Chu kỳ kinh nguyệt hay vòng kinh là hiện tượng chảy máu tử cung diễn ra mỗi tháng 1 lần ở phụ nữ trong độ tuổi sinh đẻ. Cách tính chu kỳ kinh nguyệt để thụ thai hay tránh thai được nhiều người áp dụng.
Kinh nguyệt là hiện tượng bình thường xuất hiện ở phụ nữ. Nhưng có rất nhiều chị em lại không biết chu kỳ kinh nguyệt bắt đầu và kết thúc được tính như thế nào để có thể thụ thai hoặc tránh thai.
Chu kỳ kinh nguyệt là gì?
Theo Ths.BS Trịnh Thị Thúy – Bệnh viện chuyên khoa Nam học và Hiếm muộn Hà Nội chu kỳ kinh nguyệt hay vòng kinh là hiện tượng chảy máu tử cung do sự tụt giảm đột ngột estrogen hoặc estrogen cùng progesteron có tính chu kỳ. Hiện tượng ra máu đều đặn mỗi tháng 1 lần theo một chu kỳ.
Chu kỳ kinh nguyệt tính từ ngày nào, kéo dài bao lâu?
Việc xác định chu kỳ kinh từ ngày nào đến ngày nào sẽ giúp các chị em biết được thời điểm rụng trứng để tránh thai và thụ thai tốt nhất.
- Chu kỳ kinh nguyệt tính từ ngày nào?: Chu kỳ kinh hay vòng kinh được tính từ ngày đầu tiên thấy kinh cho đến ngày đầu tiên của kỳ kinh sau.
- Chu kỳ kinh nguyệt bao nhiêu ngày?: Mỗi phụ nữ có một vòng kinh với thời gian khác nhau, có người có vòng kinh 25 ngày, 28 ngày, có người 30 hoặc 32 ngày nhưng có những người có vòng kinh dài hơn 35 - 40 ngày.
- Thời gian diễn ra hành kinh bao lâu?: Chu kỳ kinh nguyệt bình thường khi có vòng kinh từ 27 - 32 ngày và thời gian diễn ra hành kinh từ 3 - 7 ngày với lượng máu mất đi khoảng 50ml/ mỗi lần hành kinh. Chu kỳ kinh thường không đều khi mới xuất hiện và càng lớn tuổi kinh sẽ ổn định hơn và đều hơn.
Chu kỳ kinh bình thường, đều đặn là dấu hiệu báo hiệu sức khỏe sinh sản tốt ở phụ nữ.
Chu kỳ kinh nguyệt hay vòng kinh bình thường diễn ra theo từng tháng. (Ảnh minh họa)
Cách tính chu kỳ kinh nguyệt để có thai
Cách tính chu kỳ kinh nguyệt để có thai được rất nhiều chị em quan tâm và đây cũng là một trong những cách giúp thụ thai tốt nhất. Thời gian thụ thai tốt nhất được xác định là thời điểm rụng trứng. Khi trứng rụng, đi vào tử cung chờ tinh trùng tới thụ tinh và mang thai. Xác định thời điểm rụng trứng dựa vào chu kỳ kinh.
Mỗi một chu kỳ kinh nguyệt sẽ đều có 3 giai đoạn:
- Hình thành nang mạc: Kéo dài từ 12 - 16 ngày bao gồm cả thời gian hành kinh.
- Giai đoạn rụng trứng: Diễn ra trong 24H
- Giai đoạn hoàng thể: Là thời gian còn lại của chu kỳ
Các chuyên gia đều cho rằng, thời điểm rụng trứng là thời điểm quan hệ dễ thụ thai thành công nhất. Ngày rụng trứng thường là ngày thứ 14 - 15 của chu kỳ kinh. Hoặc quan hệ vào ngày trước và sát sau ngày rụng trứng rất dễ có thai.
Trứng sau khi rụng chỉ có thể sống được 24H nhưng tinh trùng có thể tồn tại trong tử cung từ 3 - 5 ngày. Vì vậy, dựa vào chu kỳ kinh tính ngày rụng trứng và xác định được thời điểm quan hệ dễ có thai nhất.
Theo đó, giai đoạn rụng trứng chỉ kéo dài 1 ngày, giai đoạn hoàng thể luôn kéo dài và cố định trong khoảng 14 ngày. Nên nếu vòng kinh của phụ nữ là n thì ngày rụng trứng là n-14. Thời điểm thụ thai sẽ là khoảng (n-14) +(-)2
Bảng tính chu kỳ kinh nguyệt để biết ngày rụng trứng:
Vòng kinh (ngày) | Ngày rụng trứng | Ngày dễ thụ thai |
21 | 21-14=7 | ngày 6 - ngày 8 |
22 | 22-14=8 | ngày 7 - ngày 9 |
23 | 9 | ngày 8 - ngày 10 |
24 | 10 | ngày 9 - ngày 11 |
25 | 11 | ngày 10 - ngày 12 |
26 | 12 | ngày 11 - ngày 13 |
27 | 13 | ngày 12 - ngày 14 |
28 | 14 | ngày 13 - ngày 15 |
29 | 15 | ngày 14 - ngày 16 |
30 | 16 | ngày 15 - ngày 17 |
31 | 17 | ngày 16 - ngày 18 |
32 | 18 | ngày 17 - ngày 19 |
33 | 19 | ngày 18 - ngày 20 |
34 | 20 | ngày 19 - ngày 21 |
35 | 21 | ngày 20 - ngày 22 |
Ví dụ:
Nếu chu kỳ kinh của chị em là 30 ngày thì:
- Thời điểm rụng trứng là: 30 - 14= 16.
- Thời điểm dễ thụ thai: 16 - 2 = 14 và 16 + 2 = 18
Như vậy, đối với người có vòng kinh 30 ngày thì thời điểm dễ có thai nhất là từ ngày thứ 14 đến ngày thứ 18 của kỳ kinh.
Lưu ý: Việc tính chu kỳ kinh nguyệt để thụ thai được áp dụng với những người có vòng kinh đều đặn từ 25 - 33 ngày. Những người bị rối loạn kinh nguyệt, kinh nguyệt không đều, chậm kinh, tắc kinh, không có kinh… cần áp dụng biện pháp khác.
Ngày rụng trứng là thời điểm dễ thụ thai nhất trong chu kỳ kinh. (Ảnh minh họa)
Cách tính chu kỳ kinh nguyệt để tránh thai
Tránh thai bằng tính chu kỳ kinh là một trong những biện pháp ngừa thai an toàn được nhiều cặp vợ chồng áp dụng. Để áp dụng được biện pháp này chị em cần xác định được vòng kinh của mình diễn ra trong bao lâu. Cách tốt nhất là theo dõi vòng kinh liên tục trong 4 tháng để tính được thời gian trung bình của vòng kinh.
Cách theo dõi vòng kinh:
- Đánh dấu ngày đầu tiên ra máu của tháng này
- Đánh dấu ngày đầu tiên ra máu của kỳ kinh tháng tiếp theo
- Tính khoảng cách của ngày ra máu đầu tiên tháng này với ngày ra máu đầu tiên tháng sau để biết được chu kỳ kinh của mình là bao lâu.
- Thực hiện liên tục 4 tháng liên tiếp để biết vòng kinh của mình có thay đổi nhiều không.
Cách tính vòng kinh nguyệt của phụ nữ để tránh thai dựa vào ngày rụng trứng. Theo đó, các thời điểm tránh thai sẽ được chia thành 3 thời điểm: Thời điểm an toàn tương đối, thời điểm nguy hiểm và thời điểm an toàn tuyệt đối.
Theo dõi vòng kinh để xác định thời gian chu kỳ của mình. (Ảnh minh họa)
1. Cách tính chu kỳ kinh nguyệt để tránh thai theo thời điểm an toàn tương đối
Xác suất tránh thai thành công tại thời điểm này chỉ khoảng 50%. Tức là các cặp đôi vẫn có thể có thai.
Thời điểm an toàn tương đối của kỳ kinh được xác định là từ ngày thứ 1 đến ngày thứ 9 (bao gồm cả thời gian diễn ra hành kinh)
Ví dụ: Nếu ngày đầu tiên của kỳ kinh là ngày 5/1 thì thời điểm an toàn tương đối sẽ từ 5/1 - 13/1
Đây là khoảng thời gian trứng sắp rụng trong khi tinh trùng của nam giới có thể sống trong tử cung từ 3 - 5 ngày. Nên nếu quan hệ trong khoảng thời gian này thì xác suất có thai là khoảng 50/50.
Để tránh thai an toàn trong thời gian này các cặp đôi nên áp dụng thêm các biện pháp khác như dùng bao cao su, sử dụng thuốc ngừa thai…
Mỗi chu kỳ sẽ có khoảng thời gian an toàn tương đối để tránh thai. (Ảnh minh họa)
2. Cách tính chu kỳ kinh nguyệt theo thời điểm nguy hiểm
Thời điểm rụng trứng là thời điểm nguy hiểm đối với tránh thai. Xác suất có thai nếu quan hệ trong ngày rụng trứng có thể lên tới 95%.
Ví dụ: Nếu chu kỳ của chị em là 30 ngày thì ngày rụng trứng sẽ ở khoảng giữa tức là từ ngày 15 - 17. Để tránh thai các cặp đôi nên cộng trừ thêm 5 ngày vào khoảng thời gian rụng trứng để tránh thai được hiệu quả hơn.
Thời gian sống của trứng sau khi rụng là 24H, nếu trứng gặp tinh trùng trong giai đoạn này sẽ được thụ tinh và mang thai. Khi sắp đến ngày rụng trứng cơ thể chị em sẽ có những dấu hiệu như thân nhiệt tăng, dịch âm đạo nhiều hơn, màu trong hơn, dính hơn nhìn như lòng trắng trứng gà, ngực căng tức hơn, đau bụng dưới. Khi có những dấu hiệu đó là sắp rụng trứng, muốn tránh thai cần phải áp dụng những biện pháp khác để an toàn hơn.
Thời điểm rụng trứng rất dễ thụ thai. (Ảnh minh họa)
3. Cách tính chu kỳ kinh nguyệt để tránh thai theo thời gian an toàn tuyệt đối
Thời điểm an toàn tuyệt đối trong chu kỳ kinh của người phụ nữ được tính từ ngày thứ 20 của vòng kinh tới ngày đầu tiên của vòng kinh tiếp theo. Thời gian này trứng đã rụng, không được thụ tinh và đã phân hủy. Khi quan hệ trong khoảng thời gian này tỷ lệ mang thai rất thấp.
Ví dụ: Nếu chu kỳ kinh của chị em là 30 ngày. Ngày ra máu đầu tiên là ngày mùng 10 tháng này thì thời điểm an toàn tuyệt đối được tính từ ngày 1 - 10 tháng sau.
Lưu ý: Cũng có nhiều trường hợp quan hệ vào thời gian này vẫn có thai vì nếu chị em mang trứng đôi và không rụng cùng thời điểm.
Sử dụng thêm các biện pháp tránh thai khác để có hiệu quả tốt nhất. (Ảnh minh họa)
Theo các chuyên gia, sử dụng cách tính chu kỳ kinh nguyệt để tránh thai là biện pháp an toàn, không tốn kém nhưng tỷ lệ tránh thai an lại không cao. Ngay cả thời điểm an toàn tuyệt đối các cặp đôi vẫn có thể dính bầu, tỷ lệ tránh thai được cũng chỉ khoảng 75%. Vì vậy, để tránh thai hiệu quả các cặp đôi nên sử dụng các biện pháp như sử dụng bao cao su, sử dụng thuốc tránh thai… để đạt được hiệu quả tốt nhất.