dép, áo bào... tiền vàng)
- Đèn cầy hoặc nến
Mâm cỗ mặn cúng gia tiên:
Theo chuyên gia, nếu là mâm cũng mặn sẽ bao gồm món ăn truyền thống của người Việt ngày Tết. Nói chung tùy theo điều kiện, hoàn cảnh của gia chủ. Chẳng hạn, một mâm cỗ mặn cúng gia tiên Rằm tháng 7 gồm:
- 1 đĩa gà luộc
- 1 đĩa xôi
- 1 đĩa nem rán
- 1 đĩa giò lụa
- 1 đĩa miến xào gà
- 1 đĩa rau củ xào thập cẩm
- 1 bát canh miến hoặc canh măng
- Cơm trắng
Một mâm cỗ mặn hấp dẫn (Ảnh: Phạm Thu Hiền)
Mâm cỗ chay:
Ngoài ra, gia chủ có thể làm mâm cỗ chay cúng gia tiên ngày này. Các món chay tùy thuộc hoàn cảnh gia chủ. Chẳng hạn bạn có thể chuẩn bị các món dưới đây:
- 1 đĩa xôi
- 1 đĩa nem chay
- 1 đĩa rau củ luộc
- 1 đĩa nấm xào
- 1 bát canh nấm hoặc canh rau củ
- Bánh chay các loại
Một mâm cỗ chay đơn giản nhưng đẹp mắt (Ảnh: Tô Hưng Giang)
Gợi ý một vài mâm cỗ cúng Lễ Vu Lan:
Một mâm cỗ mặn gồm các món: Đùi gà rút xương hấp lá chanh - Nem rán - Gà rang muối - Chim cút quay - Nộm gà xé phay - Ngô chiên - Tôm hấp nước dừa - Mực xào thập cẩm - Gà xào sả ớt - Xôi hạt sen, dừa nạo - Cuốn mùa xuân - Rau cải chip, nấm hương luộc - Canh thập cẩm - Phồng tôm chiên ngũ sắc (Ảnh: Thiên Cầm)
Mâm cỗ chay gồm các món: Bánh bao chay, hoa thiên lý xào chay, canh đậu hũ chay, đậu hũ sốt nấm chay, cà tím sốt chay, hoa quả... (Ảnh: Đặng Việt Linh)
Mâm cỗ chay gồm canh bầu nấm, ngô chiên, xôi hạt sen lá dứa, nấm xào chay, đậu hũ sốt nấm, rau mầm, chả chay, chè đậu xanh (Ảnh: Quỳnh Trang)
Mâm cơm chay ngon gồm: Đậu hũ nhồi hạt sen - Đậu hũ bao bố - Canh boa ro nấu đậu hũ non - Salad rau củ - Cà ri chay - Chả giò chay - Bánh mì dùng kèm cà ri và rau dùng kèm chả giò. Chị Hồng Ánh cho biết, do là món chay nên đa phần các món đều có thành phần chính là đậu hũ kết hợp cùng các nguyên liệu khác, rất thanh đạm, đẹp mắt và ngon miệng (Ảnh: Hồng Ánh)
Một mâm cỗ mặn gồm các món truyền thống như tôm hấp, nem rán, giò nạc, gà luộc, canh khoai sọ rau rút, xôi gấc, miến xào thập cẩm (Ảnh: Trần Thị Minh)
Cách chuẩn bị mâm lễ cúng chúng sinh
Chuyên gia Bùi Quang Minh cho biết, cúng chúng sinh cần lễ là quần áo chúng sinh, bim bim, bỏng và cháo giống mua đồ cho trẻ nhỏ.
Mỗi vùng miền khác nhau mà mâm cúng cũng khác biệt nhưng không bao giờ cúng xôi, gà, heo, những món ăn mặn vì sẽ khơi dậy tham, sân, si mà chỉ bằng món ăn chay.
Mâm lễ cúng Chúng sinh là những món chay (Ảnh internet)
Về cơ bản, mâm cúng Chúng sinh nên chuẩn bị những lễ vật như sau:
- Hoa quả (chọn 5 loại quả tươi, sạch, không bị úng thối).
- Tiền vàng mã (tiền vàng 15 bộ, quần áo bằng giấy 20 bộ, các đồ dùng mã).
- Muối hạt sạch.
- Một ít gạo tẻ.
- Hương thắp (nhang).
- Trầu cau (lá trầu và quả cau phải đẹp, không được sứt mẻ hoặc bị rách).
- Bánh kẹo các loại.
- Nước (nước lọc sạch).
- Nấu bát canh khoai tây với xương.
- Cơm và 1 quả trứng luộc.
- Bỏng ngô, bỏng gạo,…
- Mía chặt thành khúc.
- Khoai lang (khô, sắn luộc).
- Hoa cúc