Việc này khiến tôi có cảm giác giống như bị bố mẹ chồng lừa.
Hồi yêu, chồng tôi bảo:
- “Bố mẹ nói xây xong nhà to rồi mới rước dâu về”.
Tôi nghe vậy cũng nói luôn rằng:
- “Em không cần nhà to, chỉ cần chồng yêu vợ, bố mẹ chồng thương con dâu là đủ hạnh phúc rồi”.
Nhưng bố mẹ anh vẫn xây lại nhà 4 tầng rộng 100m2. Sau cưới đúng là tôi được ở nhà khang trang thoáng đãng, có điều mẹ chồng tôi thông báo luôn:
- “Nhà bố mẹ xây hết 1.3 tỷ, tiền ấy cắm đất vay ngân hàng. Các con là trưởng, sau nhà này sẽ là của các con nhưng nhiệm vụ của 2 đứa bây giờ là trả nợ để rút sổ về”.
Ôi nghe mẹ chồng nói mà tôi choáng váng bởi thực tình tôi đâu có cần nhà cao cửa rộng mà lại phải gánh khoản nợ ấy. Việc này khiến tôi có cảm giác giống như bị bố mẹ chồng lừa nhưng chuyện đã rồi tôi đành còng lưng kiếm tiền trả nợ.
Mệt ở chỗ chồng tôi lương lậu không ra sao. Anh ấy làm nhà nước lương tháng chưa nổi chục triệu. Khoản nợ ấy chỉ mình tôi gánh, một tháng mười mấy triệu trả ngân hàng lại còn tiền ăn uống sinh hoạt của cả gia đình. Thậm chí vì muốn tập trung kiếm tiền tôi còn không dám sinh con tính kế hoạch vài năm, bao giờ rũ hết nợ mới đẻ.
Tôi mệt mỏi vì áp lực gồng gánh tài chính trong nhà. (Ảnh minh họa)
Tôi vất vả như thế nhưng cả chồng lẫn bố mẹ chồng đều vô tâm kinh khủng. Chồng tôi lúc nào cũng tự tại với đồng lương còm, hễ mở miệng lại có câu:
- “Làm nhà nước lương thấp tí nhưng được về lâu về dài”.
Vợ nhắc tới áp lực khoản nợ ngân hàng kia, anh ấy lại nói rằng:
- “Gớm, em trả có tí nợ mà được ở nhà cao cửa rộng thế này. Người ta muốn còn không được”.
Bố mẹ chồng tôi cũng thế. Ông bà luôn bảo:
- “2 đứa chịu khó thì chỉ vài năm là rũ sạch nợ. Thả ra làm cả đời có mua nổi được cái nhà rộng trăm m2 vuông trên đất này?”.
Nỗ lực cày cuốc ngày đêm mấy năm trời tôi mới được thở phào. Nhẹ gánh, tôi liền thả để mang bầu vì kế hoạch gần 4 năm, tôi cũng sốt ruột. May mắn, tôi thả 2 tháng thì dính bầu ngay cũng đúng thời điểm em trai út của chồng thông báo lấy vợ. Vậy là cả nhà họp bố mẹ chồng tôi yêu cầu.
- “Vì 2 đứa được bố mẹ cho ở trên đất tổ tiên để lại nên phải dồn tiền mua nhà cho em. Trước nó thanh niên không sao, giờ lấy vợ phải có nhà riêng”.
Ông bà bắt vợ chồng tôi phải mua nhà cho con trai út. Chồng tôi cũng đồng ý, anh lấy lý do:
- “Mình là anh chị phải có trách nhiệm mua nhà cho em nó là đúng. Không thể trốn tránh trách nhiệm được”.
Em trai chồng tôi muốn mua chung cư 3 tỷ, vợ chồng họ mới có 1 tỷ số còn lại bố mẹ chồng bảo chúng tôi phải gánh. Cứ nghĩ tới số tiền này mà tôi căng thẳng tới phát ốm. Bản thân tôi mang bầu đã nghén, chẳng ăn uống gì được. Giờ thêm áp lực tiền nong khiến tôi càng mệt mỏi, người gày xanh. Thai được 3 tháng nhưng tim thai yếu, cơ thể của tôi cũng bị suy nhược. Bác sĩ yêu cầu tôi phải nghỉ ngơi tĩnh dưỡng, bồi bổ nhiều, tránh đi lại, vận động. Tôi nghĩ tới phương án nghỉ việc dưỡng thai nhưng nhà chồng tỏ vẻ khó chịu nên thi thoảng lại đi ra đi vào bóng gió nói:
- “Anh chị trả xong nợ xây nhà này rồi nên thảnh thơi, mặc cho em trai cưới vợ về ở đâu thì ở. Chúng tôi còn lạ gì”.
Chán ở chỗ, chồng tôi không biết thương vợ đã đành lại cũng không biết lo cho đứa con vợ đang mang. Biết rõ thai đang bị yếu mà anh vẫn giục vợ:
- “Em cố đi làm. Giờ em nghỉ việc coi như mỗi tháng mình mất khoản thu nhập gần 30 triệu. Như vậy lấy đâu tiền mua nhà cho vợ chồng chú Công”.
Nghe chồng nói, tôi vừa nản vừa tủi thân, nhiều khi chỉ muốn ly hôn luôn cho rồi. Cũng vì thương, muốn con chào đời có mái ấm trọn vẹn nên tôi đành cố. Hơn nữa, việc quan trọng nhất tôi cần làm bây giờ là cố gắng giữ gìn để thai được khỏe, mọi việc khác, tôi tính sau.
Tim thai yếu có giữ được không?
Trong 3 tháng đầu của thai kỳ, tim thai yếu có thể là dấu hiệu cảnh báo về nguy cơ sảy thai sớm. Nếu tốc độ nhịp tim của thai nhi xuống dưới 70 nhịp/phút trong tuần thứ 6 - 8, tỷ lệ sảy thai có thể lên đến 100%. Tốc độ nhịp tim dưới 90 nhịp/phút tăng nguy cơ sảy thai lên đến 86% và nếu dưới 120 nhịp/phút, tỷ lệ sảy thai là 50%.
Tim thai yếu nên làm gì?
Chẩn đoán
- Rối loạn nhịp tim ở thai nhi thường được chẩn đoán thông qua siêu âm trước khi sinh định kỳ hoặc khi bác sĩ lắng nghe nhịp tim của thai nhi.
- Nếu phát hiện bất thường về nhịp tim chậm, việc thực hiện siêu âm toàn diện ngay lập tức là cần thiết để đánh giá tình trạng sức khỏe của thai nhi. Siêu âm này bao gồm việc kiểm tra cử động, trương lực cơ và lượng nước ối, nhằm xác định xem em bé có gặp vấn đề và liệu có cần phải sinh non hay không. Đồng thời, các xét nghiệm máu và nước tiểu của mẹ có thể được thực hiện để sàng lọc các tình trạng mẹ mắc phải có thể gây ra nhịp tim chậm của thai nhi.
Nên ăn gì khi tim thai yếu?
Chế độ dinh dưỡng đặc biệt quan trọng khi tim thai yếu, do đó mẹ bầu cần bổ sung các vitamin và khoáng chất cần thiết. Dưới đây là một số dưỡng chất quan trọng:
- Vitamin C: Giúp tăng cường hệ miễn dịch và cải thiện quá trình hấp thụ sắt. Có thể tìm thấy nhiều trong trái cây chua, rau tươi và cà chua. Nhu cầu bổ sung hàng ngày khoảng 80mg.
- Vitamin D: Hỗ trợ quá trình hấp thụ canxi và phát triển xương chắc khỏe. Nên cố gắng tiếp xúc với ánh sáng mặt trời khoảng 10 phút mỗi ngày.
- Axit folic: Quan trọng cho việc hình thành tế bào mới, có nhiều trong gan, rau cải màu xanh đậm, mầm lúa mì, men, lòng đỏ trứng và nước cam.
- Canxi: Hỗ trợ sự phát triển của hệ xương, răng và chiều cao cho thai nhi. Có thể tìm thấy trong phô mai, hải sản và đậu. Nhu cầu hàng ngày khoảng 800mg - 1000mg.
Để đảm bảo việc bổ sung đúng lượng và đủ các chất dinh dưỡng, mẹ bầu nên thường xuyên thăm khám bác sĩ để nhận được hướng dẫn cụ thể phù hợp với tình trạng sức khỏe.