Đây là 2 món ăn rất bình dân, đâu đâu cũng bán mà cách chế biến lại đơn giản vô cùng.
Nhắc đến cơm cữ chắc hẳn nhiều mẹ cảm thấy “ngán đến tận cổ" khi ngày nào cũng được ăn thịt kho tiêu rồi chuyển sang thịt kho nghệ kèm với canh rau ngót thịt bằm, đu đủ hầm chân giò... Bởi thế, cứ mỗi lần có mẹ nào đó khoe mâm cơm cữ được mẹ hay chồng nấu cho là lại "đổ xô" vào xuýt xoa ghen tị.
Chẳng hạn như cách đây vài hôm, bà mẹ 1 con tên là Nguyễn Ngọc Bích Trâm, hiện đang sinh sống ở Thành phố Hồ Chí Minh, đã thu hút sự quan tâm của các mẹ bỉm khi khoe mâm cơm cữ trong một nhóm yêu bếp. Mọi người thi nhau trầm trồ không chỉ vì mâm cơm cữ đa dạng về màu sắc mà còn đa dạng cả về món ăn.
Mặc dù những cơm cữ này đã được nấu cách đây 2 năm, nhưng mỗi khi nhắc lại quá trình ở cữ, kích sữa cho con, chị Bích Trâm lại bồi hồi nhớ về mẹ vì bà chính là người đã tạo ra những mâm cơm tuyệt vời này.
Dù những phần cơm cữ này đã được mẹ nấu cho cách đây 2 năm, nhưng mỗi khi nghĩ lại chị Bích Trâm lại bồi hồi.
Nhớ lại quãng thời gian nằm cữ, chị Bích Trâm chia sẻ: “Thể trạng của mình cơ bản là ốm yếu, nhưng trộm vía nhờ cơm cữ của bà ngoại và một số kiến thức khác mình tự trang bị, mà từ lúc mới sinh, sữa mẹ đã dư dả cho bé ti no nê luôn. Vì mẹ mình làm điều dưỡng ở bệnh viện, nên cách chăm sóc bà đẻ tương đối khoa học, hầu như không kiêng cữ món nào hết, chủ yếu là ăn chín uống sôi và cứ ăn đa dạng đầy đủ chất dinh dưỡng thôi".
Bởi vậy, nhiều người đã kinh ngạc khi trong mâm cơm cữ của chị Bích Trâm có cả những món mà theo các bà các mẹ ngày xưa là không được ăn như thịt bò thịt gà cả da, trứng ốp la lòng đào, cam... chẳng hạn. Nhìn vào mâm cơm, chúng ta đều dễ dàng nhận ra mẹ của chị Bích Trâm rất chu đáo. Bữa nào bà cũng nấu cho con gái một mâm cơm đầy đủ dưỡng chất, bao gồm cơm, canh, món xào, món mặn và trái cây tráng miệng với đủ các loại thịt heo, bò, gà, cá trê, cá bống, cá lóc, tôm...
Mâm cơm cữ của chị Bích Trâm vô cùng đa dạng về màu sắc và thành phần dinh dưỡng, không có bữa nào trùng bữa nào.
Mặc dù các bữa ăn hầu như không có món trùng nhau, nhưng nếu ai để ý kỹ sẽ thấy tần suất xuất hiện của hai quả chuối sứ và một quả trứng luộc thường xuyên. Chị Bích Trâm tiết lộ: "Có một bí quyết gọi sữa của riêng bà ngoại mà khi xem các mâm cơm cữ các mẹ sẽ thấy, mẹ thường cho mình ăn 2 trái chuối sứ luộc và 1 trứng gà luộc hầu như mỗi ngày.
Theo mình được biết, đây cũng là kinh nghiệm dân gian. Bà ngoại làm cho mẹ, rồi mẹ làm cho mình. Chuối và trứng gà nhiều dinh dưỡng. Riêng chuối sứ giàu vitamin, làm đẹp da, kích thích về nhiều sữa. Tuy nhiên, sản phụ sau sinh thì bụng dạ yếu, lại cho con bú nên ăn chuối hấp và trứng luộc sẽ an toàn hơn. Ngoài ra, thường xuyên ăn gà ác tiềm là bí quyết gọi sữa gia truyền của nhà mình".
Bên cạnh đó, vào bữa phụ, mẹ còn cho chị Bích Trâm ăn lót dạ là bánh mì trứng ốp la, cháo gà, và thỉnh thoảng bà đổi cho con ăn món nước như hủ tiếu cá lóc, nui mộc hay hủ tiếu xương...
Hầu như bữa cơm nào, mẹ chị Bích Trâm cũng đều "đãi" con gái 2 quả chuối sứ và 1 quả trứng luộc.
Bà cũng thường xuyên đổi món và tẩm bổ cho con bằng món gà tiềm.
Bà mẹ 1 con cũng cho biết thêm rằng chị ăn cơm cữ theo nhu cầu, chỉ ăn một chén cơm mỗi bữa nhưng ăn nhiều thức ăn, vì vậy mà chị không bị tăng cân nhiều. Có lẽ nhờ thế mà chị Bích Trâm cho biết mình đã có sữa ngay sau 24 giờ sinh con, và con gái chưa không cần phải uống một giọt sữa công thức nào trong thời gian đợi sữa mẹ.
Cũng nhân câu chuyện cơm cữ của mình, chị Bích Trâm đã chia sẻ thêm về bí quyết kích sữa của mình, bởi nhờ có nó mà chị dư dả sữa cho con tu ti. Đó là:
- Mẹ nên ngủ đủ giấc, đặc biệt là phải ngủ thật sâu dù chỉ được 1 – 2 tiếng cũng được. Lưu ý là trước khi ngủ mẹ nên uống một ly sữa ấm.
- Uống thật nhiều nước ấm, ăn thức ăn ấm. Nếu có thể mẹ nên uống thêm cốm lợi sữa hoặc ngũ cốc lợi sữa.
- Chườm ngực bằng nước ấm.
- Massage ngực thường xuyên và đúng cách theo hướng dẫn trên youtube.
- Có thể dùng máy hút sữa để kích sữa về nhanh hơn.
- Luôn giữ tâm trạng thoải mái, tinh thần lạc quan để không ảnh hưởng đến quá trình gọi sữa của mình.
Chị Bích Trâm hạnh phúc vì có mẹ bên cạnh chăm sóc trong thời gian ở cữ.
“Và điều cuối cùng nhưng quan trọng nhất chính là các mẹ phải cho bé ti thật thường xuyên, cách 2-3 tiếng lại cho con ti mẹ một lần dù bé chưa đói hay mẹ chưa có sữa. Tuy nhiên, phản xạ nút của con là yếu tố quan trọng để gọi sữa về. Trước khi cho con ti, mẹ cần massage ngực và uống nước ấm. Con ti xong lại tiếp tục massage và uống nước ấm”, chị Bích Trâm nhắn nhủ.
Gia đình nhỏ 3 người của chị Bích Trâm.