Phần lớn gia đình người Việt vẫn làm cơm cúng tổ tiên những món ăn mặn trong ngày Rằm tháng 7 chứ không nhất thiết là làm món chay.
Những món ăn mặn truyền thống là lựa chọn của gia đình chị Thủy (Thái Hà, Hà Nội) để làm mâm cơm cúng ngày Rằm tháng Bảy. Không chỉ là lễ cúng tưởng nhớ đến thần linh và gia tiên, bữa cơm Rằm tháng Bảy còn là dịp gia đình sum họp, quây quần bên nhau.
Không sắm sửa nhiều đồ ăn cầu kỳ, mâm cơm trong ngày lễ Vu Lan của gia đình chịThủy gồm những món ăn truyền thống như: thịt gà luộc, canh nấm mọc, thịt xào, xôi gấc, nem cuốn… Đây đều là những món ăn có từ rất lâu đời và thường không thể thiếu trong mâm cỗ của người Việt Nam.
Mâm cỗ truyền thống của gia đình chị Thủy
Ngoài các món ăn truyền thống, bữa cơm mặn cúng gia tiên của gia đình chị còn có thêm món ăn hiện đại là món tôm chiên. Chị cho biết, trong mâm cỗ hiện nay, nhiều gia đình cũng sử dụng kết hợp thêm cả một số món ăn hiện đại vào mâm cơm truyền thống để tạo sự hài hòa và phù hợp với sở thích của họ.
Với người Việt Nam, lễ cúng Rằm tháng Bảy dường như là một ngày lễ không thể thiếu trong năm. Gia đình chị Thủy cũng vậy. Dù công việc có bận rộn đến đâu, không năm nào chị quên làm mâm cơm cúng vào ngày này. Đây không phải chỉ là dịp để báo hiếu và tưởng nhớ những người đã khuất mà còn là một dịp để cả gia đình quây quần bên nhau trong bữa cơm sum họp. Để chuẩn bị cho bữa cơm cúng, chị đi chợ từ sáng sớm để chọn được những thực phẩm tươi nhất, ngon nhất.
Bữa cơm trong ngày Rằm tháng Bảy là dịp cả gia đình chị Thủy được sum họp bên nhau
Ban thờ được trang trí gọn gàng và giản dị theo mang phong cách của người Hà Nội thanh lịch
Trong mâm cơm truyền thống của người Việt Nam thường có sự kết hợp hài hòa giữa các món: xôi, món canh, món luộc, món rán (chiên), rau sống…
Với bữa cơm cho ngày Rằm tháng Bảy, Chị Thủy cho hay: trong các món ăn chị chuẩn bị cho bữa cơm cúng cho gia đình, món ăn cần có sự tỉ mỉ nhất là món tôm chiên. Tôm chị chọn là loại tôm tươi và con loại to. Công đoạn đầu tiên là bóc vỏ, bỏ đầu và chỉ đen. Sau đó, chị lăn tôm qua trứng đã được đánh đều rồi kế đến là lăn qua bột chiên giòn, bột chiên xù và cho vào túi nilon, lắc đều. Cách làm tôm như vậy sẽ giúp tôm sau khi chiên xong sẽ không bị quắt lại và con tôm sẽ mở ra, tạo đường cong đẹp mắt.
Đĩa tôm chiên được trang trí rất đẹp
Với các món truyền thống thì nem cuốn là một món ăn cần nhiều khâu chuẩn bị. Làm nem cuốn không khó nhưng cần có sự hỗn hợp nhiều loại thực phẩm để làm nhân nem như: miến, mọc nhĩ, nấm, trứng, rau thơm... Và để có được một món nem ngon sẽ phụ thuộc rất nhiều vào lá cuốn. Món ăn sẽ giòn đúng vị khi người nội trợ biết chọn lá cuốn nem.
Nem cuốn rán vàng đều và trang trí cùng lá tía tô và bông hoa cuốn từ vỏ cà chua
Món canh trong mâm cơm nhà chị Thủy là món canh nấm mọc với vị thanh mát, phù hợp với tiết trời còn oi nóng. Những món ăn truyền thống khác như: thịt gà luộc, thịt xào, giò… được trang trí bằng bàn tay khéo léo của chị Thủy. Bởi không đơn giản như bữa cơm thường, tất cả các món được đưa lên ban thờ cúng phải được trang trí một cách gọn gàng và đẹp mắt. Đây là sự thể hiện lòng thành kính của những người con đối với thần linh và gia tiên.
Món canh nấm mọc phù hợp với tiết trời những ngày cuối hè
Ảnh 9: Đĩa thịt gà luộc thể hiện sự khéo léo của người nội trợ
Món thịt xào hấp dẫn
Đĩa giò được trang trí dựa theo hình tượng con rùa
Đĩa xôi gấc với lên màu rất đều và đẹp
Mâm ngũ quả trên ban thờ
Hẳn ai cũng rất muốn cả gia đình được sum họp trong một bữa cơm tuyệt vời như thế này.