Đảm bảo ai cũng phải trầm trồ về độ hấp dẫn trong mâm cơm chay cúng Rằm tháng 7 mà chị Nguyễn Hoa thực hiện.
Là một người đảm đang, mê nấu ăn, lại vô cùng quan tâm đến các ngày lễ, Tết truyền thống nên Rằm tháng 7, chị Nguyễn Hoa (Hà Nội) đã dành rất nhiều công sức để chuẩn bị mâm cỗ dâng lê tổ tiên.
Chị chia sẻ, bản thân dành trọn vẹn 1 ngày Chủ nhật cho việc đi chợ, mua sắm nguyên liệu để về sơ chế và bắt tay vào nấu nướng. Thực đơn mâm cỗ được chị lên từ ngày hôm trước với từng món cụ thể nên việc mua bán cũng nhanh và nấu không lâu.
Chị Nguyễn Hoa.
"Cũng bởi mình có kinh nghiệm nấu nhiều năm nên khi đứng bếp 1 mình, mình thường kết hợp giữa việc nấu món nọ thì chuẩn bị món kia và nồi niêu bát đĩa cái nào xong là rửa dọn luôn nên sau khi mâm cúng hoàn thành cũng là lúc bếp núc gọn gàng không bừa bộn", chị Hoa nói.
Mâm cỗ chay cúng Rằm tháng 7 của chị Hoa năm này bao gồm 9 món chính, 1 món canh, 1 món xôi, 3 món chè. Tổng thời gian chị thực hiện mâm cỗ này là 6 tiếng, trong đó 2 tiếng đi chợ, còn lại là sơ chế và nấu nướng.
"Để việc đi chợ nhanh thì cần có danh sách cụ thể chi tiết từng món đồ cần mua và xếp hàng danh mục gần nhau để đến 1 chỗ mua cho tiện mà không phải vòng xe đi lại nhiều lần", chị bật mí.
Mâm cỗ chay cúng Rằm tháng 7 với 13 món hấp dẫn của chị Hoa.
Cùng tham khảo mâm cỗ chay 13 món của chị Nguyễn Hoa dưới đây:
1. XÔI LÁ DỨA CỐT DỪA
Nguyên liệu:
- Gạo nếp cái hoa vàng - Lá dứa - Cốt dừa - Muối.
Cách làm:
Gạo nếp đãi sạch. Lá dứa xay nhỏ lọc lấy nước ngâm cùng gạo nếp vài tiếng. Vớt gạo trộn cùng xíu muối (muốn màu xanh thêm vài giọt màu thực phẩm, với màu này lên màu xôi đẹp nhưng cần cho vài giọt thật nhỏ do màu này rất đậm).
Bắc nồi hấp cho xôi vào dùng đũa chọc vài lỗ để giúp xôi không bị đọng nước phần đáy. Hấp làm 2 lần, lần 1 khoảng 30 phút rồi để nghỉ khoảng 30-1 giờ. Hấp lần 2 cho phần cốt dừa đảo đều rồi hấp tiếp.
Lưu ý: Phần gạo nên chọn nếp cái hoa vàng hạt tròn mẩy dẻo ăn sẽ ngon hơn các loại gạo thông thường. Xôi thành phẩm dẻo thơm và béo bùi.
2. "NHO" SỐT CHANH
Nguyên liệu:
Khoai lang tím - Bột năng - Chanh leo - Đường - Cốt dừa - Dầu ăn.
Cách làm:
- Khoai gọt vỏ hấp chín nghiền nhuyễn (hoặc cho chút nước vào nồi đun mềm không cần hấp). Cho bột năng vào khoai thêm xíu muối, cốt dừa, xíu dầu ăn trộn đều (lượng bột năng cho từ từ để khi trộn thấy hỗn hợp có độ dẻo mịn ko khô ko nhão là được)
- Viên khoai thành từng viên tròn nhỏ xếp vào đĩa.
- Bắc nồi hấp cho khoai hấp cách thuỷ khoảng 10 phút cho chín.
- Chanh leo lọc lấy nước cốt, thêm nước lọc hoà tan cùng đường cho lên nồi đun cho cốt chanh hơi có độ keo lại tắt bếp. Chan đều phần sốt chanh phủ lên mặt khoai.
3. SEN XANH ĐẠI DƯƠNG
Nguyên liệu:
- Củ sen tươi
- Hoa đậu biếc (có thể tuỳ chọn loại màu hoặc để trắng)
- Đường - Dấm - Cốt dừa - Dầu ăn
Cách làm:
- Củ sen gọt vỏ thái lát ngâm nước cho đỡ đen
- Hoa đậu biếc ngâm lọc lấy nước cốt.
- Cho củ sen đã thái vào ngâm cùng nước đậu biếc khoảng 1h cho lên màu.
- Bắc chảo lên bếp láng chút dầu ăn cho phần củ sen ngâm cùng nước đậu biếc vào đảo đều. Thêm xíu dấm cốt dừa vào đun đến khi cạn nước còn sệt sệt là được.
Lưu ý: Món này ăn khá ngon bởi sen có độ giòn, có độ béo của cốt dừa nhưng ko ngấy do có vị chua của giấm.
4. TRỨNG CUỘN RAU XANH
Nguyên liệu:
- Trứng gà công nghiệp - Rau bất kì (tuỳ sở thích) - Dầu ăn - Sữa tươi không đường (tuỳ sở thích không cho cũng được).
Cách làm:
- Rau xanh rửa sạch thái khúc vừa.
- Trứng tách lòng đỏ và trắng riêng.
- Cho lòng trắng trứng vào phần rau xanh đã thái đánh đều cho tan trứng. Thêm chút gia vị, dầu ăn, sữa tươi.
- Bắc chảo lên bếp láng dầu qua chảo để nhiệt độ to cho chảo dầu nóng rồi hạ thật nhỏ lửa đổ trứng rau vào. Trứng se mặt cuộn nhẹ tròn đều (phần lửa hạ nhỏ sẽ giúp trứng không bị phồng to mặt). Cuộn xong đẩy trứng lên phần đầu chảo.
- Tiếp tục đánh tan lòng đỏ trứng cùng các loại gia vị như trên, đổ trứng vào chảo láng đều và hạ nhỏ lửa. Từ từ cuộn lớp lòng trắng trứng lên mặt lòng đỏ để lòng đỏ bao lớp bên ngoài và lòng trắng nằm gọn lớp bên trong. Khâu này cần nhẹ tay tránh trứng bị vỡ hay để lửa to khiến trứng bị phồng.
5. NẤM HƯƠNG RIM XÌ DẦU
Nguyên liệu:
- Nấm hương khô - Xì dầu - Hành lá.
Cách làm:
Nấm hương khô ngâm nở mềm rửa sạch vắt ráo nước.
Đun nóng dầu cho nấm vào đảo đều cùng xì dầu.
Thêm nước và đậy vung cho nấm chín. Nước đun còn độ sệt rắc hành lá vào tắt bếp.
Lưu ý: Nấm hương nên xào còn chút nước nấm ăn sẽ mềm có vị ngọt ngon hơn xào khô.
6. TRỨNG CÁCH THUỶ
Nguyên liệu:
Trứng gà công nghiệp - Nước - Sữa tươi không đường - Xì dầu - Dầu ăn.
Cách làm:
- Trứng gà đập bỏ vỏ cho thêm nước lọc + sữa tươi không đường + chút dầu ăn đánh tan đều.
- Lọc trứng qua chiếc muỗng lọc để bỏ phần lợn cợn.
- Cho trứng đã lọc vào âu, bát hoặc đĩa sâu lòng bọc màng bọc thực phẩm kín bề mặt.
- Bắc nồi hấp lên bếp để lửa vừa canh cho chín (dùng tăm nhọn xăm bề mặt màng bọc để trứng được thoát hơi.
- Đun xì dầu thêm gia vị và xíu nước tạo thành phần nước sốt có vị thơm ngon chan lên phần trứng vừa hấp chín.
Lưu ý: Món này nên ăn nóng và thành phẩm thành công là khi trứng có độ mềm béo ngậy ăn gần giống caramen. Nếu bị cứng là hỏng.
7. ĐẬU ĐŨA LUỘC
8. KHOAI NGHIỀN BỌC PHÔ MAI
Nguyên liệu:
- Khoai tây - Phô mai (có thể không cần nếu không thích béo) - Cốt dừa - Muối - Dầu ăn - Cà rốt.
Cách làm:
- Khoai tây gọt vỏ hấp chín hoặc nấu chín.
- Nghiền nhuyễn khoai tây.
- Trộn đều cùng cốt dừa, muối, xíu dầu ăn.
- Tỉa cánh cà rốt theo sở thích, luộc chín sơ rồi phủ lớp khoai nghiền lên trên.
- Nếu bọc phô mai thì cần hấp cho chín lại nếu không bọc phô mai thì cứ thế thưởng thức nhé.
9. ĐẬU TẨM VỪNG
Nguyên liệu:
Đậu phụ bìa cứng - Lá rong biển - Bột mì hoặc bột chiên giòn hoặc bột ngô đều được - Vừng - Xì dầu - Dầu ăn.
Cách làm:
- Đậu phụ thái khúc quân chì lăn qua lớp bột rồi cuốn nhẹ tay 1 lớp lá rong biển ở giữa.
- Đun nóng dầu ăn thả đậu phụ vào chiên vàng đều các mặt.
- Đun sốt xì dầu cùng xíu đường, hạt nêm, nước thả đậu vào rim cùng có độ sệt sệt tắt bếp rắc vừng lên trên ăn nóng.
Lưu ý: Món này đậu được bọc qua lớp bột nên bên trong giữ được độ mềm béo của đậu mà không bị khô.
10. CANH RONG BIỂN CỦ SEN
Nguyên liệu:
Rong biển khô - Củ sen - Đậu phụ sống.
Cách làm:
- Củ sen tận dụng phần còn dư ở món sen đại dương.
- Đậu phụ thái khúc vừa.
- Rong biển ngâm nước cho nở rửa sạch vắt ráo nước.
- Đun sôi nước cho các loại gia vị và dầu ăn cho vừa thả rong biển và củ sen vào đun chín. Gần tắt bếp thả đậu phụ đun sôi lại rồi tắt bếp.
11. MIẾN XÀO TƠI SỢI
Nguyên liệu:
- Mộc nhĩ - Cà rốt - Hành lá - Trứng - Hành khô.
Cách làm:
- Mộc nhĩ ngâm nước nóng cho nở to mềm rửa sạch thái sợi nhỏ.
- Cà rốt gọt vỏ bào sợi.
- Hành lá cắt khúc dài.
- Miến ngâm qua nước nguội rồi chần nhanh qua nước sôi tiếp tục vớt ra xả qua nước nguội rồi để ráo cho khô nước.
- Trộn đều chút dầu ăn cùng miến, đập lòng đỏ trứng hoặc cả lòng trắng cũng được trộn đều (khi trộn cùng trứng có thể nó nhão, cứ kệ nó nhé lát xào nó sẽ khô cong).
- Phi thơm hành khô cho mộc nhĩ vào xào nêm nếm gia vị rồi cho cà rốt vào đảo cùng, tiếp tục đổ phần miến vào đảo cùng. Đảo đến khi thấy sợi miến khô tơi lại bỏ hành vào đảo đều tắt bếp.
12. CHÈ HOA CAU CỐT DỪA
Nguyên liệu:
Đậu xanh - Cốt dừa - Đường phèn - Dừa sợi - Nước lọc - Bột sắn dây
Cách làm:
- Đậu xanh ngâm nở to hạt rửa sạch hấp cách thuỷ hoặc đun chín như nấu cơm.
- Bắc 1 nồi nước, thả đường phèn vào đun tan sôi nước (lượng nước theo nhu cầu nhiều ít)
- Hoà bột sắn dây cùng nước cho tan rồi từ từ cho vào nồi, dùng đũa khuấy thấy nước hơi sánh là vừa. Cho thêm vài thìa cốt dừa vào khuấy cùng.
- Nước chè sôi cho phần đậu xanh hấp chín vào đun một chút. Canh chừng thấy hạt đậu nở tung ra tắt bếp tránh bị nát hạt đậu.
- Phủ dừa lên trên hoặc trộn đều dừa cùng nồi chè đều được.
Lưu ý: Chè thành công là có vị thanh mát, hạt đậu mềm nở không bị cứng. Có vị thơm béo của cốt dừa và sợi dừa tươi.
13. CHÈ TRÔI NƯỚC NGŨ SẮC
HOA QUẢ BÀY THÊM
Chúc các bạn thành công!