Dù bố đẻ trách cứ nhưng mẹ bầu này lại cảm thấy mẹ chồng mình đã có hành động đúng đắn.
Theo quan niệm xưa, người "đón tay" bé sơ sinh khi y tá giao bé từ trong phòng sinh ra là rất quan trọng. Đây phải là người nhanh nhẹn tháo vát, khéo léo, sống chan hoà, dễ dãi, để sau này trẻ lớn lên sẽ thông minh và nhanh nhẹn. Tuy nhiên cũng vì quan niệm này mà đôi khi gây ra bất hòa trong gia đình như câu chuyện dưới đây.
Tiểu Mỹ (27 tuổi, sống tại Giang Tô, Trung Quốc) mới sinh con đầu lòng cách đây 1 tuần. Vẫn đang trong thời gian ở cữ, đáng lẽ cô phải được nghỉ ngơi, tập trung chăm con nhưng thực tế lại đang đau đầu vì mâu thuẫn trong gia đình. Tất cả chỉ vì chuyện diễn ra trong ngày em bé chào đời và cô được ông xã kể lại.
Gia đình Tiểu Mỹ xảy ra mâu thuẫn chỉ vì vấn đề "đón tay" em bé mới chào đời. (Ảnh minh họa)
Tiểu Mỹ sinh bé bằng phương pháp sinh thường, mọi thứ diễn ra khá suôn sẻ. Đến khi y tá bế em bé ra khỏi phòng sinh và gọi người nhà đến giao bé, bố đẻ cô lập tức đứng dậy. Từ trong thai kỳ, bố đẻ cô đã nhiều lần đề cập đến việc mình phải là người đầu tiên bế bé sau y bác sĩ bởi ông "hợp tuổi". Tiểu Mỹ nghe vậy nhưng cô cho rằng việc đó không quan trọng nên chỉ ậm ừ cho qua. Ai ngờ đâu khi bố đẻ cô muốn "đón tay" bé thì mẹ chồng lập tức ngăn lại. Bà liên tục nói: "Thôi, thôi, ông không được đâu" rồi tiến đến đón lấy em bé. Sau đó, bà cũng không để ông ngoại bế bé nhiều mà chỉ cho nhìn nên ông rất tức giận.
Đến khi Tiểu Mỹ xuất viện, bố đẻ vẫn liên tục gọi điện trách mắng, giận dỗi vì vấn đề "đón tay" cháu ngoại. Ông cho rằng bà thông gia là người khó tính nên như vậy sẽ không tốt. Tiểu Mỹ ban đầu cũng có chút không vui, cảm thấy mẹ chồng thiếu tôn trọng với bố mình. Vậy nhưng khi nghe bà giải thích lý do thì lại thầm cảm ơn cách hành xử của bà. Mẹ chồng Tiểu Mỹ cho biết bố Tiểu Mỹ chắc chắn là người hút thuốc lá lâu năm, khi đến bệnh viện tuy không hút nhưng bà vẫn ngửi rõ mùi thuốc trên người ông. Bà lo lắng ông bế bé sơ sinh sẽ gây ảnh hưởng đến sức khỏe nên mới ngăn cản.
Tiểu Mỹ thầm cảm ơn mẹ chồng sau khi biết rõ nguyên nhân bà không để ông ngoại bế cháu. (Ảnh minh họa)
Những người "kị" không nên "đón tay" bé sơ sinh
Chưa có nghiên cứu khoa học nào chứng minh được quan niệm người "đón tay" sẽ ảnh hưởng đến tính cách và cuộc sống của bé sau này. Vậy nhưng thực tế khi chọn người "đón tay" bé, gia đình cũng nên tránh 4 kiểu người dưới đây.
Người đang bị bệnh
Trẻ sơ sinh mới chào đời sẽ có sức đề kháng và khả năng miễn dịch tương đối yếu nên rất dễ nhiễm các loại vi khuẩn, virus. Chính vì vậy, những người đang bị ốm, bệnh tốt nhất không nên đến gần và đặc biệt là bế bé để tránh truyền vi khuẩn và virus.
Người không chú ý đến sức khỏe của chính họ
Những người chủ quan, không chú ý đến sức khỏe, vệ sinh của bản thân cũng không nên "đón tay" bé sơ sinh bởi vì chính họ có thể "nguồn" vi khuẩn di động. Nếu cho một người như vậy bế em bé, vi khuẩn trên cơ thể họ sẽ lây truyền làm ảnh hưởng sức khỏe của bé.
Người vụng về
Bế trẻ là một kỹ năng không hề đơn giản và không phải ai cũng thành thạo. Trẻ sơ sinh lại rất mềm yếu và mỏng manh về mọi mặt, nhạy cảm với mọi kích thích bên ngoài. Nếu người bế em bé là người lóng ngóng, vụng về, không biết tư thế bế thì có thể khiến bé cảm thấy khó chịu. Chưa kể đến những tai nạn không mong muốn cũng có thể xảy ra, làm ảnh hưởng của em bé trong trường hợp nghiêm trọng. Vì sự an toàn và sức khỏe của trẻ em, những người vụng về tốt hơn là không nên bế trẻ.
Người hút thuốc
Những người có thói quen hút thuốc tốt hơn là không nên đón tay bé sơ sinh, vì mùi khói sẽ lưu lại trên quần áo, miệng, tóc và những nơi khác, ảnh hưởng không tốt đến bé.
Theo các nghiên cứu khoa học, những đứa trẻ có bố mẹ hút thuốc lá nguy cơ bị đột tử ở tuổi nhũ nhi tăng. Lớn lên, nguy cơ trẻ mắc các bệnh lý cơn hen cấp tăng, hen phế quản cao rõ rệt. Bản thân thuốc lá còn ảnh hưởng tới sự phát triển trí não của trẻ nhỏ.