Đây chính là mối quan tâm của rất nhiều khán giả khi thời gian diễn ra chung kết đang ngày một đến gần.
Chỉ còn rất ít thời gian nữa là chung kết MasterChef mùa đầu tiên sẽ được truyền hình đến hàng triệu khán giả. Trong hai thí sinh xuất sắc nhất: Quốc Trí và Thanh Hòa, ai sẽ là người trở thành Vua đầu bếp? Có rất nhiều khán giả đặt câu hỏi, liệu trong mùa giải này, MasterChef VN có lặp lại kịch bản của phiên bản gốc MasterChef Mỹ năm 2010?
Kết quả bất ngờ của MasterChef US mùa 1
Kết quả MasterChef US trong mùa đầu tiên 2010 rất bất ngờ khi cô sinh viên trẻ, Whitney, 22 tuổi giành chiến thắng trước anh chàng David Miller, kỹ sư phầm mềm đầy tài năng, kinh nghiệm và cũng hơn cô nhiều tuổi.
Cuộc thi diễn ra gay cấn và hồi hộp. Cả Whitney và David phải trình bày trước ban giám khảo 3 món ăn: một món khai vị, món chính và món tráng miệng.
Sự lựa chọn món ăn rất tình cờ hoặc đó là sự tính toán trước của người thi đấu. Các món của cả hai thí sinh được chia thành hai trường phái vô cùng riêng biệt, thậm chí là đối lập nhau. Whitney chọn nấu tất cả các món từ những nguyên liệu rẻ tiền nhất, những món ăn dân dã nhất đã gắn liền với cuộc sống ở quê hương miền Nam của cô.
Trái lại, David lại chọn cho mình con đường ẩm thực của sự xa hoa, sang trọng. Những nguyên liệu của anh đều được coi là đắt nhất thế giới.
David Miller đã quá tham vọng khiến cho anh có sự lựa chọn món chính một cách sai lầm
Dù là nguyên liệu đắt tiền hay rẻ tiền thì cả hai đều rất có tham vọng với ngôi vị Vua đầu bếp. Tuy nhiên, riêng với David, sự tham vọng dường như che mất sự tỉnh táo khi anh lựa chọn món bò Wellington làm món chính. Bò Wellington chế biến theo công thức của giám khảo Gordon Ramsay, một món ăn mà vị giám khảo nổi tiếng thế giới phải nấu trong nhiều năm mới thành công. Có lẽ, David đã quá tự tin, hơi khoa trương và muốn khẳng định kỹ năng của bản thân với BGK nhưng chính việc "múa rìu qua mắt thợ" khiến anh phải hối tiếc. Món bò Wellington đã không thể bằng “phiên bản gốc”.
Whitney, cô sinh viên trẻ 22 tuổi đã chiến thắng Vua đầu bếp trước David Miller, một kỹ sư phần mềm nhiều tài năng và kinh nghiệm nấu ăn
Còn Whitney, trước khi kết thúc cuộc thi đấu 15 phút, có thể vì quá vội vàng và căng thẳng, cô đã làm rơi món gà rán xuống đất. Công sức trong 2 tiếng đồng hồ bỗng dưng tan biến. Nhưng khát vọng chiến thắng khiến cô gái trẻ không lùi bước, sau một khoảng thời gian định thần, Whitney đã thực hiện lại món chính chỉ trong 7 phút. Và cuối cùng, sự nỗ lực cho đến phút cuối của cô đã được đền đáp. Danh hiệu cao nhất đã được trao cho cô.
Xét về kinh nghiệm, có thể David hơn Whitney nhiều nhưng điều đó chưa phải là tất cả. Một chút may mắn cộng với sự tập trung, cách lựa chọn đúng đắn, an toàn cũng là nhân tố quyết định cho việc thành công hay thất bại. Và trong trận đấu đã đi vào lịch sử MasterChef Mỹ này, với những thành tố đó, người trẻ tuổi - Whitney đã giành chiến thắng.
Liệu MasterChef VN có lặp lại kịch bản?
Từ kết quả của MasterChef Mỹ mùa đầu tiên, nhiều người lại liên tưởng đến chung kết MasterChef Việt sắp tới. Bởi thật ngẫu nhiên, đây cũng là cuộc thi đấu giữa một người trẻ (19 tuổi) – Quốc Trí với một người hiện tại được coi là đối thủ mạnh nhất và ứng cử viên vô cùng sáng giá cho ngôi vị cao nhất (39 tuổi) – Thanh Hòa. “Bối cảnh” này "từa tựa" phiên bản gốc khiến người ta phải suy nghĩ.
Nhưng nếu xét cả hành trình mà hai thí sinh này đã trải qua và những kết quả mà họ đạt được thì cũng thật khó dự đoán:
Từ 6-7 tuổi, Thanh Hòa đã tập nấu cơm và luộc rau phụ giúp bố mẹ. Lớn lên, đi học ở nước ngoài, cuộc sống độc lập đã tạo cho anh điều kiện trau dồi khả năng nấu nướng. Cũng trong quá trình này, anh từng làm thêm rất nhiều công việc, vị trí khác nhau trong nhà hàng. Từ những việc như lau ly, bồi bàn, pha cà phê, pha chế rượu cho đến quản lý nhà hàng… Có lẽ, từ những trải nghiệm thực thế đó, cộng hưởng với lòng đam mê lớn về ẩm thực đã hun đúc ở người đàn ông 39 tuổi này một kỹ năng nấu ăn khiến người ta phải nể phục.
Thanh Hòa đến với Vua đầu bếp bằng một khởi đầu thật gian nan nhưng cũng vô cùng ấn tượng. Thử sức đầu tiên tại vòng Audition... thất bại, anh đã không ngại ngần quay trở lại thuyết phục BGK cho mình cơ hội thứ 2. Nhờ có sự tự tin và niềm đam mê nấu nướng, anh đã được giám khảo đồng ý, điều mà không phải thí sinh nào cũng dám làm. Anh chàng Việt kiều Úc “đầu trọc” này luôn được giám khảo đánh giá cao trong mỗi tập thi. Với thế mạnh là chế biến các món Âu – Á kết hợp (nhất là hải sản) và khả năng trang trí, Thanh Hòa trở một trong những đối thủ đáng gờm nhất trong MasterChef từ rất sớm.
Trong suốt 19 tập thi (trừ vòng Audition), chưa một lần anh rơi vào top nguy hiểm, thường xuyên nằm ở top đầu và số lần có món ăn xuất sắc cũng khá dày đặc
Cá hồi áp chảo sốt cam, Tôm hùm đút lò, Cá cơm kho ăn với cơm, Cá thu chiên xốt cà chua, Cá diêu hồng áp chảo xốt cà chua, Chả tôm... là những món ăn đã đưa Thanh Hòa vào những top đầu của cuộc thi. Anh cũng là một đội trưởng mà các thí sinh khác thích làm việc chung vì tài lãnh đạo khoa học, bình tĩnh, điềm đạm và đầy trách nhiệm của mình. Trong suốt 19 tập thi (trừ vòng Audition), chưa một lần anh rơi vào top nguy hiểm, thường xuyên nằm ở top đầu và số lần có món ăn xuất sắc cũng khá dày đặc. Người ta nhìn thấy ở anh một cái kết rất an toàn.
Món cá diêu hồng áp chảo sốt chua ngọt của Thanh Hòa gây ấn tượng với BGK
Cá diêu hồng hấp tương
Tuy nhiên, cũng dễ dàng nhận thấy, thế mạnh của anh là chế biến các nguyên liệu từ hải sản, đặc biệt là cá. Có sở trường là một điều rất tốt nhưng không phải tốt cho mọi hoàn cảnh. Vì thế, ở chặng cuối cùng, liệu anh có vượt được chàng “hoàng tử của các món tráng miệng” Quốc Trí hay không chúng ta vẫn còn phải đợi chờ cho đến phút cuối!
Quốc Trí và Thanh Hòa: Ai sẽ là người trở thành Vua đầu bếp vẫn còn là một ẩn số đến tận phút chót?
Còn Quốc Trí, chỉ mới 19 tuổi, tuy được đặt bên cạnh một Thanh Hòa đầy kinh nghiệm nhưng không vì thế mà dễ dàng từ bỏ đam mê và khát vọng ngôi vị Vua đầu bếp.
Từng là một học sinh giỏi, một bí thư đoàn năng nổ của trường và đang là một sinh viên nhiều triển vọng nhưng Trí vẫn quyết định gác lại việc học đại học để theo đuổi đam mê ẩm thực.
Tự nhận mình là một người khá vui vẻ, hòa đồng, lạc quan, ý chí bền bỉ vượt qua mọi thử thách. Có lẽ, chính với những cá tính này mà người ta chứng kiến được sự trưởng thành trong kỹ năng nấu ăn của Trí qua mỗi vòng thi.
Quốc Trí dần trưởng thành sau mỗi vòng thi
Trí từng chia sẻ, anh tham gia MasterChef để khẳng định bản thân và tìm kiếm sự công nhận của những đầu bếp có chuyên môn, từ đó mở ra những bước khởi đầu cho con đường chinh phục nghề bếp.
Chàng trai trẻ tuổi nhất cuộc thi ngay từ vòng Audition đã khiến các giám khảo bị cuốn hút với sự nhanh nhẹn, thông minh và khả năng làm những món tráng miệng tuyệt vời. Được mệnh danh là "hoàng tử của các món tráng miệng" nên liên quan đến những thử thách này, Trí luôn nằm trong nhóm các thí sinh xuất sắc. Món ăn để lại nhiều ấn tượng nhất của Trí từ đầu cuộc thi có thể chính là món Panna cotta Rượu vang, một sự sáng tạo được truyền cảm hứng khi anh xem MasterChef All Stars của Úc.
Có lẽ những ai xem Vua đầu bếp cũng sẽ không quên, Quốc Trí là người duy nhất được nhận phần thưởng đặc biệt của chương trình (trong suốt 19 tập vừa qua) – một chiếc lò nướng với trị giá hơn 28 triệu đồng khi chiến thắng trong lần làm bánh cupcake. Với chiến thắng này, Trí đã có thêm động lực để cố gắng vươn xa hơn nữa trong hành trình. Trí còn được khen ngợi và đánh giá cao với các món như Chè tổ yến, Chè bột lọc bọc đậu phộng, Món ăn Nhật...
Món tráng miệng là thế mạnh của Quốc Trí
So với Thanh Hòa, trong những chặng đầu tiên, Trí vẫn chưa thực sự nổi bật và khẳng định được kỹ năng của mình. Nhiều lần Trí bị rơi vào top nguy hiểm, bị BGK mắng vì món ăn không đạt... Xảy ra các lần như vậy, những tưởng Trí sẽ là người phải ra về trong những tập sau. Nhưng cái kết đó đã không diễn ra, mà người ta chỉ thấy Trí ngày càng bứt phá không ngờ. Có lẽ từ tập 11 trở đi, người xem ít thấy Trí gặp "nguy hiểm" mà dần dần tìm chỗ đứng cho mình ở các top đầu và an toàn. Trí cũng đã có 2 lần trở thành đội trưởng và rất thành công với vai trò lãnh đạo này. Ý chí và nhiệt huyết của tuổi trẻ cộng tài năng đã đưa Trí vào chung kết một cách hoàn toàn xứng đáng.
Thế mạnh của Trí là các món tráng miệng kiểu Tây và món fusion (trường phái ẩm thực kết hợp các thành tố của các truyền thống ẩm thực khác nhau nhưng không nghiêng hẳn về trường phái nào). Trí cũng được đánh giá là người có thế mạnh về trang trí.
Tỉ lệ cược cho Thanh Hòa - Quốc Trí
Xét về kinh nghiệm nấu ăn, độ bình tĩnh, điềm đạm Thanh Hòa có vẻ nhỉnh hơn chàng trai trẻ Quốc Trí. Tuy nhiên, không phải vì thế chúng ta vội vàng kết luận về ngôi vị Vua đầu bếp.
Phần lớn khán giả đều nghiêng về phía Thanh Hòa bởi họ tin tưởng rằng, những gì anh đã thể hiện trong cả hành trình đã nói lên tất cả.
Trên nhiều trang mạng điện tử, fanpage cũng làm các cuộc bình chọn. Cho đến giờ phút này, đa số dự đoán người sẽ giành chiến thắng chung cuộc là Thanh Hòa với tỉ lệ cách biệt.
Trên các trang mạng điện tử...
... đến fanpage đưa ra dự đoán với những kết quả đều nghiêng về phía Thanh Hòa
Tuy nhiên, trong cuộc thi, có rất nhiều điều bất ngờ. Tài năng, sự tự tin và may mắn là những yếu tố không nhỏ ảnh hưởng đến kết quả. Vì thế, MasterChef VN có lặp lại kịch bản của Vua đầu bếp Mỹ mùa đầu tiên hay không (nói cách khác, liệu Quốc Trí có vượt qua Thanh Hòa để trở thành Quán quân hay không), chúng ta hãy cùng nhau đón chờ vào phút cuối nhé!