Với mong muốn cháu nội chào đời khỏe mạnh, thông minh, người bà này đã cho con dâu uống rất nhiều các loại thuốc bổ khi mang thai.
Khi mang thai, bà mẹ nào cũng mong muốn con chào đời khỏe mạnh, thông minh. Tuy nhiên, cũng vì vậy mà một số mẹ bầu đã phạm phải sai lầm, tự ý bổ sung các loại vitamin, thuốc bổ quá liều chỉ định của bác sĩ và nhận về cái kết không mong muốn. Câu chuyện của gia đình dưới đây là một ví dụ.
Tiểu Liên (23 tuổi, sống tại Hà Nam, Trung Quốc) kết hôn ngay sau khi tốt nghiệp đại học. Vì lúc này Tiểu Liên chưa tìm được việc làm nên mẹ chồng khuyên cô nên có bầu luôn. Hiện tại bà còn khỏe mạnh nên cũng có thể giúp vợ chồng Tiểu Liên trông cháu để cô thoải mái đi làm sau sinh. Nghe mẹ chồng nói có lý nên Tiểu Liên quyết định "thả" và may mắn mang thai ngay sau 2 tháng kết hôn.
Tiểu Liên được mẹ chồng quan tâm, mua cho nhiều thuốc bổ khi mang thai. (Ảnh minh họa)
Biết tin con dâu mang bầu, mẹ chồng Tiểu Liên vô cùng hạnh phúc và bà cũng quan tâm, chăm sóc cô hết mực. Vì còn trẻ, chưa có kinh nghiệm bầu bí nên cô cũng hoàn toàn tin và làm theo những lời khuyên của mẹ. Khi Tiểu Liên mới mang thai, mẹ chồng đã mua rất nhiều các loại thuốc bổ khác nhau và giục cô uống hàng ngày. Ban đầu, Tiểu Liên có chút do dự nhưng sau đó, cô mang thuốc đến hỏi bác sĩ và được biết đây đều là các vitamin, khoáng chất cần thiết cho bà bầu và thai nhi nên cô có thể yên tâm sử dụng.
Vậy nhưng vấn đề là Tiểu Liên đã dùng không đúng theo liều lượng được khuyến nghị. Chẳng hạn như axit folic được ghi trên nhãn dán là uống 1 viên/ngày nhưng mẹ bầu lại uống tới 2-3 lần một ngày. Nguyên nhân là vì mẹ chồng cô nói đây là thuốc giúp ngăn ngừa dị tật thai nhi, em bé thông minh, khỏe mạnh hơn nên uống càng nhiều càng tốt. Tiểu Liên cứ vậy nghe theo. Cô còn hạn chế đi siêu âm vì mẹ chồng nói siêu âm ảnh hưởng tới thai nhi.
Đến tháng thứ 8 thai kỳ, Tiểu Liên đi khám thì bác sĩ cho biết thai nhi có dấu hiệu chậm phát triển. Cùng với đó, cô cũng có dấu hiệu sinh non nên bác sĩ chỉ định mổ lấy thai. Bé trai chào đời ở tuần 33 chỉ nặng vỏn vẹn 1,9kg và lập tức phải vào phòng chăm sóc đặc biệt.
Cô không ngờ cuối cùng mình lại sinh con thiếu tháng và nhẹ cân. (Ảnh minh họa)
Nhìn con sinh non nhỏ xíu, bà mẹ này đã khóc lóc và hỏi bác sĩ tại sao mình đã uống rất nhiều thuốc bổ mà con sinh ra lại không khỏe mạnh. Nghe đến đây, bác sĩ mới giật mình hỏi lại cô bổ sung "rất nhiều" là bao nhiêu. Bà mẹ trẻ cho biết cô uống 2-3 viên bổ sung Axit Folic mỗi ngày sau mỗi bữa ăn. Bác sĩ nghe vậy nhíu mày mắng ngay sản phụ: "Trên lọ thuốc đã ghi rõ ràng là chỉ uống 1 viên/ngày cơ mà. 1 viên thuốc này chứa 400mcg Axit Folic là đã đủ liều, cô uống quá liều chỉ gây phản tác dụng thôi".
Lúc này Tiểu Liên mới biết mình đã sai và làm hại đến con. Tuy vậy, cô không trách mẹ chồng vì biết bà chỉ muốn tốt cho cháu. Cô tự trách bản thân nhiều hơn vì là người trực tiếp mang thai mà không tìm hiểu kĩ càng những kiến thức cần thiết, lại phụ thuộc hoàn toàn vào lời khuyên của người khác.
Những nguy cơ khi bà bầu uống axit folic quá liều
Axit folic là một trong những vitamin nhóm B, có vai trò quan trọng trong việc sản xuất các tế bào máu và sự phát triển của ống thần kinh. Thiếu axit folic sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe của con người đặc biệt là mẹ bầu và sự phát triển bình thường của thai nhi. Tuy vậy, việc bổ sung quá liều axit folic cũng có thể gây ra những hậu quả dưới đây:
Rối loạn hệ thống thần kinh người mẹ
Người mẹ bổ sung quá nhiều axit folic có thể gây rối loạn hệ thống thần kinh trung ương gây triệu chứng co giật, ảnh hưởng đến sức khỏe không chỉ người mẹ mà cả thai nhi.
Buồn nôn
Việc bổ sung axit folic quá mức trong thai kỳ còn có thể khiến nhiều bà mẹ phải đối mặt với các triệu chứng tiêu hóa bất lợi như biếng ăn, buồn nôn, đầy hơi… Những triệu chứng này rất dễ khiến các bà bầu nhầm lẫn với các triệu chứng ốm nghén đầu thai kỳ.
Tăng nguy cơ trẻ nhẹ cân
Hàm lượng axit folic cao trong cơ thể người mẹ sẽ can thiệp vào sự trao đổi chất trong cơ thể em bé, dẫn đến việc hấp thụ kẽm kém và làm tăng nguy cơ thiếu kẽm. Việc thiếu kẽm sẽ làm chậm sự phát triển của thai nhi, do đó làm tăng xác suất mẹ sinh ra con nhẹ cân, chậm phát triển.