Những mâm cơm cữ - chỉ nhìn thôi cũng đã thấy thèm.
Chúng ta đều biết sữa mẹ là thức ăn tốt nhất dành cho trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ, thế nhưng thực tế thì không phải bà mẹ nào sinh con xong cũng có đủ sữa cho con tu ti. Đã có rất nhiều người bật khóc vì việc kích sữa không hiệu quả, hay đầu ngực rỉ máu vì hút sữa quá nhiều. Tuy rằng hành trình đi tìm sữa cho con không ai giống như ai, nhưng chung quy lại sau bao nỗ lực và đau đớn, rất nhiều mẹ đã thành công.
Thu Sang hiện đang sinh sống ở Đức.
Mới đây, một bà mẹ 9X tên là Thu Sang, hiện đang sinh sống ở Berlin (Đức) đã chia sẻ về quá trình bầu bí và kích sữa cho con. Và bí quyết của cô nàng chính là những bữa cơm cữ đẹp mắt, đầy đủ dinh dưỡng do chính tay mẹ cô nấu cho con gái yêu.
Nhờ những mâm cơm cữ đẹp mắt và đầy đủ chất dinh dưỡng này đã giúp Thu Sang tìm sữa về cho con thành công.
Nhớ lại quãng thời gian bầu bí, Thu Sang chia sẻ xuyên suốt quá trình mang thai, cô bị nôn nghén khủng khiếp, đặc biệt là trong 3 tháng đầu thai kỳ. Cô kể: “Sáng dậy mở mắt ra, việc đầu tiên của mình là nôn, rồi trưa nôn, chiều nôn, tối đêm cũng nôn nốt. Ăn gì nôn nấy, ngay cả uống nước cũng bị nôn. Một ngày của mình chỉ quanh đi quẩn lại giữa việc nằm lả trên giường rồi vào nhà vệ sinh. Dần dần, thấy vợ yếu quá, chồng mình đặt luôn chiếc xô ngay giường để không cần đi lại nhiều, đỡ mất sức. May có chồng ở bên cạnh quan tâm chăm sóc từ những điều nhỏ nhất. Lúc mình mang thai chồng mình vừa đi làm vừa nấu cơm cho vợ .Anh còn thường xuyên gội đầu cho mình vì tóc mình dài nhưng mình lại hay chóng mặt do nôn nghén".
Vì ốm nghén nặng nên chỉ sau 3 tháng đầu, Thu Sang đã sụt tận 10kg. Cô trở nên xanh xao, gầy yếu và mất sức. Tình trạng này kéo dài suốt cả thai kỳ nên bà mẹ trẻ chỉ tăng lại vỏn vẹn được có 6kg sau đó, đạt mốc 56kg trước khi lên bàn sinh. Nhưng 3 ngày sau sinh, cô xuống chỉ còn 48kg.
Thu Sang đã từng bật khóc vì không có sữa cho con tu ti.
Đã mất nhiều sức trong thai kỳ, Thu Sang còn sinh khó. Đúng lúc đó dịch bùng lên ở Đức nên bệnh viện chỉ cho phép người nhà vào thăm sản phụ 3 tiếng/ngày, khiến bà mẹ trẻ bị stress nặng đến mức không thể ăn uống được gì, cô vừa bế con vừa cho con ti nhưng lại không hề biết rằng mình không có sữa. May mà trong một lần vào thăm, mẹ cô đã phát hiện nên bảo con đi gặp y tá xin sữa ngoài. Nhìn con bú ngon lành hết một bình sữa rồi lăn ra ngủ, Thu Sang bật khóc vì thương con.
Sau 4 ngày ở viện, mẹ con Thu Sang được xuất viện về nhà. “Mình sinh xong suy nhược sức khỏe, đau đớn lắm. Nhưng may mà có mẹ, sinh hoạt trong ngoài cữ, ăn uống rồi xoa bóp rượu gừng là mẹ làm hết. Vì lúc đó mình đau đến mức cúi xuống kéo cái quần lên cũng không được. Mình chỉ có một nhiệm vụ là ăn uống và ngủ nghỉ đầy đủ để có sữa cho con bú là được”, cô cho biết thêm.
Mẹ Thu Sang tự tay chuẩn bị từng bữa ăn khi con ở cữ.
Nhờ vậy mà 1 tháng sau sinh, cơ thể và sức khỏe của bà mẹ 1 con đã được phục hồi. Không chỉ vậy, cô còn kích sữa thành công đến mức sữa chảy ướt áo, con tu ti không hết.
Nhìn vào mâm cơm cữ mà Thu Sang “khoe” có thể thấy rằng cô đúng là một bà mẹ may mắn và hạnh phúc khi được thưởng thức những bữa ăn quá nhiều dinh dưỡng. Nó không chỉ có đầy đủ các chất như tinh bột là cơm, mà còn chứa rất nhiều protein của thịt bò, thịt heo, bồ câu, tôm, mực, đậu hũ… Bữa ăn nào, Thu Sang cũng thưởng thức một loại trái cây khác nhau để bổ sung vitamin và chất xơ. Bên cạnh đó, một ly trà hoa bồ công anh, trà lợi sữa… cũng không bao giờ thiếu trong bữa ăn.
Những bữa cơm cữ do chính tay mẹ Thu Sang chuẩn bị cho con gái để kích sữa cho cháu bú.
Không chỉ có thế, mỗi bữa mẹ của Thu Sang đều tỉ mẩn chuẩn bị cho con gái khoảng 2 – 3 món mặn, 1 món xào, một món canh hoặc rau luộc kèm với cơm, trái cây và nước uống. Mâm cơm được bày biện đẹp mắt với rất nhiều màu sắc, và không ngày nào có món ăn trùng nhau.
"Nhờ những bữa cơm cữ đa dạng thơm ngon đầy đủ chất dinh dưỡng của mẹ mà tôi đã hồi phục sức khỏe nhanh, sữa về nhiều chất, đặc thơm và em bé trộm vía rất cứng cáp. Tháng đầu tiên em bé tăng được 1,9kg”, Thu Sang tự hào cho biết.
Mẹ đủ sữa, sữa lại có chất lượng tốt nên con trai Thu Sang lớn lên trông thấy theo từng tháng.
Cậu bé này đã biết đi men dù chỉ mới 6 tháng tuổi.
Hiện nay, con trai của Thu Sang đã được 8 tháng. Cậu bé bụ bẫm, đáng yêu và rất đẹp trai. Và sau khi trải qua những khó khăn trong những bước đầu tiên của “nghề làm Mẹ”, bây giờ, Thu Sang muốn chia sẻ những kinh nghiệm của mình cho các bà mẹ khác.
“Nếu các mẹ gặp phải tình trạng như mình, mọi người có thể thử theo cách kích sữa đơn giản nhất là việc ăn uống trước, kích sữa bằng máy hút sữa sau. Mẹ chỉ không cho mình ăn các loại đồ ăn gây lạnh bụng như ốc, ngao, nghêu, sò… và các loại thực phẩm gây mất sữa như lá lốt, bắp cải… Còn lại thì không kiêng cữ món gì nữa cả", cô nhắn nhủ.
Gia đình Thu Sang trong dịp đầy tháng con trai.
Bí quyết để các mẹ gọi sữa về sau sinh con Tiến sĩ Meredith Shur – giảng viên chuyên ngành sản phụ khoa tại Trường Y Mount Sinai (Mỹ) cho biết để có sữa nhanh về sau khi sinh con, các mẹ cần: - Cho con bú thường xuyên và để con tự quyết định khi nào ngưng bú: Khi bạn cho con bú, các hormone sẽ kích thích vú sản xuất tuyến sữa. Đồng thời, phản xạ mút của bé sẽ làm cho các cơ trong vú co lại và di chuyển sữa qua các ống dẫn sữa. Vì vậy, bạn càng cho con bú nhiều, vú của bạn càng tạo ra nhiều sữa. - Hút sữa giữa các cữ bú: Việc này có thể giúp bạn có nhiều sữa hơn. Tuy nhiên, bạn nên massage ngực, đắp khăn ấm trước khi hút sữa thì sẽ bớt đau và có nhiều sữa hơn. - Cho con bú cả hai bên: Bạn nên cho con bú cả hai bên ngực trong mỗi lần bú. Hãy để trẻ bú bên ngực này cho đến khi con ngừng lại thì đổi bên. Hút sữa cũng vậy, bạn nên hút đồng đều cả hai, vì cách này giúp tăng lượng sữa cũng như hàm lượng chất béo có trong sữa. - Ăn uống đầy đủ dưỡng chất: Trong thời gian ở cữ, bạn không nên ăn kiêng khem quá nhiều. Ăn ít hay hạn chế chất dinh dưỡng sẽ làm cho lượng sữa giảm đi, đồng thời chất lượng sữa không được tốt. - Uống nhiều nước ấm: Uống nhiều nước ấm cũng giúp cho cơ thể sản xuất được nhiều sữa hơn do có đủ nước. Ngoài ra bạn có thể thay nước bằng sữa ấm, hoặc các loại trà như trà lợi sữa chẳng hạn. |