Trong lần mang thai đầu tiên, vợ ông bị chửa ngoài tử cung. Biến chứng nghiêm trọng khiến bà phải cắt bỏ cả hai buồng trứng và không thể có con.
Sau 2 năm yêu, Hải xin phép đưa bố mẹ anh đến thăm gia đình tôi để bàn chuyện đính hôn. Cứ nghĩ mọi chuyện sẽ vui vẻ, nhưng không ngờ lại xảy ra một tình huống khiến cả hai bên không thể ngờ tới.
Hôm ấy, ngay khi Hải và bố mẹ vừa bước vào nhà, mẹ tôi đứng khựng, ngây người. Bà nhìn bà thông gia tương lai mà mặt tái mét, rồi ngất xỉu ngay tại chỗ. Còn bố tôi, người vốn trầm tĩnh, đứng chết lặng, không nói nổi một lời nào. Sự hoang mang dâng lên trong lòng tôi khi mẹ tỉnh lại và bất ngờ hét lên:
"Hai đứa phải chia tay ngay lập tức!".
Vừa nhìn mặt thông gia tương lai, mẹ tôi liền ngất xỉu tại chỗ. (Ảnh minh họa)
Tôi sững sờ, không hiểu chuyện gì đang xảy ra. Hải cũng bối rối, cố hỏi mẹ tôi lý do nhưng bà chỉ lắc đầu, không nói thêm gì. Không khí trở nên căng thẳng tột độ. Sau đó, bố Hải chủ động lên tiếng:
"Chúng ta cần nói chuyện rõ ràng. Hãy ngồi xuống trước đã".
Hóa ra, sự việc bắt nguồn từ quá khứ mà tôi chưa bao giờ được biết. Mẹ tôi và bố Hải từng là mối tình đầu của nhau, yêu nhau suốt ba năm. Ngày đó, họ yêu đương sâu đậm, thậm chí mẹ tôi đã mang thai. Tuy nhiên, gia đình bố Hải kịch liệt phản đối, cho rằng mẹ tôi không "môn đăng hộ đối". Áp lực từ gia đình khiến bố Hải không đủ can đảm bảo vệ tình yêu của mình. Cuối cùng, ông quyết định chia tay, nhưng hứa sẽ chịu trách nhiệm với đứa trẻ trong bụng mẹ tôi.
Mẹ tôi không chấp nhận. Bà đau khổ, tuyệt vọng và quyết định rời xa nơi chốn cũ, chuyển đến một thành phố khác để làm lại từ đầu. Một mình mẹ vượt cạn, sinh ra tôi trong nỗi tủi hờn. Hai năm sau, bà gặp bố tôi, một người đàn ông ấm áp và giàu tình yêu thương. Ông chấp nhận tôi như con ruột và mang lại hạnh phúc mới cho mẹ. Mẹ tôi cắt đứt hoàn toàn liên lạc với bố Hải, không nhắc đến ông một lời.
Về phía bố Hải, sau khi chia tay mẹ tôi, ông kết hôn với người vợ hiện tại qua sự sắp đặt của gia đình. Nhưng cuộc sống hôn nhân của họ cũng không trọn vẹn. Trong lần mang thai đầu tiên, vợ ông bị chửa ngoài tử cung. Biến chứng nghiêm trọng khiến bà phải cắt bỏ cả hai buồng trứng và không thể có con. Sau đó, họ quyết định nhận nuôi một đứa trẻ từ trại trẻ mồ côi – chính là Hải. Khi ấy, Hải mới chỉ vài tuần tuổi. Vì muốn bảo vệ con, họ đã giấu kín sự thật, yêu thương và nuôi nấng Hải như con ruột.
Khi sự thật được tiết lộ, mẹ tôi nghẹn ngào:
"Tôi cứ tưởng... tưởng rằng hai đứa là anh em cùng cha khác mẹ. Nếu đúng như vậy, làm sao tôi có thể để chúng kết hôn?".
Ngọn nguồn câu chuyện được tiết lộ, đôi bên gia đình đều lặng người nhìn nhau. (Ảnh minh họa)
Bố Hải cúi đầu, giọng trầm buồn:
"Tôi xin lỗi vì đã khiến bà đau khổ năm xưa. Khi đó tôi đã quá yếu đuối, không vượt qua được rào cản gia đình. Nhưng tôi xin bà hãy tin rằng, Hải không phải con ruột của tôi. Đó là sự thật mà tôi chưa bao giờ dám tiết lộ, vì sợ tổn thương thằng bé."
Câu chuyện khiến ai nấy đều xúc động. Bố tôi, người luôn điềm tĩnh, đặt tay lên vai mẹ tôi:
"Chuyện cũ đã qua, đừng để nó làm ảnh hưởng đến hạnh phúc của con cái. Hải là một chàng trai tốt, và con gái mình cũng vậy. Chúng ta hãy nghĩ cho tương lai của các con".
Cuối cùng, sau nhiều giờ trò chuyện, mẹ tôi cũng nguôi ngoai. Bà quay sang Hải, ánh mắt dịu lại:
"Hải, bác chỉ mong con hãy yêu thương và chăm sóc con gái bác thật tốt. Nếu con làm được điều đó, bác sẽ yên tâm."
Hải nắm lấy tay tôi, hứa:
"Bác yên tâm, con hứa sẽ làm tất cả vì Hương (tên tôi)."
Cuối cùng, đám cưới của tôi với Hải đã được tổ chức suôn sẻ trong sự chúc phúc của đôi bên gia đình. Mọi người cùng bỏ qua quá khứ, cùng chung tay vun đắp cho tương lai của vợ chồng tôi. Giờ thi thoảng nhớ lại buổi gặp mặt ấy, tôi vẫn còn nghẹn ngào xúc động.
Những nguy cơ mang thai ngoài tử cung
Mang thai ngoài tử cung gây nên những ảnh hưởng không nhỏ tới sức khỏe của người phụ nữ. Dưới đây là một số yếu tố nguy cơ gây nên tình trạng mang thai ngoài tử cung, gồm:
- Phụ nữ đã có tiền sử mang thai ngoài tử cung ở những lần thai kỳ trước đó.
- Những người phụ nữ đã từng phẫu thuật ống dẫn trứng, phẫu thuật vùng bụng, vùng chậu trước đó.
- Phụ nữ bị viêm vùng chậu.
- Phụ nữ có mắc một số bệnh lây truyền qua đường tình dục.
Ngoài ra, còn có những yếu tố khác có thể làm tăng nguy cơ chửa ngoài tử cung ở phụ nữ, đó là:
- Nghiện thuốc lá.
- Mang thai quá muộn, mang thai ở độ tuổi trên 35 tuổi.
- Phụ nữ bị vô sinh, hiếm muộn.
Hiện nay có một số cách điều trị tình trạng mang thai ngoài tử cung đó là: sử dụng thuốc, phẫu thuật, theo dõi sự thay đổi của thai ngoài tử cung.
Tuy nhiên, không phải trường hợp nào mang thai ngoài tử cung cũng đều bắt buộc phải phẫu thuật. Nếu người phụ nữ được phát hiện mang thai ngoài tử cung từ sớm, kích thước túi thai còn nhỏ, chưa bị vỡ sẽ được bác sĩ chỉ định tiêm thuốc giúp khối thai tự tiêu. Nếu như khối thai đã có kích thước lớn (thường là trên 3cm) thì cần được phẫu thuật nội soi hoặc phẫu thuật mở.
Nhưng, việc lựa chọn phương pháp điều trị là tùy thuộc vào từng trường hợp cụ thể, do đó thai phụ nên đi kiểm tra, thăm khám và có sự tư vấn, theo dõi của bác sĩ và có được sự lựa chọn phù hợp, an toàn cho sức khỏe nhất.