"Không còn thiết tha, không còn xót xa, giấc mơ mỏng manh sao chưa lớn đã già"…
Tôi nghe Tàn phai của Quốc Bảo vào một buổi chiều cuối năm tại quán café quen thuộc. Khi đó quán đã vãn, trời thâm thấm lạnh, chủ quán bắt đầu bật thứ nhạc mà anh hay gọi là gây-nghiện-đến-không-dứt-ra-được lên rồi tỉ mẩn dọn dẹp.
Giọng của Mai Khôi đều đều, giản dị, nhẹ tênh, mềm mại, mà buồn như cắt. Anh chủ quán ngừng tay, kéo cái ghế ra ngồi gần, châm điếu thuốc lá:
- Anh hỏi cô, người ta nói phụ nữ mới tàn phai, chứ đàn ông thì có tàn phai bao giờ, phải hông?
Tôi biết anh lại chuẩn bị tìm người trò chuyện, và hôm nay tại quán chỉ có mình tôi mà thôi.
- Ừ, em nghĩ họ nói vậy cũng có lý. Vì thiệt ra, mọi người đều ngầm hiểu cái tàn phai này là tàn phai về nhan sắc. Mà đàn bà mới có nhan sắc, chớ ai nói đàn ông có nhan sắc bao giờ.
Anh rít một hơi là hết một phần ba điếu thuốc, ngửa cổ lên trời nhả khói rồi buông một câu: "Bởi đó…" đầy chưng hửng, nghe vừa có chút oán trách, vừa có chút cam chịu. Ngồi chưa đầy 10 phút, anh lại phải đứng dậy bởi tiếng khóc ỏm tỏi mè nheo đầy quen thuộc của bé Na, con gái anh, lần nào cũng như lần nào.
Mai Khôi vẫn hát bản Tàn phai hết lần này đến lần khác trong quán nhỏ. Tôi biết người đàn ông này từ khi anh ta và vợ thôi nhau hồi ba năm trước. Nghe đâu là đời vợ thứ ba thì phải. Khi đó anh ta 40 có lẻ. Tết năm ngoái, tôi thay bố mẹ mang thùng bia qua đáp lễ mấy ký café loại ngon mà anh biếu hôm vừa rồi, thấy anh ngồi trong quán với dĩa khô bò, lon bia và ít dưa món một mình, cứ thấy tội tội, bèn ngồi uống cùng anh. Lần đó, anh đã tự ví mình là một kẻ lòng vòng mãi bên ngoài cánh cửa của những ngôi nhà mà anh từng nghĩ mình thuộc về.
Năm 15 tuổi, ba anh nói anh không phải con trai của ông, đuổi anh ra khỏi nhà, mẹ cứ ở góc bếp bưng mặt khóc, ừ thì anh đi.
Cũng chỉ vài năm sau, anh lấy người vợ đầu tiên, chị hiền lành thật thà, anh nói gì thì nghe cái đó. Gọi là lấy vợ, nhưng chỉ là cả hai dắt nhau đi đăng ký kết hôn, rồi dọn vào ở chung, vì cả hai đều không có người thân, đều trẻ con như nhau, đều là những đứa-người-lớn biết một mà không biết mười, và đơn giản là đều nghèo. Anh gọi chị là thứ tình yêu chân thật và căn bản nhất cuộc đời đàn ông của anh. Hồi đó, anh chạy xe ôm, chị đi làm công nhân xí nghiệp, sướng thì không sướng, nhưng "anh vẫn nhớ, khi đó đời anh vui lắm cô ơi". Vậy mà một ngày mưa, chị đạp xe đi làm về, gặp tai nạn. Anh chôn người vợ đầu tiên của mình vào năm anh 26 tuổi.
Còn người thứ hai anh quen ở chỗ học nghề, đợt này anh nghĩ mình nên học một cái nghề thật đàng hoàng, chạy xe ôm mãi cũng không phải cái hay. Sài Gòn những năm đó bartender đang là một nghề cực thịnh, ai có khiếu một chút còn có thể vừa học vừa làm. Chị là cô giáo của anh, lớn hơn anh 7 tuổi. Ở bên cạnh chị, anh kể, anh như một đứa bé có cảm giác được vỗ về. Chị thương anh, thương luôn cả những đớn đau trong đời anh, vậy mà anh nỡ lòng nào lừa dối chị để đến với người thứ ba, tức mẹ của bé Na bây giờ.
Ký ức về bữa lai rai đó làm tôi lơ đễnh hỏi anh trong vô thức: "Mẹ bé Na đi đâu rồi?". Từ trong quầy bar, anh thành thực trả lời là đi Mỹ, cùng với một người khác sau khi ký giấy ly hôn được hai tháng. Giọng anh khàn đục nhưng nhẹ bẫng…
Tôi lại hỏi anh sống một mình, nuôi một đứa con gái, rồi tính làm sao?
Anh đốt thuốc và cười khềnh khệch. Nói.
Đàn ông tàn phai nghĩa là vậy đó. Là quyết định dừng chân lại, đặt mình ra khỏi mọi tương quan rắc rối, màu mè, vui vẻ được vài trống canh của cuộc đời này. Cái tàn phai của đàn ông quả thực cũng nhiều đắng cay, tổn thương và rách nát quá chừng. Vậy nên chắc cũng không dại dột tự đưa chân vào một tình thế đắng cay, nghiệt ngã nào đó khác.
Anh lại chậm rãi châm thêm thuốc, đưa mắt nhìn bé Na đang nghịch mấy miếng gỗ xếp hình ở dưới sàn rồi nói tiếp: "Con trẻ không bao giờ phải sống một cuộc đời bi kịch bởi tổn thương của những người lớn cả".
Đàn bà tàn phai có quyền khóc lóc, đàn ông tàn phai phải tự lành lặn trở lại và hồi phục thật nhanh, bất kể anh ta đã từng đau đớn ra sao. Sẽ chẳng có đứa trẻ nào trưởng thành bình an thật sự nếu sống bên cạnh một người cha nhu nhược rách nát hết bên trong. Những xung đột ngấm ngầm trong một người đàn ông cách nào đó sẽ "lây nhiễm" sang con cái mình trong vô thức, và rồi xã hội sẽ có những đứa trẻ lớn lên với tâm hồn đầy bất an mà không hề hay biết.
Anh thở dài, ngừng nói. Tôi cũng ngừng hỏi. Khôi vẫn hát: "Đời không thôi làm cơn mưa mới/ Người không thôi làm xa tay với".
Bé Na giơ miếng xếp hình lên, khoe với ba đây là hình xe lửa. Anh khen: "Na giỏi". Chẳng mấy chốc tiếng cười con trẻ rộn rã khắp không gian. Ừ đó, đàn ông mà tàn phai, thì tàn phai cả tâm hồn…