Thời gian gần đây, thông tin thịt lợn bị lằm giả thịt bò, thịt bò bị hô biến thành thịt dê… khiến người tiêu dùng hoang mang, lo lắng. Vậy làm thế nào để phân biệt thịt sạch, thịt bẩn?
Trao đổi với PV Người Đưa Tin, PGS.TS Nguyễn Duy Thịnh - Viện Công nghệ và Thực phẩm (Đại học Bách khoa Hà Nội) cho rằng, hiện nay, các thông tin về thịt động vật bị làm giả lan truyền trên mạng xã hội, phương tiện truyền thông khiến người tiêu dùng như lạc vào “ma trận”.
PGS.Thịnh nhận định, hiện vẫn tồn tại thực trạng vận chuyển, lưu thông thịt gia súc, gia cầm không đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm, nhiễm bệnh hoặc chưa được kiểm dịch… Bên cạnh đó, không loại trừ có việc làm giả, làm nhái các loại thịt gia súc.
“Theo tôi, việc làm giả thịt phải siêu tinh vi và cần đến sự hỗ trợ của hóa chất. Ví dụ, thịt bò giả thường được làm từ thịt lợn sề, thịt trâu chết bằng cách tẩm hoá chất.
Hoá chất có nguồn gốc tự nhiên không gây hại cho sức khoẻ, nhưng nếu tiểu thương sử dụng hoá chất có nguồn gốc công nghiệp sẽ ảnh hưởng đến sức khoẻ người tiêu dùng”, PGS. Thịnh khuyến cáo.
Nhiều người lo ngại thịt bị tẩm hóa chất khó phân biệt (Ảnh minh họa).
PGS.Thịnh cho rằng, người tiêu dùng cần có những kiến thức cơ bản khi lựa chọn các loại thịt đảm bảo an toàn vệ sinh.
Theo PGS.Thịnh các dấu hiệu nhân biết thịt gia súc tươi ngon cần lưu ý: Khi chọn mua các loại thịt gia súc, loại thịt ngon là khi dùng tay ấn vào miếng thịt tạo thành vết lõm nhưng không để lại dấu vết khi nhấc ngón tay ra.
Bên cạnh đó, thịt còn tươi, khi cắt thịt không thấy có nước, thịt không hao, chỗ vết cắt có màu sáng, khô. Thịt còn tươi khi màng ngoài thịt khô, không bị nhớt, khối thịt rắn chắc.; không có mùi lạ, mùi thuốc kháng sinh.
Thịt lợn thường có màu hồng tươi, không nhũn nhão, không rỉ dịch, có độ đàn hồi cao. Các thớ thịt đều. Đường cắt mặt thịt khô ráo, thịt hơi rít, cơ hơi se lại. Thịt ngon khi luộc có nước trong, váng mỡ to, có mùi thơm.
Thịt bò màu đỏ sẫm, thịt trâu màu tím; thịt có độ dính và mềm; mỡ màu trắng; trên mặt bì (da) không có những chấm đỏ tím, không bị những mảng bầm tím, tụ máu; gân có màu trong, mặt khớp láng và trong, dịch hoạt trong. Nên chọn những thớ thịt bò nhỏ, mềm, không quá mịn.
Đối với thịt gia cầm, PGS.Nguyễn Duy Thịnh khuyến cáo, thịt gia tươi ngon phải đạt được những yêu cầu sau: có màu sắc tự nhiên từ trắng ngà đến vàng tươi; da kín, mắt sáng, hậu môn không bị đen, thối; không nên mua gia cầm có dấu vết bầm hoặc tụ máu trên da.
Nên lựa chọn gia cầm có mùi vị bình thường, không có mùi lạ, không có phẩm màu. Với thịt chế biến sẵn phải thận trọng, chỉ nên mua ở những cơ sở biết rõ địa chỉ, không mua thịt bán ở các sạp, rổ, mẹt, giấy để sát đất, vì dễ lây nhiễm độc thịt.
Bên cạnh đó, để nhận biết gia cầm bị tiêm nước, khi chọn mua, người tiêu dùng cần lật cánh lên, nếu thấy có nốt kim màu đen tức là loại gia cầm đã bị tiêm nước; ấn trên mình thấy lồi lõm không phẳng dường như bị phồng dộp; nhìn lớp da thấy độ bong rõ rệt, lớp da trên thân không được phẳng đều, sờ tay vào như bị phù là gia cầm đã bị bơm nước.