Không kiêng cữ quá nhiều, đẻ xong đã ăn hải sản, thậm chí vì thèm ăn chả cá quá nên chị Yến ăn luôn cả mắm tôm, 3 lần sinh đều dùng nước lạnh. Song chị thấy cơ thể còn khỏe hơn thời con gái.
Kiêng cữ sau sinh luôn là vấn đề khiến các mẹ bỉm sữa cân nhắc. Có không ít mẹ bỉm sữa băn khoăn đứng giữa đôi “dòng nước”, một là kiêng cữ theo kiểu truyền thống để tránh những đau nhức, mệt mỏi khi về già, số đông còn lại lựa chọn quan điểm hiện đại, không cần phải kiêng cữ quá nhiều.
Sau 3 lần sinh con, chị Ngọc Yến ở Hà Nội đã gom cho mình những kinh nghiệm chăm nuôi con nhỏ cũng như việc kiêng cữ sau sinh. Cách đây 6 tháng vợ chồng chị Yến chào đón thêm thành viên mới bằng phương pháp sinh mổ. Trải qua 3 lần “vượt cạn” song chị vẫn rất “trâu bò”, theo như lời của mẹ bỉm sữa thì chị còn khỏe hơn thì con gái. Cũng chính điều này đã khiến nhiều người thắc mắc về bí kíp kiêng cữ và rèn luyện sau sinh của chị, để có được nguồn sữa đầy đủ cho em bé.
Em bé thứ 3 của mẹ Ngọc Yến, cũng là em bé đầu tiên chị chọn cách không kiêng cữ khác với 2 bé sinh trước.
Mang bầu lần 3 nhàn tênh, nhập viện đi đẻ đã cạn sạch ối
Chị Ngọc Yến là mẹ của ba bé, một bé 8 tuổi, thứ hai 5 tuổi và bé thứ 3 trong 6 tháng tuổi. Theo lời chị, em bé thứ ba đến với bố mẹ khá tự nhiên khi hai vợ chồng không có kế hoạch gì cho việc sinh thêm con, ngày đó chị còn dự tính làm một vài công việc, sau khi biết tin bản thân mang thai chị đã hoãn tất cả để có nhiều thời gian chăm sóc sức khỏe nhất.
Khác với hai lần bầu trước đó chị Yến thường xuyên mất ngủ thì lần mang bầu thứ 3 này chị may mắn ăn ngon và ngủ tốt. “Đêm cứ đặt lưng xuống là ngủ, thậm chí còn ngáy như sấm, anh xã toàn phải đợi mình dậy mới đi ngủ được. Thi thoảng hai vợ chồng vẫn hay nói đùa với nhau, đúng là chửa con lợn nên mình như lợn” – chị cười chia sẻ.
Em bé được mẹ Yến bế ra ngoài với đầu trần ngay từ khi còn rất bé.
Nhờ sức khỏe mẹ tốt nên bước vào tuần thai 12 chị đã cảm nhận được những tiếng máy đạp liên tục từ em bé trong bụng. Nếu những lần mang bầu trước đó chị tập trung bồi bổ dưỡng chất cho thai nhi thì lần này chị không có quá nhiều sự chuẩn bị. Hễ thèm gì là chị ăn đó, mấy tháng đầu thai kỳ chị sợ ăn thịt, bồi bổ chủ yếu là rau nhưng con vẫn lên cân bình thường.
Những ngày cuối thai kỳ chị Yến đi siêu âm được phát hiện nước ối giảm liên tục và không có dấu hiệu tăng trở lại. Bước vào tuần 38 chị bắt đầu có dấu hiệu chuyển dạ cũng là lúc lượng ối đã cạn. Chia sẻ về khoảnh khắc “lầm bồn” lần 3, 9X nói: “Đó là lần mà mình cảm nhận rõ nhất nỗi sợ hãi ở trên bàn đẻ, lúc đó mình một thân một mình vào phòng mổ lạnh lẽo, nằm đo tim thai nghĩ cảnh mổ xẻ đã khóc nước mắt ngắn nước mắt dài. Lên bàn mổ thì người run cầm cập nhưng vẫn phải cố kiềm chế lại vì bác sĩ không cho khóc. Vừa bắt được em bé ra ngoài, bác sĩ thốt lên: “Cạn sạch, có còn tý nước ối nào đâu”. Mình vừa lo vừa sợ cũng là điều dễ hiểu, vì lần 1 sinh thường thấy rất nhẹ nhàng, đi lại chăm em bé tốt. Lần 2 mổ đau quá ám ảnh đến tận lúc lên bàn đẻ lần 3”.
Và được mẹ cho bú sữa mẹ hoàn toàn những tháng đầu đời và cả về sau.
Ngay từ khi biết mình cấn bầu, chị Yến đã quán triệt tư tưởng sẽ nuôi con sữa mẹ hoàn toàn đối với em bé này. Bởi trước đó 2 con đầu của chị do mẹ thiếu kinh nghiệm nên các bé đều không bú mẹ được lâu, chính điều này đã khiến chị suy nghĩ rất nhiều vì để con không được hưởng hết sữa mẹ.
Đẻ mổ xong đã ăn hải sản, 9X Hà Nội không kiêng cữ sau sinh sữa vẫn về đều đặn
Liên quan đến việc kiêng cữ cẩn thận và sớm phục hồi sức khỏe sau sinh, bà mẹ trẻ đặc biệt nhấn mạnh tới tầm quan trọng của những bữa cơm cữ sau sinh. Theo chị: "Đó là những bữa ăn cữ đảm bảo chất dinh dưỡng cho mẹ và bé do mẹ chồng mình nấu”. Tuy nhiên, cơm cữ theo quan điểm của chị không phải chỉ có những món cơm trắng, thịt rang cho bà đẻ chị Yến còn ăn thêm các đồ khác như hải sản, ốc. Thậm chí vì thèm ăn chả cá quá nên chị ăn luôn cả mắm tôm nhưng bụng dạ của mẹ và bé vẫn ổn định.
Con không được mẹ cho kiêng cữ quá nhiều nhưng lại là bé khỏe mạnh nhất nhà.
Giải đáp một trong những băn khoăn được nhiều người quan tâm nhất khi kiêng cữ sau sinh đó là kiêng tắm gội, bà mẹ 3 con tiết lộ dù sinh thường hay sinh mổ cũng cần vệ sinh, tắm rửa ngay. Nếu chưa có kinh nghiệm hoặc lo sợ các mẹ có thể nhờ bác sĩ hoặc những mẹ đã từng trải qua sinh đẻ để được hướng dẫn nghỉ ngơi và vệ sinh cá nhân sao cho an toàn với vết mổ.
Ngọc Yến chia sẻ, chị vẫn kiêng cữ cẩn thận sau sinh nhưng áp dụng kết hợp cả hai quan điểm kiêng cữ kiểu Tây và kiểu ta. Những sinh hoạt thường ngày chị vẫn sử dụng nước lạnh để lau rửa, chỉ khi nào tắm thì chị mới dùng đến nước nóng.
Thế nhưng không vì thế mà chị ốm yếu, chị còn tự thấy bản thân còn khỏe hơn thì con gái. “Hồi con gái tự thấy bản thân người lúc nào cũng mệt mỏi như đi mượn, đi lên cầu thang thì thở không ra hơi. Mà sinh con xong lại thấy khoẻ ra. Rõ ràng nhất là hồi con gái chân tay mình bị lạnh, đến thời điểm này sinh 3 con, chân tay mình đã ấm lên rồi không còn bị lạnh nữa. Mà mình hầu hết dùng nước lạnh lúc mới sinh đấy” - mẹ Hà Nội tâm sự.
Bà mẹ trẻ chia sẻ, đẻ xong sữa về liên tục nên cơ thể lúc nào cũng ra rất nhiều mồ hôi. Chủ quan nghĩ mình khỏe nên chị đã bật điều hòa 24/24 mà không giữ ấm vùng ngực nên đã bị cảm lạnh. Sau lần này, chị Yến rút ra kinh nghiệm, kiêng cữ sau sinh là điều cần thiết, tuy nhiên mỗi người nên linh hoạt, tự điều chỉnh cách cho phù hợp với bản thân, điều kiện chăm sóc của mỗi gia đình.
Đã trải qua 3 lần sinh nở nên chị Yến dạn dày kinh nghiệm trong việc kiêng cữ. Chị đưa ra lời khuyên các mẹ sau sinh: Các mẹ sau sinh nên học cách lắng nghe cơ thể mình. Thấy cơ thể khoẻ thì không nên kiêng kem thái quá. Có thể thay đổi nhiều món khác nhau, miễn sao đảm bảo đủ nước và chất xơ để đẩy lùi tình trạng táo bón, thực phẩm được chế biến chín, đủ protein, đủ vitamin và đủ sắt. Khi lựa chọn bất cứ phương pháp kiêng cữ nào cũng đều cần phải có căn cứ khoa học, không vì thiếu hiểu biết dẫn đến mang bệnh vào người.
Chia sẻ kĩ hơn về việc kiêng cữ cho em bé, chị Ngọc Yến cho biết: “Em bé sơ sinh rất cần phát triển các giác quan qua xúc giác, vì thế khi bé được 1 tháng tuổi mình không để con đi bao tay hay bao chân nữa, trừ những lúc bật điều hòa. Em bé cũng chỉ đội mũ ở vài ngày đầu sau sinh, hầu hết con đều chân, tay, đầu trần. Mỗi lần bế ra đường nhiều người lại thắc mắc “Sao không đội cho con cái mũ vào””.
Mẹ 9X chia sẻ thêm, mỗi lần bế em bé đi chơi mẹ không chấm son vào trán cho bé nhưng về con vẫn ngủ bình thường mà không hề quấy khóc. Nhờ được áp dụng theo hươi hướng hiện đại nên con rất dễ thích nghi với mọi môi trường sống, có thời điểm tất cả các thành viên trong nhà lăn ra ốm, chỉ riêng mình bé khỏe re.
Chị cho rằng, em bé sơ sinh quấy khóc là do khó chịu, đói, bỉm tã ướt, thay đổi môi trường. Chứ bé không có nhu cầu đốt vía, vì suy cho cùng việc bóng vía không có cơ sở nào để xác nhận, thậm chí còn khiến những người đến chơi cảm thấy không vui vẻ gì khi bị chủ nhà đốt vía.
Nhìn lại hành trình mang thai, sinh con và của chính mình, mẹ 9X nhắn nhủ đến các mẹ ở cữ dù mỗi hoàn cảnh sẽ có những cách đối diện khác nhau nhưng chị vẫn mong các bạn gái nên có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về cả thể chất và tinh thần trước khi kết hôn và sinh con.