Lạp xưởng tự làm vừa thơm ngon lại đảm bảo an toàn thực phẩm, các bạn hãy cùng thử nhé!
Cứ mỗi độ Tết về, không khí chuẩn bị đón năm mới lại rộn ràng khắp nơi. Trong mỗi gia đình Việt, việc làm các món ăn truyền thống đã trở thành nét văn hóa đẹp, vừa giữ gìn bản sắc, vừa mang ý nghĩa sum họp, đoàn viên. Giữa những món ăn ngày Tết như bánh chưng, dưa hành, giò xào... thì lạp xưởng là một hương vị đặc biệt, đậm đà và hấp dẫn, khiến ai thưởng thức cũng khó quên. Với lớp vỏ đỏ au, nhân thịt thơm lừng, lạp xưởng không chỉ là món ngon trên mâm cơm ngày Tết mà còn là món quà biếu đầy ý nghĩa, gửi gắm lời chúc thịnh vượng, hạnh phúc đến người nhận. Hãy cùng khám phá cách làm lạp xưởng ngay tại nhà, vừa đảm bảo chất lượng, vừa mang đến hương vị chuẩn vị ngày Tết truyền thống theo công thức của chị Mỹ Châu (Lạng Sơn) dưới đây.
Chị Mỹ Châu chia sẻ, "Chắc hẳn vẫn có người nhầm tưởng rằng lạp xưởng là phải hun khói, nhưng ở vùng đất Lạng sơn có 1 loại lạp sườn không phải hun khói, không phải vị ngọt mà là lạp xưởng phơi gió có vị mặn vừa phải. Lạp xưởng này ăn với cơm rất hợp và thưởng thức vào tiết trời se lạnh.
Nhờ quá trình phơi gió hanh mà lạp xưởng giữ được độ ẩm bên trong, tạo cảm giác mềm ngọt khi thưởng thức. Thịt có chút săn chắc, nhưng khi cắn vào lại rất mềm, không bị khô cứng, hòa quyện với gia vị đặc trưng là gừng Núi. Đây chính là điểm làm nên sự khác biệt cho lạp xưởng phơi gió Lạng Sơn so với các loại lạp xưởng khác".
Chị cũng cho biết, bản thân là người con gái Nùng ở vùng đất Lạng Sơn, gia đình có truyền thống làm lạp sườn nên đã rút ra được rất nhiều kinh nghiệm để cho ra vị lạp sườn mà đa số mọi người đều ăn được. Chính vì thế chị đã chia sẻ bí quyết làm lạp xưởng của gia đình để mọi người cùng tham khảo.
Nguyên liệu làm lạp xưởng:
- 5kg nạc vai tươi.
- 1kg mỡ heo (nhà nào không ăn mỡ nhiều có thể bỏ qua).
- 3-5 muỗng rượu mai quế lộ.
- 1kg lòng non.
- Hạt nêm, tiêu, muối.
- Gừng núi.
- Dây buộc.
Cách làm:
Bước 1: Sơ chế
- Thịt nạc vai và mỡ thái miếng nhỏ vuông trộn đều (hình ảnh).
- Lòng non đem rửa sạch và ken hết bên trong ra chỉ lấy lớp lòng mỏng như giấy khi đã ken xong.
- Muối đem rang trên chảo và để nguội.
- Gừng núi rửa sạch, giã lấy nước.
Bước 2: Trộn nhân
Trộn tất cả nguyên liệu với nhau, trừ phần vỏ lòng.
Bước 3: Nhồi nhân
Bắt đầu đem đi nhồi vào lòng. Nhồi bằng tay hoặc bằng máy. Nếu nhồi tay, bạn căng vỏ lạp xưởng rồi nhét vào đầu một cái phễu và dùng đũa để nhồi thịt vào vỏ lạp xưởng. Vừa nhồi vừa vuốt để nhân xuống đều.
Sau đó buộc từng khúc lại.
Bước 4: Phơi năng
Đem lạp xưởng đã nhồi xong phơi dưới nắng và gió 3-5 ngày cho se lại.
Sau thời gian này, cho lạp xưởng vào túi hút chân không, bảo quản ngăn đá trong 1 tháng.
Chúc các bạn thành công!