Chị M. từng nghĩ bản thân vô sinh và có ý định đến bệnh viện làm thủ tục thụ tinh trong ống nghiệm.
Ở tuổi 34, chị N.Th.M đang sống tại thành phố Fukuoka (Nhật Bản) đã lựa chọn sinh con và làm mẹ đơn thân. Thời gian đầu mới mang thai chị cảm thấy khá áp lực và buồn tủi. Tuy nhiên, với chị sau tất cả những thử thách thì việc được bầu bí và sinh con là thiên chức vô cùng thiêng liêng mà mỗi người phụ nữ đều ao ước có được.
Chị M. đã sang Nhật Bản đến thời điểm này là 10 năm.
Bất ngờ có thai sau nhiều năm mất kinh nguyệt
Chị M. cho hay, ngày mới biết tin có thai chị không thể tin vào mắt mình. Chị từng nghĩ bản thân sẽ chẳng thế mang thai tự nhiên được nữa do trước đó bị chửa trứng (là một biến chứng thai kỳ nghiêm trọng, nhưng hiếm khi gặp với tỷ lệ khoảng 1/1000 ca mang thai) và thường xuyên bị mất kinh, có thời điểm chị mất kinh nguyệt hơn một năm mới có lại. Nhiều khi bản năng làm mẹ trỗi dậy chị từng có ý định sẽ đến bệnh viện thụ tinh trong ống nghiệm để làm mẹ đơn thân.
Chị kể: “Trước đó 5 năm, trong cuộc hôn nhân đầu tiên mình đã từng bị chửa trứng và phải phẫu thuật 2 lần. Sau ly hôn, mình từng có ý định đến bệnh viện để thụ tinh ống nghiệm làm mẹ đơn thân. Nhưng may mắn, khi quen người đàn ông Nhật Bản mình đã có được bé Chôm Chôm một cách tự nhiên. Cả quá trình bầu bí mình đứng ngồi không yên do bản thân từng có tiền sử mang thai bất thường nên lần có bầu này vô cùng lo lắng”.
Qua giai đoạn đầu nhiều thử thách, khi thai đã vào tổ an toàn chị M. bất ngờ chảy máu tận hai lần. Chị hốt hoảng chạy đến bệnh viện kiểm tra, may mắn em bé vẫn an toàn, các bác sĩ yêu cầu mẹ đi lại nhẹ nhàng và theo dõi sát sao những bất thường trong cơ thể.
Bên cạnh nỗi lo về sức khoẻ, trong suốt thời gian mang thai điều làm chị cảm thấy mệt mỏi thêm nữa là yếu tố tâm lý. Đơn thân mang thai và sống một mình ở xứ người, không ít lần chị tủi thân và ngồi khóc trong bóng tối. Tuy nhiên những lúc như vậy chị cũng phải trấn an lại tinh thần và ý thức việc mình đang mang trong người một sinh linh bé bỏng, nên bản thân cũng phải vui vẻ.
Sự xuất hiện của em bé Chôm Chôm là niềm mong mỏi và khát khao của chị từ rất lâu.
Mẹ 8X thú nhận, thời gian đầu thai nghén chị gặp khá nhiều khó khăn, thường xuyên bị chóng mặt, không đứng vững vào buổi sáng khi ngủ dậy, chị bị mất ngủ triền miên do đi tiểu quá nhiều vào ban đêm (cứ 1 tiếng đồng hồ/lần).
Bầu bí mệt mỏi lại chỉ có một mình nên chị ưu tiên sử dụng dịch vụ siêu thị online, rau, củ, quả, thịt, cá chị đều mua trực tuyến và có nhân viên mang tới tận nhà. Nhờ ăn uống và sinh hoạt điều độ nên sức khỏe của mẹ và bé đều ổn định. Em bé tăng cần đầy đủ, về phía mẹ bầu, cả thai kỳ chị tăng 11kg.
Nói về câu chuyện thăm khám và theo dõi thai kỳ, chị cho biết, cả quá trình mang thai chị chuyển tất cả 3 bệnh viện. Ban đầu chị khám ở một phòng khám nhỏ gần nhà, phòng khám lâu năm tuy nhiên do không hài lòng với thái độ phục vụ nên chị chuyển lên bệnh viện chữ thập đỏ của thành phố, bệnh viện lớn có cả hệ thống phiên dịch nếu cần nhưng do chi phí sinh ở đây khá đắt nên chị chuyển lên bệnh viện trẻ em của thành phố để sinh con.
Chị M. từng có tiền sử chửa trứng nên chị nghĩ bản thân khó có thể có con tự nhiên.
Nằm một chỗ suốt 2 tháng để giữ cho thai đủ tuần tuổi
Thai 29 tuần chị M. đi siêu âm mọi chỉ số vẫn ở mức an toàn. Đến buổi tối sau khi tắm rửa xong chị thay quần áo thì thấy có dấu hiệu bất thường nhưng không nghĩ là sắp sinh em bé. Chị kể: “Lúc đó mình còn định đi ngủ, nhưng cảm thấy không yên tâm nên vẫn gọi điện về hỏi mẹ. Quá lo lắng, mình bắt xe taxi lên bệnh viện, vừa kiểm tra các bác sĩ đã hét lên: “Vỡ ối”. Do thai non tháng, bệnh viện lại không có hệ thống chăm sóc đặc biệt cho trẻ sơ sinh nên phải chuyển lên viện lớn. Bác sĩ nói vỡ ối thì đa số sẽ co thắt tử cung và sẽ sinh sau đó 1,2 tuần. Nhưng có lẽ em bé nhà mình thương mẹ, con nằm ngoan trong bụng mẹ đến hết tuần 36”.
Theo lời mẹ Việt ở Nhật, thời gian nằm viện giữ thai đủ tháng tuổi là những tháng ngày chị không bao giờ quên. Chị liên tục phải đóng băng vệ sinh 24/24 do rỉ ối, bụng không ngớt những cơn gò, xuất huyết liên tục, lúc nào cũng phải nằm "treo chân" giữ con... Mẹ 8X tâm sự: “Có thể nói, cả quá trình bầu bí mình không có một ngày an nhiên, lo từng phút từng giây cho đến khi con chào đời”.
Thời gian mang thai bé Chôm, chị M. đứng ngồi không yên vì lo lắng.
May mắn sau nhiều nỗ lực, 2 mẹ con đã cán đích thành công ở tuần thai thứ 37.
Nằm viện suốt 8 tuần để theo dõi thai kỳ và giữ con đủ tuần tuổi, lo sợ em bé bị nhiễm khuẩn do vỡ ối từ trước nên bước vào ngày đầu tiên của tuần thai 37 chị M. được mổ chủ động. Vì em bé nằm ngang, các bác sĩ dù rất vất vả nhưng vẫn không lôi được em bé ra nên kíp mổ tiếp tục rạch 2 đường thành hình chữ T trong dạ con.
Sau những giờ phút đầy căng thẳng, thật may mắn ca mổ lấy thai của chị M. đã diễn ra thành công. Bé Chôm Chôm chào đời trong niềm hạnh phúc vô bờ của toàn bộ những người có mặt tại ca mổ. Em bé được đưa tới đơn vị chăm sóc trẻ sơ sinh còn chị nằm lại phòng hồi sức. Những tưởng hạ sinh em bé thành công, sức khoẻ của hai mẹ con đã ổn định nhưng chị không may bị dị ứng thuốc giảm đau nôn thốc tháo, người mệt lả, xung quanh lại chẳng có lấy một bóng dáng người thân.
Hình ảnh bé Chôm sau sinh 2 tháng.
Một mình sinh con ở xứ người lại đúng mùa dịch COVID-19, sau sinh chị M. dường như không có khái niệm ở cữ. Một tay chăm con và lo việc nhà cửa, giặt giũ chị không có cả thời gian nghỉ ngơi cho riêng mình. Do ảnh hưởng của việc vận động nhiều sau sinh nên tận bây giờ, sau khi con đã 3 tháng tuổi nhưng vết mổ của chị vẫn chưa thực sự hồi phục.
“Do dịch nên mình hạn chế không gặp ai cả. Nhiều lúc bí quá nhờ mua đồ đến rồi để ở cửa bấm chuông ra lấy thôi. Nằm viện hơn 2 tháng giữ thai, thêm 2 tháng sau sinh, tất cả hơn 4 tháng rồi gần như mình không gặp ai cả. Chỉ liên lạc qua điện thoại và tin nhắn” - chị nói.
Là người từng gặp phải hiện tượng hiếm gặp khi mang thai, chị M. nhắn nhủ đến chị em phụ nữ, những ai sinh con lần đầu hoặc từng có bệnh nền hãy theo bệnh viện lớn có đủ hệ thống cấp cứu cho mẹ và bé khi cần thiết, tránh những nguy cơ không mong muốn đe doạ tính mạng của mẹ và thai nhi.