Nam diễn viên hài cho biết: "Ai chưa ăn thì sẽ nổi da gà, còn ai ăn rồi sẽ nổi cơn thèm liền!"
Mạc Văn Khoa vốn là chàng trai sinh ra và lớn lên ở vùng quê thuộc Chí Linh, Hải Dương. Xuất thân là con nhà nông, quanh năm gắn bó với đồng ruộng, núi đồi nên sở thích ăn uống của nam diễn viên hài sinh năm 1992 này cũng vô cùng dân dã.
Nhiều lần anh khoe những bữa ăn đơn giản mà hao cơm đậm chất đồng quê. Mới đây, anh lại trổ tài vào bếp nấu cho vợ con ăn. Nam diễn viên hài cho biết: "Được ngày nghỉ, dậy sớm nấu món đặc sản Hải Dương quê em: Rươi nấu măng!!! Món này nhìn hơi nổi da gà xíu thôi chứ ai ăn rồi là nổi cơn thèm liền ạ".
XEM VIDEO: Mạc Văn Khoa giới thiệu món đặc sản Hải dương quê mình: Rươi nấu măng.
Anh cho biết: "Món này ai mà chưa ăn thì nhìn sẽ hơi nổi da gà nhưng ai ăn rồi thì sẽ nổi cơn thèm liền. Đó chính là món canh rươi". Bê bát rươi lên, anh giới thiệu đó là con rươi, một đặc sản quê Hải Dương của mình.
Nguyên liệu cho món canh rươi của Mạc Văn Khoa gồm rươi, rau thì là, cà chua, trứng, măng chua, củ nén, vỏ quýt băm nhỏ, hành lá, thịt bằm. Ngoài ra, nếu cho lá gừng nữa sẽ ngon hơn nhưng anh kiếm không ra.
Các nguyên liệu đã được sơ chế, diễn viên hài tiến hành chế biến: Cho lần lượt vào bát rươi hành lá, thịt bằm, củ nén năm nhỏ, vỏ quýt băm nhỏ, rau thì là.
Tiếp đó là đập trứng và khuấy thật đều, mạnh tay cho nhuyễn.
Xào măng với cà chua, đổ nước vào.
Sau khi sôi lên, nêm nếm gia vị rồi bắt đầu cho rươi vào. Nam diễn viên 9x xuýt xoa: "Ối giồi ôi, thơm lắm các bác ạ".
Thành phẩm của Mạc Văn Khoa đã hoàn thành. Anh còn cho thêm rau mồng tơi vào ăn kèm. Sau khi nấu xong món canh rươi, nam diễn viên gọi vợ dậy "chén" và bày tỏ: "Được ngày nghỉ nấu đặc sản Hải Dương cho vợ ăn. Ăn miếng đi em!"
Bà xã Mạc Văn Khoa là người miền Nam, khi thưởng thức đặc sản quê chồng, cô cho biết nó có vị ngon. Nam diễn viên chia sẻ: "Thực sự món này nhìn hơi sợ xíu nhưng ai đã ăn rồi thấy rất ngon. Bởi con rươi rất là béo, khi nấu với măng chua và các gia vị nó sẽ có vị béo vị chua chua và ngọt thịt lắm".
Vợ Mạc Văn Khoa khiến chồng hạnh phúc khi bổ sung thêm: "Quan trọng là người nấu nữa". Cặp đôi cũng chờ canh nguội để cho "cô Hai bún đậu" nhà mình được thưởng thức.
Món đặc sản do Mạc Văn Khoa làm nhận được đông đảo bình luận từ cư dân mạng. Trong đó, không ít người thốt lên: "Nhìn ghê quá", "Nhìn sợ sợ, không biết ăn có ngon không", "Thôi không ăn đâu", "Rươi là con gì?", "Lần đầu tiên trong đời thấy con này"...
Trong khi cũng không ít người cho rằng đây là món ăn ngon: "Đặc sản Hải Dương ngon tuyệt vời luôn", "Món truyền thông quê mình", "Ăn mê luôn", "Nhớ quê, thèm quá cơ", "Nghệ An quê em cũng có"... Ngoài món canh như Mạc Văn Khoa làm, dân mạng còn nhớ tới nhiều món khác với rươi như chả rươi, rươi kho...
Dân mạng bình luận về món ăn của Mạc Văn Khoa, người thấy "ngon tuyệt", người lại kêu "nhìn ghê quá".
Tham khảo thêm các cách chế biến khác với rươi: Canh rươi riêu: Nguyên liệu Rươi 1/2 kg. Cà chua chín 3 quả. Mẻ chín hoặc bỗng rượu. Hành khô, thì là, vỏ quýt, hành lá. Gia vị: đường, hạt nêm, bột canh, muối nước mắm, dầu ăn. Cách làm Bước 1: Sơ chế rươi và các nguyên liệu khác Cách sơ chế rươi Rươi tươi - Đổ nhẹ nhàng rươi ra rổ, nhanh tay nhặt bỏ hết rác bẩn và những con bị chết, ươn. Rươi chết thường có mùi tanh khá đặc trưng còn rươi yếu thường bò rất chậm, mình gầy không được béo múp. - Xả chậu nước lạnh, nhẹ nhàng cho rổ rươi vào. Dùng tay khuấy nhẹ để cho cát và bụi bẩn bám trên thân và chân của chúng. Khuấy rất nhẹ nhàng vì rươi dễ bị vỡ bụng. Làm như vậy 2-3 lần. - Dùng nước sôi khoảng 90 độ vào chậu rồi cho rổ rơi vào xoay tròn đều rổ để nước làm rụng những chiếc lông ở trên thân rươi. Lông này sẽ gây ngứa ở cổ họng nếu ăn phải. Rươi đông lạnh: - Rươi tươi trước khi đưa vào làm đông lạnh đã được làm sạch rồi mới cho vào kho bảo quản và vận chuyển đến nơi tiêu thụ, vì vậy việc của bạn khi mua rươi về chỉ là rã đông. - Khác với các loại thực phẩm khác được sử dụng phổ biến như thịt heo, thịt gà, thịt bò,… nếu cần phải rã đông nhanh thì chỉ cần cho vào nước là được. Nhưng riêng đối với rươi đông lạnh thì tuyệt đối không dùng nước để giã đông vì rất dễ làm rươi biến đổi ra các chất độc. - Trước khi sử dụng thì để rươi từ trên ngăn đá xuống ngăn mát khoảng 1 tiếng đồng hồ, sau đó có thể bắt đầu chế biến. Sơ chế các nguyên liệu khác - Cà chua thì được băm nhuyễn. - Hành khô thái nhỏ. Thì là, vỏ quýt, hành lá nhặt sạch thái nhỏ. Bước 2: Nấu rươi - Đánh nhuyễn rươi với một thìa muối nhỏ, đánh đều tay để rươi có độ nhuyễn rồi cho vào nồi. Đổ một lượng nước sạch sao cho đủ với bữa ăn của gia đình bạn. - Đun sôi với mức lửa to. Rươi sẽ đóng thành những mảng gạch to nổi lên giống như gạch cua. - Dùng rây để lọc mẻ, đun sôi mẻ và để nhỏ lửa cho chín mẻ. Bước 3: Chế biến món canh rươi - Cho dầu vào chảo đun nóng rồi phi hành thật thơm, khi hành chuyển sang màu vàng giòn thì thêm cà chua vào xào chín nhừ. - Cho các gia vị gồm nước mắm, hạt nêm, bột canh vào cho vừa. Sau đó đem rưới hỗn hợp này vào canh rươi riêu cua đã có sẵn. Đun sôi thì nêm nếm lại gia vị cho vừa ăn một lần nữa. - Cho các nguyên liệu khác như thì là, hành lá, vỏ quýt vào đảo đều. tắt bếp và múc ra bát để thưởng thức. Món canh rươi riêu này thích hợp ăn với cơm trắng hoặc bún. Nếu không quá thích với những món ăn có vị chua mát, khi nấu rươi riêu xong bạn chỉ cần thả vào đó những loại rau quen thuộc như rau ngót, rau rền, mùng tơi… Chả rươi Nguyên liệu - Rươi: 300 gr - Thịt sấn vai xay: 150 gr - Trứng gà hoặc trứng vịt: 1-2 quả - Vỏ quýt: 1/3 quả nhỏ hoặc 1/4 quả to - Hành lá, rau mùi (hoặc thì là), lá gừng, gừng củ, hành khô - Hạt nêm, hạt tiêu, ớt Cách làm - Rươi sau khi mua về các bạn rửa rươi với nước. Dùng đũa khuấy kỹ nhưng nhẹ nhàng một lúc, trút bỏ nước bẩn và xả vài lần cho sạch. - Sau đó các bạn có thể chế biến ngay hoặc chia rươi thành các túi nhỏ cất vào ngăn đá tủ lạnh để ăn dần. Hành lá, rau mùi thái nhỏ, vỏ quýt thái chỉ. - Nếu có lá gừng các bạn cũng băm nhỏ, cho vào chả rươi để tăng thêm hương vị. - Dùng đũa đánh rươi cùng với vỏ quýt. Tuy nhiên không nên đánh rươi nhuyễn quá, khi ăn sẽ mất đi cảm giác bùi, ngậy khi thỉnh thoảng nhai phải miếng rươi vẫn còn nguyên con. - Cho hành, rau mùi, thịt xay, trứng gà, hạt nêm, hạt tiêu vào đánh đều cùng rươi (có thể thêm chút ớt băm để tạo vị chứ đừng cho cay quá). Nếu cảm thấy hỗn hợp hơi đặc thì các bạn dùng thêm 1 quả trứng nhé. - Đợi dầu nóng già, xúc từng thìa rươi đổ vào chảo, rồi dàn đều tạo thành những miếng hình tròn, có độ dầy 2cm. Chả rươi rất nhanh chín nên chỉ cần chiên nhanh cho cháy nhẹ cạnh ngoài là các bạn vớt chả ra. Cách làm này giúp cho món chả ít bị ngấm dầu, giòn bên ngoài mà bên trong vẫn mềm. Rươi kho nồi đất Nguyên liệu: (Chuẩn bị nguyên liệu cơ bản như khi làm chả rươi, trộn đều rươi như khi làm chả) - Thêm thịt gà (phần có xương để ninh lấy nước) - Cà chua - Khế chua thái lát - Măng tươi thái chỉ (măng củ tươi) - Nước mắm, mì chính, hạt nêm, nước khế chua (hoặc dấm) - Hành lá, rau mùi, vỏ quýt thái nhỏ, ớt thái nhỏ, hạt tiêu - Nồi đất (mua về bạn phải ngâm nồi khoảng 2 tiếng trong nước lạnh, rồi trần qua nước nóng. Niêu kho rươi phải được lau khô và thật sạch sẽ). Cách làm: - Rươi tươi trộn đều cùng các nguyên liệu như khi làm chả rươi. - Thịt gà hầm lấy nước dùng. - Phi thơm hành, bỏ cà chua vào xào lên, cho hỗn hợp rươi trộn vào nồi. Đổ nước dùng hầm cho xâm xấp mặt rươi. - Thêm khế chua thái lát, măng chua thái lát, nước khế chua cùng nước mắm, mì chính, bột canh, ớt băm, hành khô vào nồi. - Đậy kín vung và đun nhỏ lửa. Khi nào thấy nước trong niêu sền sệt, hương thơm bay ngào ngạt là đạt yêu cầu. - Khi bắc ra bạn nhớ cho thêm hạt tiêu, rau mùi hoặc lá gừng tươi để rươi dậy mùi. Món rươi kho niêu đất này ngon nhất là ăn nóng với cơm hoặc bún. |