Cỗ cúng giao thừa bao gồm trong nhà và ngoài trời.
Theo tục lệ của người Việt từ xa xưa, cúng giao thừa là việc không thể thiếu khi thời điểm năm cũ kết thúc, mở đầu một năm mới. Người ta nói đây là lễ tống cựu nghinh tân (tiễn cũ và đón mới). Việc cúng giao thừa là để đón các Thiên binh (12 vị Hành khiển). Cứ hết một năm, vị Thiên binh cũ sẽ giao công việc cho vị Thiên binh mới để cai quản. Vì việc bàn giao, tiếp quản công việc hết sức khẩn trương nên bàn cúng thường được đặt ở ngoài cửa chính mỗi nhà. Các vị Thiên binh chỉ có thể dừng vài giây ăn vội vàng hoặc mang theo, thậm chí chỉ chứng kiến lòng thành của chủ nhà.
Mâm cỗ cúng giao thừa đơn giản ngoài trời (Ảnh Internet)
Theo chuyên gia phong thuỷ Nguyễn Song Hà, trước giờ Tý phải làm lễ tiễn quan đương niên cũ, sau đó đón quan đương niên mới. Và chính giờ Tý (12 giờ đêm) thì đón giao thừa thì cúng ngoài sân, rồi mới tiếp tục cúng cộng đồng gia Thần, cộng đồng gia tiên ở trong nhà.
Lễ vật cúng giao thừa ngoài trời
Mâm cỗ cúng giao thừa truyền thống gồm có các lễ vật:
- Mâm ngũ quả
- Hương (nên là 3 cây nhang to)
- Hoa Đèn/nến Trầu cau Muối gạo
- Trà rượu
- Quần áo mũ nón thần linh
- Thủ lợn luộc
- Gà trống luộc
- Xôi
- Bánh chưng
Tất cả được bày lên bàn trang trọng đặt ở trước cửa nhà. Mâm cúng giao thừa ngoài trời không cần quá cầu kì như mâm cúng giao thừa trong nhà nhưng cần phải được chuẩn bị với lòng thành, chế biến sạch sẽ và trình bày gọn gàng. Chuyên gia phong thuỷ Nguyễn Song Hà cho biết, lễ cúng giao thừa được cử hành vào giờ Tý (từ 23 giờ ngày 30 tết đến 1 giờ mồng 1 tết).
Mâm cỗ cúng giao thừa trong nhà (Ảnh: Hồng Nhung)
Lễ vật và cỗ cúng giao thừa trong nhà
Mâm cúng giao thừa trong nhà cũng bao gồm những lễ vật như mâm cúng ngoài trời hoặc các món ăn Tết truyền thống như nem rán, canh măng, giò lụa, gà luộc, giò thủ...
Ngoài ra còn có các lễ vật khác như:
- Mâm ngũ quả
- Trầu cau
- Tiền vàng, bánh kẹo, mứt tết.
Chuyên gia Nguyên Song Hà cho biết, mâm cỗ mặn sẽ đặt bên dưới bàn thờ hoặc ở bàn khác, không bày lên bàn thờ.
Sau khi cung kính bày lễ, đặt xong mâm cúng, người lớn tuổi nhất trong gia đình ăn mặc chỉnh tề, xúc miệng rượu thơm, đốt đèn nến, thắp hương thơm và thành kính lễ Giao thừa trong nhà, khấn thần linh và mời tiền nhân về ăn Tết cùng con cháu.
Lễ cúng giao thừa cần hoàn thành trước 1 giờ ngày mùng 1 Tết. Các gia đình nên có sự chuẩn bị kĩ lưỡng để lễ cúng diễn ra thong thả, đúng nghi thức và cùng hướng đến một năm mới 2023 âm lịch Quý Mão nhiều phúc lộc, bình an.
Gợi ý những ý tưởng cho mâm cỗ cúng giao thừa đủ món ngon, đẹp mắt:
Mâm cỗ Tết ngon của chị Hồng Nhung có thể thực hiện để cúng giao thừa.
Cỗ Tết nhà chị Hương Nguyễn.
Cỗ Tết ngon nhà chị Minh Thuận hoàn toàn phù hợp tham khảo làm cỗ cũng giao thừa.
Mâm cỗ Tết ngon nhà chị Trần Thị Tuyết.
* Bài viết chỉ mang tính chất tham khảo.