Hãy tham khảo một số cách trồng dưa leo đúng kỹ thuật ngay sau đây, để giúp bạn có thể tự trồng và thu hoạch loại thực phẩm bổ dưỡng mà ai ai cũng thích ăn.
Dưa leo hay dưa chuột là loại quả mọng nước chứa rất nhiều dưỡng chất có lợi đối với sức khỏe con người. Bên cạnh đó, chị em phụ nữ cũng thường sử dụng dưa leo để làm đẹp, trẻ hóa cơ thể, chống oxy hóa. Vậy nên nhiều gia đình thích trồng dưa leo trong vườn nhà cũng là điều dễ hiểu.
Hướng dẫn chi tiết cách trồng dưa leo tại nhà
Trồng dưa leo thực chất không hề khó, điều quan trọng là bạn phải tuân thủ theo từng bước được hướng dẫn chi tiết ngay dưới đây.
1. Thời điểm tốt nhất để trồng
Thời điểm lý tưởng nhất để bắt đầu trồng dưa leo nên là từ cuối tháng 11 cho đến tháng 2 hàng năm. Bởi đây là giai đoạn giao mùa, cây có thể phát triển tốt và không lo gặp phải sâu bệnh. Tuy nhiên nếu như bạn đang sinh sống ở trong miền Nam, thì thời điểm trồng dưa leo có thể được thực hiện vào bất kỳ thời gian nào trong năm, do khí hậu nhiệt đới tại đây mang lại.
2. Lựa chọn hạt giống dưa leo
Hạt giống dưa leo có thể được tìm mua dễ dàng tại một số cửa hàng nông sản trên toàn quốc. Có rất nhiều loại hạt giống dưa leo khác nhau, bạn nên tìm hiểu thật kỹ rồi lựa chọn loại hạt mà mình mong muốn. Tốt nhất bạn nên lựa chọn các loại hạt giống chuột thuộc nhóm có thể tự thụ phấn được khi ra hoa, tránh việc bạn phải thụ phấn bổ sung sau này khi cây đã lớn.
3. Chuẩn bị đất và giá thể
- Chậu hoặc thùng xốp: Cần loại chậu hoặc thùng xốp có kích cỡ lớn, có lỗ thoát nước do dưa leo phát triển khá nhanh, không thích hợp trồng trong chậu nhỏ.
- Dụng cụ trồng trọt, khung để làm giàn cho dưa leo
- Đất trồng: Nên ưu tiên sử dụng các loại đất giàu dinh dưỡng như đất pha cát, đất mùn,... Có thể trộn thêm phân hữu cơ để gia tăng thêm chất lượng cho đất, giúp cây khỏe mạnh và mau lớn.
4. Ngâm ủ hạt giống trước khi trồng
Hạt giống khi mới mua về đem ngâm trong nước ấm từ 2-3 tiếng, sau đó mang đi ủ trong khăn ẩm trong vài ngày, để vào nơi tối tăm để giúp hạt giống nhanh tách vỏ và nảy mầm. Nếu thấy hạt giống đã tách vỏ thì có thể tiến tới công đoạn tiếp theo.
5. Trồng hạt giống trong khay ủ
Sau khi hạt giống đã nứt vỏ, bạn hãy mang chúng gieo vào các khay ủ (vỉ ươm) để giúp hạt nảy mầm hoàn toàn. Khay ủ hoặc vỉ ươm làm bằng nhựa, có chứa một lớp đất mỏng bên trên. Bạn đem đặt hạt giống vào trong khay theo phương nằm ngang với chiều đã tách vỏ, rồi dùng tay vùi đất lại. Khi gieo xong thì tưới nước dưỡng ẩm rồi đặt khay ở trong bóng tối để kích thích nảy mầm. Nếu thuận lợi thì sau 2-3 ngày hạt giống sẽ nảy mầm hoàn toàn.
6. Trồng hạt giống ngoài chậu đất
Mang những hạt giống đã nảy mầm đi trồng trong chậu đất hoặc thùng xốp đã chuẩn bị. Đặt nguyên lượng đất đã trồng trong khay ủ vào trong chậu, tránh làm vỡ nát lượng đất đó. Sau khi trồng ngoài chậu, thực hiện việc tưới nước 2 lần mỗi ngày để giúp hạt phát triển thành cây non. Nếu đất trồng đã đầy đủ dinh dưỡng rồi thì không cần thiết phải bón thêm phân.
7. Làm giàn leo cho cây
Sau khoảng 2 tuần kể từ khi mang hạt giống ra chậu để trồng, cây dưa leo khi này đã phát triển vượt trội và chuẩn bị mọc leo ra khắp nơi. Bạn hãy sử dụng cọc tre hoặc cọc sắt để làm giàn tùy ý, đảm bảo tiết diện mỗi cọc từ 2-4cm, cao khoảng 2-3m. Cắm cọc ra xung quanh chậu trồng dưa leo theo dạng chữ A, dùng dây thép cố định các cọc lại với nhau. Cuối cùng bạn hãy cuốn các tua cuốn của dưa leo lên giàn để từ đó cây có thể tiếp tục leo bám và phát triển.
8. Lượng nước tưới
Sau khi đã phát triển được 1 tháng, đây chính là giai đoạn cần gia tăng lượng nước tưới và phân bón để giúp cây nhanh ra trái, trái khỏe mạnh, mọng nước và to lớn. Bạn hãy trộn các loại phân hữu cơ, phân kali, ure vào trong nước và dùng nước đó để tưới vào gốc cây. Sau khi tưới phân xong, hãy tưới nhẹ thêm một lượt nước sạch nữa để tránh làm hỏng bộ rễ. Nhặt bỏ các lá đã phát triển quá già, để cây tập trung dinh dưỡng ra lá mới và ra trái.
9. Điều kiện ánh sáng
Do là cây dây leo cho nên bạn cứ đặt chậu trồng dưa leo ở những nơi có nhiều ánh sáng để giúp cây quang hợp tốt hơn. Không cần làm giàn che nắng, vì nắng càng to mạnh thì cây sẽ càng mau lớn và ra trái to khỏe. Cần chú trọng tưới đều đặn 2 lần/ngày để đảm bảo độ ẩm cho cây trồng.
10. Thu hoạch
Sau khoảng 3-4 tuần kể từ khi cây đã phát triển được 1 tháng, đây là thời điểm mà cây dưa leo ra hoa và bắt đầu quá trình tự thụ phấn. Nhu cầu nước hàng ngày vẫn không thay đổi, duy trì từ 1,5-2 lít nước tưới mỗi ngày nếu như chậu chỉ trồng duy nhất 1 cây.
Sau khoảng 50 - 60 ngày kể từ khi ra hoa, cây dưa leo sẽ bước vào giai đoạn kết trái và có thể thu hoạch được. Sau khi đã thu hoạch trái chín, bạn nên bổ sung thêm phân bón cho đất trồng để giúp cây tiếp tục sinh trưởng và cho ra những đợt trái tiếp theo.
Dưa leo sau khi thu hoạch sẽ được mang đi rửa sạch, để ráo nước rồi bọc vào trong các túi nilon kín, sau đó cất vào tủ lạnh để ăn dần. Tốt nhất bạn chỉ nên sử dụng dưa leo đã được lưu giữ tối đa 5 ngày để tránh ảnh hưởng tới hương vị.