Người bình thường ăn hoa quả tươi với số lượng từ 200-300 gam/ngày là vừa đủ.
Hè về, những loại trái cây nhiệt đới như mận, vải, đào, mít,… “lên ngôi”. Nó cung cấp 1 lượng lớn các chất dinh dưỡng, vitamin thiết yếu giúp cơ thể khỏe mạnh. Tuy nhiên, việc ăn nhiều mận, vải, đào,… sẽ sản xuất thêm acid, giảm kháng thể, gây ra hiện tượng dị ứng da hay nổi mụn. Vì vậy, người yêu thích chúng cần thận trọng với tác dụng phụ của nó.
Những tác hại của trái cây mùa hè
Theo Ths.Bs Dzoãn Thị Tường Vi - Viện Dinh dưỡng Lâm sàng, các loại trái cây mùa hè chứa nhiều vitamin và khoáng chất, nhất là hàm lượng glucid (đường) tương đối cao. Khi sử dụng trái cây có hàm lượng đường cao, cơ thể con người sẽ có cảm giác nóng hơn, dễ mọc rôm sảy, lượng đường máu tăng lên. Ngoài ra, việc ăn nhiều trái cây trong điều kiện khí hậu oi nóng là yếu tố thuận lợi giúp vi khuẩn trên da phát triển, tuyến mồ hơi tiết nhiều,...
“Với những người thừa cân, béo phì, rối loạn đường máu không nên ăn nhiều mận, đào, mít, dứa,… Chúng dễ làm tăng đường máu sau ăn, kéo theo những hệ lụy không tốt cho sức khỏe người bệnh”, bác sĩ Tường Vi nhấn mạnh.
Sau đây, bác sĩ Tường Vi sẽ chỉ rõ những tác hại của từng loại trái cây mùa hè:
- Quả mận
Mận chứa nhiều carotene, khi vào cơ thể sẽ chuyển hóa thành vitamin A rất tốt cho mắt. Tuy nhiên, mận mang tính nóng, ăn nhiều sẽ khiến cơ thể bị nóng trong, gây ra hiện tượng mụn nhọt, phát ban.
Mận mang tính nóng, ăn nhiều sẽ khiến cơ thể bị nóng trong, gây ra hiện tượng mụn nhọt, phát ban (ảnh mình họa)
- Vải
Theo Mậu Hy Ung và Hoàng Cung Tú, người ăn nhiều vải khiến cơ thể phát nhiệt, chảy máu cam.
- Trái đào
Đào có tính nóng, bà bầu ăn nhiều trong mùa hè dễ bị xuất huyết, trẻ nhỏ có thể bị ngộ độc do lông ở quà đào dễ gây ngứa. Người đang bị ho, dễ mẫn cảm hoặc bị dị ứng cần tránh xa trái đào.
- Mít
Ăn nhiều mít có thể khiến cơ thể con người nổi rôm, sảy và nhiệt miệng, đặc biệt là trẻ nhỏ.
Nên ăn với số lượng từ 200-300g trái cây/ ngày
“Người dân không nên ăn nhiều trái cây nhiệt đới. Cần sử dụng xen kẽ với một số hoa quả ít ngọt, vừa đa dạng các chất dinh dưỡng vừa không lo bị rôm sảy, nổi mụn, thừa cân béo phì,…”, bác sĩ Tường Vi khuyến cáo.
Bác sĩ cho biết thêm, những người bình thường ăn hoa quả tươi với số lượng từ 200-300 gam/ngày là vừa đủ. Còn, với người mắc đái tháo đường, thừa cân có thể dùng 200-300 gam/ngày nhưng nên sử dụng hoa quả ít ngọt.
Cần sử dụng xen kẽ với một số hoa quả ít ngọt, vừa đa dạng các chất dinh dưỡng vừa không lo bị rôm sảy, nổi mụn, thừa cân béo phì,... (ảnh minh họa)
Lời khuyên của chuyên gia
Nếu như người thừa cân, béo phì, mắc bệnh đái tháo đường cần hạn chết các loại quả tươi nhiều ngọt thì người gầy nên chọn những quả này. Bác sĩ Tường Vi lí giải: “Người gầy có thể chọn các loại quả ngọt để bổ sung vitamin và khoáng chất. Bên cạnh đó, đây cũng là nguồn năng lượng cần được tăng thêm trong khẩu phần, giúp người gầy dễ tăng cân hơn”.
Thời gian ăn hoa quả tươi khác nhau giữa các đối tượng:
Người thừa cân, béo phì: Ăn trước bữa ăn tạo cảm giác no 1 phần. Đồng thời, hàm lượng chất xơ trong trái cây có tác dụng làm chậm quá trình hấp thu đường vào máu, giúp ổn định đường huyết ở người rối loạn đường máu.
Người bình thường: Ăn lúc nào cũng được, tốt nhất, ăn sau bữa ăn khoảng 1-2 tiếng đồng hồ.