Mới Tết xong cả nhà tôi đã loạn hết cả lên vì bà ngoại 55 tuổi đột ngột mang bầu.
4 năm sinh liền 2 đứa con nên vợ chồng tôi phải nhờ cậy hết vào bà ngoại chăm sóc. Bởi bà nội già yếu, lại vụng về không thể chăm cháu được. Bà ngoại còn trẻ, chăm cháu rất khéo léo và nấu ăn rất ngon nên ngay khi vợ tôi sinh cháu đầu lòng, chúng tôi đã nhờ cậy bà.
Dù ông ngoại ở quê một mình nhưng thương con cháu, bà ngoại vẫn khăn gói ra Hà Nội ở cùng con gái con rể. Vì quê ngoại chỉ cách thành phố hơn 100km nên cứ 1 tháng bà lại tranh thủ cuối tuần về nhà với ông 1-2 lần. Suốt 4 năm nay, nhờ có bà ngoại đỡ đần mà vợ chồng tôi sinh liền 1 lúc 2 con. Hiện con thứ 2 nhà tôi mới chỉ được 3 tháng tuổi. Có bà ngoại chăm sóc chu đáo, sạch sẽ nên 2 vợ chồng tôi rất yên tâm đi làm.
Lần nào sinh, vợ chồng tôi cũng được bà ngoại lên chăm cháu. (Ảnh minh họa)
Vài lần nhiều người thân thấy bà chăm cháu cẩn thận chẳng khác chăm con mọn, họ thường trêu:
“Hay là bà đẻ thêm đứa nữa cho vui cửa vui vui nhà”.
Lúc ấy bà đều xua tay cười:
“Tôi đã mãn kinh rồi, trứng cũng lép hết rồi chứ nếu không cũng thêm đứa nữa để tụi nó hết đường nhờ vả”.
Cả nhà khi ấy lại cười ồ lên. Mà bà ngoại vừa nói đùa nhưng cũng là nói thật. Bà bảo vài năm nay đã không thấy có kinh nguyệt. Nhiều lần bà cũng muốn đi khám nhưng tặc lưỡi nghĩ đây chỉ là tình trạng báo hiệu bà đã mãn kinh. Phụ nữ trung niên ai mà chẳng gặp tình trạng này, nhất là ở cái tuổi gần 60 của bà.
Tết Nguyên Đán vừa rồi, vợ tôi sinh con mới chỉ được 2 tháng. Năm nay theo kế hoạch chúng tôi cũng lại về quê nội ăn Tết. Do đó trước Tết Nguyên Đán nửa tháng, tôi có bảo vợ cố thu xếp công việc để cho bà ngoại về quê ăn Tết với ông sớm. Cả năm ở thành phố với bọn trẻ, được về quê chuẩn bị Tết sớm, bà ngoại vui lắm.
Khi về quê, ngày nào bà cũng tíu tít gọi điện thoại hỏi thăm con cháu đủ thứ. Bà còn nhắc vợ tôi bắt đầu bước sang tháng thứ 3 sau sinh nên phải nghiêm túc lên kế hoạch tránh thai để tránh có bầu ngoài ý muốn. Vì đẻ dày cháu bà sẽ phải chịu thiệt thòi.
Bẵng đi những ngày cận và sau Tết, bà ngoại ít gọi điện lên hẳn. Các con cháu gọi hỏi thăm, lần nào ông cũng bảo bà đang chóng mặt, buồn nôn như kiểu tụt huyết áp. Bà định ở quê đến qua rằm tháng Giêng mới lên trông cháu nhưng thấy bà suốt ngày nằm dài vì mệt mỏi nên vợ chồng tôi giục bà lên thành phố sớm để đi khám.
Vừa lên Hà Nội, vợ chồng tôi đã đưa bà đi khám bệnh. Cứ tưởng bà bị bệnh gì nghiêm trọng mà qua thăm khám bác sĩ thấy trong bụng bà như có em bé mới đi siêu âm và được bác sĩ thông báo tin bất ngờ: mang thai 7 tuần. Biết tin này mà cả nhà tôi chết lặng. Nhất là bà ngoại vừa bàng hoàng, nước mắt và lo lắng đan xen vì vui buồn lẫn lộn.
Bà ngoại 55 tuổi về quê ăn Tết có 1 tháng mà lúc lên thành phố chăm cháu bụng đã lùm lùm. (Ảnh minh họa)
Mấy hôm nay cả gia đình nhà tôi bị xáo trộn. Ông bà ngoại sau khi bàn bạc, suy nghĩ thì nửa quyết định bỏ thai nửa muốn giữ vì tuổi đã cao, cháu nội ngoại đã lớn và xấu hổ với mọi người xung quanh khi sinh con ở tuổi này dù em bé qua theo dõi không có bất cứ bất thường gì.
Hàng ngày nhìn bụng bà ngoại lùm lùm, tôi cũng chẳng biết khuyên ông bà ra sao vì biết rõ mang bầu và sinh con ở tuổi 55 này sẽ phải đối mặt với nhiều nguy hiểm.
Những nguy hiểm khi mang thai lúc tuổi cao
Theo các bác sĩ sản khoa, việc mang thai và sinh con khi đã lớn tuổi có thể khiến sản phụ đối mặt với nhiều nguy hiểm. Thai nhi nguy cơ xảy ra dị tật cao hơn so với khi mang thai lúc còn trẻ tuổi. Ngoài ra, sản phụ còn đối mặt với các bệnh lý như tiểu đường, thậm chí thai lưu.
Quá trình sinh nở cũng dễ xảy ra biến chứng, nhất là khi xương đã bị lão hóa, khung xương chậu không còn sự "đóng mở" như thời còn trẻ nên gây khó khăn cho cuộc sinh.
Bởi vậy, phụ nữ ở độ tuổi tiền mãn kinh tuyệt đối không chủ quan, bởi giai đoạn này tuy chu kỳ kinh nguyệt thất thường nhưng hoàn toàn có khả năng thụ thai. Khi thấy mất kinh nguyệt, cần thử thai hoặc đi khám sản phụ khoa. Ngoài ra, vẫn nên thực hiện những biện pháp tránh thai hợp lý.